HLV phó T&T.HN, Văn Sỹ Sơn: “Ép xác” học làm thầy

14/10/2009 13:28 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trong nhà họ Văn ở Nghệ An, Sơn không nổi tiếng bằng người anh hay người em nhưng có cá tính mạnh mẽ nhất. Vừa lấy xong bằng B ở lớp HLV ở Huế, cựu tuyển thủ Sông Lam đang cháy bỏng giấc mơ trở thành HLV chuyên nghiệp.

1. Sơn ham chơi, và không ít lần gặp rắc rối từ những cuộc chơi bạt mạng, cháy hết mình. Cũng do đá bóng lâu quá. 37 tuổi còn rong ruổi khắp nước với anh em cầu thủ, có người gọi bằng chú. Không chơi, anh em còn coi ra gì.  Sơn thanh minh như thế. Nói thẳng, đã có lúc gia đình chán, không thèm khuyên nữa. Nhưng, chính cá tính thời còn đá bóng khiến các cầu thủ ở SLNA hay T&T.HN hiện nay coi anh Sơn là người “có chất”.

Cái chất của Sơn thể hiện rõ trên sân cỏ là khi nào cũng đá hết mình. Sơn nói: “Anh tôi mà là đối thủ thì tôi cũng không nương chân”. Có lẽ, nhiều người không thích lối đá “gấu” và hay ra hết chân của Sơn. Tuy vậy, với khán giả thành Vinh thì đá như thế xem mới đã. Thắng “Mạch”, Hải “vẩu” , Sơn “Chi”, Hoàng “Cẩn” luôn biến sân Vinh sôi động bởi phong cách quyết liệt.

Với vóc dáng nhỏ con như Sơn, đá hậu vệ trái được đến 37 tuổi không phải là chuyện dễ. “Chơi ngoài đời thì cứ thoải mái. Có điều vào sân là phải đảm bảo thể lực, phải đá cho hết mình thì không phải ai cũng làm được”.

Sơn tự hào mình là người có lẽ duy nhất cống hiến cho Sông Lam đến 36 tuổi mới chia tay. Vắt qua bao giai đoạn, vinh quang, lận đận rồi nghèo đói trường kỳ của bóng đá xứ Nghệ. Chỉ từng đó thôi, Sơn cũng có thể đủ tư cách đứng giữa sân Vinh mà nói chuyện bóng đá Nghệ với các thế hệ đàn em.


HLV Văn Sỹ Sơn (giữa) trên sân tập cùng các cầu thủ T&T HN.

Năm 2007 chia tay Sông Lam ở tuổi 36, Sơn được bạn thân Hà “tí tồ” tạo điều kiện ra T&T.HN. Mùa bóng 2008, cựu hậu vệ Sông Lam góp phần đưa T&T.HN lên chuyên nghiệp. Năm nay, Sơn giải nghệ, cùng Chu Đình Nghiêm làm trợ lý cho Triệu Quang Hà, rồi Hữu Thắng. Hà bị “trảm”, Sơn cùng Nghiêm cũng có ý định chia tay bầu Hiển vì  tình cảm, vì thấy bạn bị đối xử hơi bất nhẫn. Nhưng Sơn đã kịp đè cơn bốc đồng xuống, đã biết nhìn rộng, xa hơn để ở lại. “Việc Hà nghỉ để lại trong tôi bài học lớn về nghề. Đã là HLV chuyên nghiệp thì ai cũng phải sẵn sàng đối diện với chuyện bị sa thải, với cay đắng. CLB nào cũng thế thôi. Xác định thế cho nhẹ lòng. Tôi thấy chẳng còn đâu có môi trường tốt với nghề HLV như ở T&T.HN. Ở đây, tôi có động lực để phấn đấu trong 2 năm Sông Lam cho mượn”. Bầu Hiển vừa ký hợp đồng mượn Sơn từ Sông Lam đến năm 2011. Hiện tại, Sơn cùng Chu Đình Nghiêm được bầu Hiển trao toàn quyền huấn luyện cho đội, trong giai đoạn chưa có HLV trưởng. “Hai anh em say sưa, làm việc bốc, tâm đầu ý hợp lắm. Cầu thủ họ cũng quý và nghe lời”. Sơn khoe như thế.

2. Không như anh Văn Sỹ Hùng, Sơn thời còn đá bóng chẳng bao giờ xác định cho mình một nghề nào cả. Cuộc sống phóng túng. Bây giờ, Sơn hoàn toàn là con người khác. Anh gọi thực sự đây là cuộc ép xác để theo đuổi nghề HLV. Anh bảo mình phải học và điều chỉnh từ cách nói năng đến tác phong, kỷ luật. Tính tình đã đằm hơn, trách nhiệm hơn. Điều đó khiến chính người thân cũng phải ngạc nhiên. Hạnh phúc nhất là về nhà, bố con, anh em đã có thể quay quần nói chuyện bóng đá, chuyện nghề say sưa với nhau.

Thua Hữu Thắng, Văn Sỹ chỉ 1 tuổi, đồng niên với Huỳnh Đức, Sơn xác định thẳng thắn rằng còn lâu mình mới được như đồng nghiệp. Cũng phải thôi, đến người có “thương hiệu”, quan hệ tốt, tài ăn nói như anh trai Văn Sỹ Hùng còn lận đận, nói gì Sơn. Anh chưa bao giờ được gọi lên đội tuyển, chỉ mới giải nghệ năm 2008 rồi bắt tay vào nghề HLV.

Nhưng biết đâu được, một lúc nào đó Văn Sỹ Sơn sẽ được thiên hạ kính nể ở vai trò HLV. HLV nào cũng đến lúc được trao cơ hội cầm sa bàn trực tiếp điều binh. Vấn đề là với Sơn, thời vận sẽ đến lúc nào thôi. Liệu anh có được tạo điều kiện tốt như Văn Sỹ, Hữu Thắng, Huỳnh Đức để thể hiện mình không.

Tuy nhiên, nếu thực sự “ép xác” và đau đau vươn lên, trời chẳng phụ ai. Mà không thành công cũng thành nhân, phải không HLV họ Văn!

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm