Andy Williams - Có một dòng sông đã qua đời

06/10/2012 06:12 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Đã tròn nửa thế kỷ Andy hát Moon River (Sông trăng) và rất nhiều thế hệ đã ôm bài hát ấy vào cuộc đời mình. Moon River trở thành nhãn hiệu của riêng của Andy Williams. Hôm 25/9 vừa qua, dòng sông trăng ấy đã qua đời.

Hát đến hơi thở cuối cùng

Với chất giọng mềm như lụa, thanh quản như thể được tạo ra bằng mật ong, suốt 5 thập niên qua crooner (người hát tình ca) Andy Williams, đã chinh phục người nghe bằng những bản tình ca ngọt ngào, trong suốt và giản dị.

Lớn lên từ thị trấn nghèo Wall Lake (bang Iowa, Mỹ), năm 1953 Andy Williams đến New York. Thành công đầu tiên là khi chàng trai 26 tuổi này được hãng RCA mời ký hợp đồng vào năm 1953 và 6 bài hát đầu tiên… bị trôi vào quên lãng. Nhưng vẫn có người để ý đến Andy, nhạc trưởng Archie Bleyer, khi ông tin rằng, chàng trai mặt chữ điền, giọng hát trầm ấm và đang cố bắt chước mình giống Elvis Presley kia hoàn toàn có thể thay đổi phong cách từ cương sang nhu, mềm mại hơn, tĩnh hơn để dễ đi vào lòng người hơn. Một năm sau, 1954, Andy Williams ký hợp đồng lớn trong đời với hãng đĩa khá nhỏ của New York, Cadence, để từ đây một loạt những bài hit liên tiếp nhau chen chân trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Năm 1961, hãng đĩa của những huyền thoại, Columbia trải thảm đỏ mời ông về Los Angeles. Một năm sau, Moon River, album đầu tiên ông làm với Columbia bán vèo hết nửa triệu bản chỉ sau một ngày phát hành!

Andy Williams trong phần trình diễn ca khúc đã định danh tên tuổi ông, Moon River, tại đêm trao giải Oscar lần thứ 34 vào năm 1961

Trước đó, Moon River là ca khúc trong bộ phim Breakfast At Tiffanys và được nữ minh tinh Audrey Hepburn hát trong phân cảnh ngay bên cửa sổ. Bài hát trong phim không ấn tượng cho lắm nên người sáng tác ra giai điệu của nó, nhạc sĩ Henry Mancini, yêu cầu phải có một giọng nam ấm áp, ngọt ngào để trình diễn trong đêm trao giải Oscar năm 1962 và Andy đã được chọn. Phần trình bày của Andy thành công đến nỗi hãng đĩa Columbia phát hành ngay album để câu khách, ca khúc này cũng vực dậy cả sự nghiệp tưởng đã rơi vào quên lãng của nhạc sĩ, Johnny Mercer, người đặt lời ca khúc. Ngôi làng ở bang Georgia của Mercer sau đó đã đổi tên thành Moon River để vinh danh ông. Như lời bài hát, Moon River đã đưa tên tuổi Andy Williams ra thế giới, vượt qua Đại Tây Dương và đi khắp nơi.

Trong thời đại âm nhạc luôn được bật flash trắng xóa với những chiêu trò của Lady Gaga hay Katy Perry thì âm nhạc của Andy Williams như áo len mặc mùa Đông, có thể đã sờn vai nhưng cần thiết

Từ sau năm 1962, cuộc đời của Andy Williams như truyện cổ tích. Không chỉ Moon River, một loạt những ca khúc khác đưa Andy trở thành nghệ sĩ thành công nhất nước Mỹ. Columbia nghe nói đã phải trả một số tiền cao nhất trong lịch sử băng đĩa để giữ chân Andy Williams. Không phải Celine Dion là người đầu tiên làm cháy vé ở sòng bài Caesars Palace (Las Vegas) mà chính Andy Williams mới là người đầu tiên khiến nó nổi tiếng. Kênh NBC đã mời Andy đứng show trong chương trình tạp kỹ trên ti-vi có tên The Andy Williams Show, trong vòng 5 năm chương trình 3 lần đoạt giải Emmy!

The Andy Williams Show đến giờ vẫn là một chương ca nhạc tạp kỹ thành công nhất của NBC bởi nó hào nhoáng, chất lượng và đặc thù kiểu Mỹ. Ca sĩ Donny Osmonds, người từng được Andy Williams ưu ái mời hát rất nhiều lần trong show truyền hình này đã nói rằng chính Andy như là một người cha thứ hai của anh, dìu dắt anh. Donny kể rằng có lần trước khi chuẩn bị ra diễn Andy phát hiện chiếc áo trắng Donny mặc chẳng khác gì áo con gái. Andy bảo: “Này, cậu không định làm búp bê đứng trơ ra giữa sân khấu đấy chứ, người ta nghe cậu như một thằng đàn ông thì cậu cũng phải chú ý vào trang phục của mình chứ”. Sau khi Andy Williams qua đời nhiều người đã viết thư cho tờ USA Today bày tỏ nỗi tiếc nhớ chương trình Andy Williams Show. Họ bảo thời đó mỗi nhà chỉ có một cái ti-vi và các đấng sinh thành luôn toàn quyền chọn kênh để xem nên những nhóc tì lớn lên ở thế hệ đó lúc nào cũng được xem show của Andy, nhất là những show đón Giáng sinh, được đón chờ nhất trong năm. Họ vẫn nhớ Andy mặc chiếc áo vest đen, nơ gắn cổ, miệng cười tươi và ngọt ngào hát Silent night…

Vào những năm 1960, khi chứng cuồng Beatles và rock’n roll xâm lấn mọi nơi thì Andy Williams là một chỗ dựa tin cậy của các ông bố bà mẹ. Họ muốn con mình nghe Andy để thấy rõ được giá trị của gia đình và sẽ không bỏ nhà ra đi theo lời kêu gọi của các nhóm nhạc rock. Giọng hát của Andy luôn có tính xoa dịu, phong cách thể hiện trên sân khấu của ông luôn tạo ra sự thu phục mạnh mẽ.

Andy Williams - dù với vai trò ca sĩ hay người dẫn chương trình truyền hình thì vẫn đều để lại dấu ấn rõ nét

Đến năm 1973, Andy Williams là một trong 4 người có lượng đĩa bán kỷ lục tại Mỹ với 18 album vàng và 3 đĩa bạch kim. Những ca khúc như Moon River, Days Of Wine And Roses, Dear Heart, The Shadow of Your Smile hay Love Story, Can’t Take My Eyes Off You liên tiếp đứng hạng đầu trên các bảng xếp hạng. Đáng lưu ý là phần nhiều những bài hit của Andy Williams đều là những bản cover. Nhà phê bình Andrea Crissan của tờ The World cho rằng: “Cover một ca khúc đã là khó và làm cho nó lên hit lại càng khó hơn. Vậy mà Andy Williams đã làm được điều ấy không dưới 10 lần”. Andy thì nói trên tờ Chicago Tribune rằng âm nhạc của ông ngọt ngào và mềm mại, “nó chỉ ở vòng quanh tai và lên não chứ không chạy xuống cổ họng” nên người nghe luôn cảm thấy dễ chịu.

Thành công của Andy Williams có một phần của công nghệ lăng-xê nhưng phần lớn là nội lực. Người ta xếp Andy vào một trong 10 nghệ sĩ khó bắt chước nhất trong khi thực tế ai cũng muốn trở thành một Andy thứ hai, kể cả nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam. Hát hay, dẫn chương trình duyên dáng, Andy luôn làm cho người nghe hay cử tọa cảm thấy bình yên và yêu đời.

Sau này, năm 1992, Andy mở một nhà hát mang tên Moon River ở quê nhà và hát 6 xuất một tuần. Ông hứa với khán giả là sẽ hát đến tận hơi thở cuối cùng. Andy Williams chỉ ngừng hát vào năm ngoái, khi đã 83 tuổi.

Nguyên bản

Có ai đó đã bao giờ tự đặt câu hỏi rằng tại sao những người như Andy Williams hay Tony Bennetts lại nổi tiếng quá lâu như vậy? Trong một đời sống văn hóa mà mọi thứ luôn tôn vinh chữ “Mới”, khi mà nền văn hóa thời trang, phim ảnh, âm nhạc đều liên tục được nâng cấp thì vẫn tồn tại những giá trị đã tưởng lỗi thời mà vẫn sống tốt.

Bởi vì họ nguyên bản. Giá trị của hai chữ “nguyên bản” không nằm trong phạm trù cũ - mới, nguyên bản không phụ thuộc vào giá trị bao bì. Cả nhân loại muốn thay đổi nhưng ai cũng muốn sự thay đổi đó đến trong an toàn. Ai cũng muốn ra khơi nhưng sẽ chẳng bao giờ chịu ra khơi nếu con tàu của mình không có sẵn neo đậu. Andy Williams hay âm nhạc của ông là chiếc neo an toàn. Trong thời đại mà âm nhạc luôn được bật flash trắng xóa với những chiêu trò của Lady Gaga hay Katy Perry thì âm nhạc của Andy Williams như áo len mặc mùa Đông, có thể đã sờn vai nhưng cần thiết. Âm nhạc của ông là sự an toàn cho những thay đổi, là quê nhà cho những trở về.

Ký giả Michael Sigman, trong bài viết trên tờ Huffington Post đã tự hỏi: “Andy, Where Do We Begin?” (Andy, chúng ta bắt đầu từ đâu?). Michael đã dùng lại một câu trong bài hát bất hủ Love Story mà Andy đã từng hát để đặt một vấn đề mà cả ông và Andy đều trăn trở: Chúng ta (lại) bắt đầu (với âm nhạc) từ đâu?

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm