Raheem Sterling tới Man City: Cậu bé Vàng và những nỗi lo

16/07/2015 20:30 GMT+7 | Man City

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ 8 tháng sau khi được trao danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu (Golden Boy: Cậu bé Vàng), Raheem Sterling rời Liverpool để tới Man City với mức giá chuyển nhượng gần 50 triệu bảng.

Vụ đầu tư mạo hiểm

Ngay cả với cơn cuồng mua sắm của thế giới bóng đá đỉnh cao hiện nay, đó vẫn là khoản tiền khổng lồ với một cầu thủ mới 20 tuổi và chưa chơi tới 100 trận ở giải đấu hạng cao nhất. Sterling chuyển tới Liverpool từ Queen’s Park Rangers 5 năm trước và theo các điều khoản hợp đồng khi đó, QPR sẽ kiếm được 20% trong khoản tiền khổng lồ nói trên.

Thương vụ chỉ có thể hoàn tất sau một cuộc chiến dai dẳng giữa ban huấn luyện Liverpool, bản thân Sterling và người đại diện của anh. Ban đầu, đội bóng áo đỏ giữ lập trường cương quyết giữ lại Sterling, ngay cả nếu phải mất trắng anh khi cầu thủ này hết hạn hợp đồng. Nhưng phía Sterling nói anh ra đi là vì tham vọng bóng đá, chứ không phải tiền bạc. Tất nhiên, ở Premier League ngày nay, tham vọng và tiền bạc nhiều khi hoàn toàn đồng nghĩa.

Với khoản tiền choáng ngợp đó, Man City đã được sở hữu một cầu thủ với triển vọng rất lớn, nhưng đồng thời, còn xa mới là một “sản phẩm” hoàn chỉnh. Nhìn vào những người đã giành giải “Golden Boy” trước đó cho thấy Sterling là một vụ đầu tư với biên độ mạo hiểm lớn ra sao.

Khó thể tranh cãi rằng Wayne Rooney (nhận giải năm 2004), Lionel Messi (2005) và Sergio Aguero (2007) đã trở thành những siêu sao tầm cỡ thế giới và xứng đáng với mọi cái giá mà các CLB đã bỏ ra cho họ. Nhưng cứ mỗi Rooney và Messi, lại có một Anderson, Alexandre Pato và Mario Balotelli.

Bài học từ Anderson, Pato, và Ballotelli

Người giành giải năm 2008 Anderson được Man United đưa về với giá 20 triệu bảng từ Porto. Trong hơn 7 mùa giải sau đó, tiền vệ người Brazil chỉ ra sân tất cả 105 trận cho Man United (rất nhiều là từ ghế dự bị) và ghi vỏn vẹn 5 bàn. Tháng 1/2015, anh đã phải hồi hương chơi cho Internacional theo dạng chuyển nhượng tự do.

Đồng hương của Anderson, Pato, tới Milan năm 17 tuổi, 2007, cũng với rất nhiều kỳ vọng. Ghi bàn với tỉ lệ 2 trận một bàn ở Brazil khiến nhiều người tin rằng Pato sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thậm chí dự báo xa xôi rằng anh sẽ là ngôi sao lớn nhất của ĐT Brazil ở VCK World Cup 2014 trên sân nhà.

Nhưng những chấn thương dai dẳng đã ảnh hưởng rất nhiều tới lối chơi thiên về tốc độ của anh. Dù Pato đã khoác áo ĐT Brazil ở Olympic 2012, anh không bao giờ được dự World Cup với đội bóng áo vàng-xanh. Giờ anh đang chơi cho Sao Paulo ở Brazil theo dạng cho mượn từ Corinthians.

Với các CĐV bóng đá, “Golden Boy” của năm 2010 Balotelli là một nhân vật không cần phải giới thiệu. Tính tình cổ quái tới mức ngay cả Jose Mourinho cũng không xử lý nổi anh, Balotelli dần chuyển sang Man City, gặp lại ông thầy cũ Roberto Mancini, nhưng mối quan hệ của họ nhanh chóng trở nên không thể cứu vãn được. Balotelli trở lại Italy để khoác áo Milan nhưng 18 tháng sau, đã lại bị tống khứ sang Liverpool, đội bóng giờ đang coi anh như một cục nợ sau khi đã bỏ ra 16 triệu bảng cho một tiền đạo vô dụng, nhưng thói gây sự thì vẫn còn nguyên.

Một người khác của Milan, Steph El Shaarawy, cũng đã lọt vào danh sách đề cử “Golden Boy” 2012 (năm đó Isco được giải). Phong cách ấn tượng của El Shaaraway đã giúp anh nhận được nhiều sự chú ý năm 2013 và gây ra nhiều tin đồn về các thương vụ lớn liên quan tới cầu thủ này. Nhưng mới đây thôi, sau những chấn thương không biết bao giờ mới bình phục, tiền đạo này đã bị đẩy sang Monaco theo dạng cho mượn, với một điều khoản mua đứt.

5 năm nữa, chúng ta sẽ có thể nhận xét Sterling là một vụ đầu tư như thế nào với Man City, một Anderson hay một Rooney. Nhưng rõ ràng, các thương vụ với những cầu thủ trẻ ở thế giới bóng đá đỉnh cao đang ngày càng trở nên giống với những canh bạc được ăn cả, ngã về không.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm