Annette Herfkens: Họ chính là đấng cứu thế của đời tôi

14/08/2014 08:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (13/8), bà Annette Hefkens đã lần thứ hai trở lại vùng núi cao rừng thẳm Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) để thăm lại những con người đã vượt 6 tiếng đường rừng cứu bà khỏi tay tử thần. Một buổi gặp mặt không lâu, đơn giản, nhưng cảm động và thấm đẫm tình người…  

“Khi chúng tôi tìm thấy cô ấy, thật sự là một cảnh tượng hãi hùng. Trời sẩm tối, một cô gái mắt xanh ngồi bất động dưới thứ ánh sáng cuối ngày le lói, hiu hắt qua những tán lá, xung quanh đầy những xác người đang phân hủy. Dường như cô ấy đã rơi vào trạng thái vô thức. Mà cũng phải thôi, 8 ngày sau vụ tai nạn, cô ấy còn sống đã là điều kỳ diệu rồi”, ông Nguyễn Thành Chung, Nguyên Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Khánh Sơn, người trực tiếp chỉ huy cuộc tìm kiếm, kể…

“Người đàn ông mặc đồ da cam”

Đây là lần thứ 2 kể từ khi gặp nạn tại Ô Kha, Annette trở lại Khánh Sơn. Trong chuyến trở lại lần này, bà đã cùng cô con gái Joosje (17 tuổi) của mình tìm về gặp gỡ những con người đã cứu mạng bà năm xưa. Khi dẫn cô con gái bé nhỏ của mình ra bờ suối ở thôn Mò O, xã Sơn Trung, chỉ về thung lũng Ô Kha cách đó 6 tiếng đường rừng, bà Annette ôm chặt Joosje vào lòng và nói: “Núi rừng nơi này đã cứu sống mẹ trong 8 ngày khó khăn ấy. Những con người ở đây đã cứu sống mẹ bằng tất cả những gì họ có. Họ chính là đấng cứu thế của mẹ con chúng ta, vì nếu ngày ấy họ không cứu được mẹ, sẽ không có con ngày hôm nay. Vì thế họ là người thân của chúng ta, nơi đây là nhà của chúng ta”.

Điều xúc động nhất với Annette là khi gặp lại người đàn ông Raglai Cao Xuân Hạnh, người đầu tiên nhìn thấy bà 22 năm về trước. Trong cuốn hồi ký của mình, bà Annette gọi ông Hạnh là “người đàn ông mặc đồ da cam” mà bà đã gặp vào ngày thứ 7 trong chuỗi ngày đấu tranh sinh tồn của mình.


Bà Annette Herfkens (giữa) và con gái trong phút giây gặp lại “người đàn ông mặc đồ da cam”

Ông Hạnh là người đầu tiên tìm thấy Annette, nhưng do trước đó chưa từng gặp một người nước ngoài da trắng, mắt xanh nào cả nên ông Hạnh bất động trong 1 khoảng thời gian vì sợ hãi. Sau đó ông nhanh chóng báo cho đội cứu hộ giải cứu bà Annette.

22 năm sau cái ngày định mệnh ấy, họ đã gặp lại nhau trong nước mắt. Hai con người ở hai quốc gia cách nhau cả chục ngàn cây số, hai số phận nếu thoảng nhìn qua sẽ chẳng liên quan gì đến nhau cả nhưng sợi dây cuộc đời đã buộc họ lại với nhau. Bà Annette Herfkens kể lại rằng, trong suốt nhiều năm sau đó, tôi không thể quên cái màu áo da cam ấy, giữa cái màu xanh đến nhức mắt của núi rừng, giữa không gian đầy những xác người, màu cam đỏ chói ấy như thắp lên hy vọng được sống sau chuỗi ngày hãi hùng ấy.

Trong cuộc tái ngộ, ông Hạnh khóc, bà Annette khóc, còn cô con gái nhỏ Joosje lại cười, một nụ cười hạnh phúc mãn nguyện. Có lẽ cô gái nhỏ ấy hiểu rằng, từ nay Annette đã thoát được khỏi nỗi ám ảnh đã đeo đẳng như định mệnh trong mẹ cô suốt 22 năm qua.

Và cuộc tái ngộ của những phụ nữ

22 năm trước, sau khi được khiêng từ rừng sâu núi thẳm Ô Kha về, bà Annette Herfkens được đưa thẳng đến bệnh viện huyện Khánh Sơn (địa điểm này nay trở thành trường THPT Khánh Sơn) và được trao cho 2 y tá Mai Thị Minh Châu và Nguyễn Thị Kim Kỳ chăm sóc đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Kim Kỳ - cô y tá năm xưa nay đã nghỉ hưu, kể về quá trình chăm sóc  bà Annette Herfkens: “Khi đưa cô ấy về đến bệnh viện huyện, toàn thân cô ấy đã phù nề đến nỗi không thể cởi được quần mà phải lấy kéo cắt. Ở những nơi vết thương, vắt bu đen kín, tưởng như đã hoại tử. Ngoài các phương pháp thông thường, chúng tôi phải dùng một phương pháp sát trùng dân gian đó là rửa bằng nước trà xanh mới có chút hiệu quả…”.

Bà Annette chỉ vào những vết thương trên cơ thể mình, diễn tả lại những động tác chăm sóc của 2 y tá Minh Châu và Kim Kỳ năm xưa và gọi đó là “những động tác nhiều tình cảm”.

Trong chuyến trở lại Khánh Sơn lần này của bà Annette còn có 2 người phụ nữ khác:  Bà Hồ Thu Thủy, vợ của cơ trưởng Lưu Công Lương và bà Nguyễn Thị Lan, vợ của cơ trưởng chiếc Mi-8 gặp nạn khi làm công tác cứu hộ. Một người mất chồng trên chuyến bay định mệnh Yak-40 cùng bà Annette, một người mất chồng khi ông đi cứu hộ chiếc Yak-40. Tất cả đều khóc ngất khi trở lại con suối Mò O, nơi 22 năm trước quy tập thi thể chồng họ, và những nạn nhân khác. 22 năm sau những mất mát đau đớn nhất của đời người, những người phụ nữ này cùng trở lại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, để đối mặt, vượt qua những nỗi đau đớn tột cùng, và để thanh thản…

Annette Herfkens là tác giả của cuốn hồi ký 192 hours – Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh, kể lai câu chuyện đầy nghị lực của bà Annette trong 8 ngày đấu tranh giành sự sống sau khi chiếc máy bay Yak–40 mang số hiệu VN474 bay từ TP.HCM đi Nha Trang gặp nạn ngày 14/11/1992 tại thung lũng Ô Kha. Trên chuyến bay có tất cả 30 người, duy nhất bà Annette Hefkens sống sót. Ngày 22/11/1992, tức là 8 ngày sau khi chiếc Yak–40 bị nạn, một chiếc trực thăng Mi-8 của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đường lên tiếp cứu công tác cứu hộ cũng đã rơi tại thung lũng Ô Kha, cách vị trí của chiếc Yak-40 khoảng 5km đường chim bay.

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm