(Thethaovanhoa.vn) -
Trong 10 năm trở lại đây, Thể thao Việt Nam luôn vững chân trong tốp 3 chung cuộc tại các kỳ SEA Games nhưng ở đấu trường châu Á (Asian Games), thành tích của TTVN lại đang có xu hướng giảm dần.Cụ thể, nếu như ở ASIAD 2002, thể thao Việt Nam có tới 4 HCV thì sau đó 4 năm, số HCV mà các VĐV Việt Nam giành được chỉ là 3, và ở kỳ ASIAD gần nhất, 2010 thể thao Việt Nam phải chờ tới ngày thi đấu áp chót mới có được chiếc HCV duy nhất.
Vì thế, kỳ ASIAD lần thứ 17 được tổ chức ở Incheon (Hàn Quốc) từ 19/9 đến 4/10/2014 sẽ đặt ra cho thể thao Việt Nam rất nhiều thách thức. Đây sẽ là một kỳ Đại hội thể thao châu lục có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì 4 năm sau chúng ta sẽ tổ chức ASIAD lần thứ 18 tại sân nhà.
Điểm lại 3 kỳ ASIAD gần nhất sẽ thấy năm nào karatedo cũng đóng góp ít nhất 1 HCV cho thể thao Việt Nam (2 HCV tại ASIAD Busan 2002, 1 HCV tại ASIAD Doha 2006 & Quảng Châu 2010), nhưng có lẽ ở ASIAD 2014, karatedo khó lòng duy trì thành tích lấy vàng cho thể thao Việt Nam. Nói thế là bởi karatedo Việt Nam vẫn trong quá trình chuyển giao lực lượng, và ở ĐT karatedo hiện nay không có nhiều những gương mặt mới đủ sức gánh vác trọng trách săn vàng. Chỉ nói tới chuyện Vũ Nguyệt Ánh, HCV ASIAD 2006, giờ vẫn là hy vọng vàng chủ lực của kumite nữ là đủ hiểu karatedo Việt Nam đang khan hiếm nhân tài tới cỡ nào.
Vấn đề đặt ra ở đây là một khi karatedo khó lòng gánh vác trọng trách săn vàng như trước thì môn thể thao nào sẽ thay thế? Câu trả lời là bơi lội, bắn súng, điền kinh, và có thể là cả taekwondo, cầu mây nữ...
Ánh Viên và ai nữa?Với Ánh Viên, kình ngư mà thành tích 200m ngửa luôn nằm trong top 3 châu Á, thể thao Việt Nam có rất nhiều hy vọng vào chiếc huy chương bơi lội, không loại trừ khả năng là HCV, đầu tiên trong lịch sử. ở những giải đấu mang tầm châu lục và thế giới trước đó, Ánh Viên đều đạt được thành tích rất tốt, chỉ cần duy trì được thành tích như lúc tập luyện là Ánh Viên hoàn toàn có thể mơ tới khả năng đoạt được HCV.
Trở về từ SEA Games, đúng ngày 1/1/2014, Ánh Viên đã lên đường sang Mỹ tập huấn, đợt tập huấn tại Florida kéo dài tới tận tháng 6, mục tiêu của Ánh Viên không gì khác hơn là chiếc HCV danh giá tại ASIAD ở Incheon. Ngoài Ánh Viên, bơi lội Việt Nam cũng có thể kỳ vọng vào những cái tên khác như Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi hay Lâm Quang Nhật, nhưng khả năng giành HCV của các kình ngư này không cao.
Cách đây 4 năm, điền kinh đã thiết lập một cột mốc mới cho thể thao Việt Nam với 3 HCB (Vũ Thị Hương 200m nữ, Trương Thanh Hằng 800m và 1.500m nữ), 2 HCĐ (Vũ Thị Hương 100m nữ, Vũ Văn Huyện 10 môn phối hợp nam). Đây là lần đầu tiên điền kinh Việt Nam giành được huy chương ở ASIAD, và năm nay, ngoại trừ Vũ Văn Huyện không còn thi đấu ở nội dung 10 môn phối hợp, Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương sẽ tiếp tục góp mặt ở ASIAD 2014.
Tại nội dung 100m và 200m nữ, Vũ Thị Hương khó lòng đoạt được HCV, khi ở đây vẫn còn ngôi sao người Nhật Chisato Fukushima, và 100m, 200m cũng là 2 nội dung khó nhất, danh giá nhất của điền kinh nên quy tụ rất nhiều VĐV xuất sắc của châu lục.
Tuy nhiên, điền kinh Việt Nam sẽ có hy vọng ở các cự ly trung bình và dài, ngoài Trương Thanh Hằng, chúng ta còn có Đỗ Thị Thảo, VĐV đã thay thế xuất sắc nhiệm vụ của Thanh Hằng tại SEA Games 27 vừa qua với cú đúp HCV trên các đường chạy 800m và 1.500m. Điền kinh Việt Nam cũng có thể hy vọng ở một số gương mặt như Nguyễn Văn Lai (HCV 10.000m và 5.000m ở SEA Games 27), Phạm Thị Bình (HCV marathon SEA Games 27), hay thậm chí cả Nguyễn Văn Hùng, nhà vô địch nhảy xa 3 bước ở SEA Games 27 với thành tích chạm mốc top 3 ASIAD...
Không chỉ có điền kinh và bơi lội, thể thao Việt Nam cũng có thể phó thác nhiệm vụ săn vàng cho bắn súng, bộ môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại SEA Games 27 với 7 HCV trong số 12 nội dung thi đấu. Ở ASIAD 2010, Hà Minh Thành suýt nữa đã mang về chiếc HCV ở nội dung súng ngắn bắn nhanh 25m, và tại Incheon những ngày mùa Thu sắp tới, Minh Thành cùng với Hoàng Xuân Vinh sẽ tiếp tục là hy vọng vàng.
Đã tới lúc thay đổi?Sự khởi sắc của thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế với các môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống Olympic như điền kinh và bơi lội đã khiến chúng ta không thể không nhìn lại và suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng, phải chăng đã đến lúc thể thao Việt Nam nên đầu tư bài bản cho những môn thể thao này, thay vì phó thác hy vọng vào những môn võ vật vốn phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ quyết định của trọng tài đối với kết quả cuối cùng.
Tấm gương của thể thao Thái Lan tại SEA Games 27 vừa rồi có thể khiến chúng ta học hỏi được nhiều điều. Các VĐV Thái Lan có thể không quá mạnh ở các môn như wushu, karatedo, pencak silat, vật, song với những môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá... thì người Thái thực sự là số một. Việc Thái Lan đoạt được ngôi vị số một toàn đoàn ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á trên đất Myanmar là bằng chứng cho thấy sức mạnh áp đảo và hướng đi đúng đắn mà thể thao Thái Lan đã lựa chọn.
Trước đây, trọng tâm của thể thao Việt Nam luôn là các kỳ SEA Games, và vì thế khi bước vào tranh tài ở ASIAD hoặc Olympic thường được tổ chức ngay sau SEA Games, các VĐV chúng ta thường có dấu hiệu sa sút và hụt hơi, bởi bao nhiêu sức lực gần như đã dốc toàn bộ ở “ao làng”.
SEA Games 27 đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong tư duy của những người làm thể thao cũng như các VĐV Việt Nam, khi tất cả đều khẳng định rằng SEA Games 27 chỉ là bước đệm, là sự chuẩn bị cho ASIAD 2014, và đấu trường châu lục mới là nơi mà họ sẽ dồn toàn bộ tâm huyết cũng như năng lực của mình.
Với cách nghĩ vượt ra khỏi “ao làng” như thế, có cơ sở để tin rằng thể thao Việt Nam ở ASIAD 2014 sẽ có một diện mạo rất khác so với các kỳ Đại hội thể thao châu Á trước đây.
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần