Ấn Độ lại sôi sục vì vấn nạn hiếp dâm

08/01/2014 07:24 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Một thiếu nữ 16 tuổi ở Kolkata, Ấn Độ tới đồn cảnh sát trình báo việc bị hiếp dâm tập thể, để rồi lại bị chính những gã đồi bại này làm nhục trong ngày tiếp theo và còn bị đe dọa lấy mạng.

Vào thời điểm cảnh sát đưa ra cáo buộc chống lại những kẻ hiếp dâm, cô gái đã bị kẻ xấu khống chế, thiêu sống và mới qua đời trong ngày 31/12/2013 vì thương tích quá nặng.

Mất mạng vì lỗi cảnh sát?

Điều khiến người ta phẫn nộ là cảnh sát Kolkata thuộc bang Tây Bengal, đã phản ứng hết sức chậm chạp và tắc trách trong vụ việc. Thiếu nữ bị hiếp dâm tập thể trong hai ngày 25/10 và 26/10/2013. Nhưng cảnh sát Kolkata đã chẳng tóm được nghi phạm nào, tới tận khi cô gái nhập viện trong ngày 23/12 với những vết bỏng nặng nề.

Cảnh sát ban đầu nói với các phóng viên rằng thiếu nữ tìm cách tự sát. Nhưng gia đình lập tức bác bỏ thông tin này. Họ khẳng định những kẻ có liên quan tới các cá nhân tham gia vụ hiếp dâm đã thiêu sống cô gái.

Cha của cô gái cũng tiết lộ việc cảnh sát đã đe dọa mình, yêu cầu ông rời khỏi bang hoặc công ty kinh doanh taxi của ông sẽ bị đóng cửa. Gia đình thiếu nữ còn cáo buộc cảnh sát đã tìm cách che đạy vụ phạm tội và thậm chí định cướp xe chở thi hài đưa đi hỏa táng, trái với ý nguyện của gia đình.


Biểu tình phản đối hiếp dâm tại thành phố Kolkata của Ấn Độ

Cảnh sát phân trần rằng họ chỉ định thu lấy thi hài nhằm giúp đỡ gia đình "trong thời gian khó khăn" và nhằm làm giảm không khí phẫn nộ trong thành phố. Thi hài của cô gái sau đó đã được hỏa táng vào đêm 4/1 với sự đồng thuận của gia đình.

Và chỉ sau khi dư luận sôi sục, cảnh sát mới bắt và khởi tố 6 nghi phạm trong vụ hiếp dâm. 2 kẻ khác bị cáo buộc đã nổi lửa thiêu cô gái cũng bị bắt. Một phiên tòa tốc độ cao sẽ tiến hành xét xử cả hai nhóm nghi phạm trong ngày 15/1.

Tuy nhiên, sự trễ nải đã củng cố quan điểm của dư luận Ấn Độ rằng cảnh sát đóng vai trò lớn trong việc khiến bạo lực tình dục tồn tại dai dẳng, kéo dài ở nước này. "Cô gái lẽ ra phải được bảo vệ. Và do không được bảo vệ, cô lại bị hiếp lần nữa, trước khi bị giết" - Mamta Sharma, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì phụ nữ Ấn Độ tuyên bố.

Trục lợi chính trị

Cái chết của cô gái xuất hiện hơn 1 năm sau 1 vụ hiếp dâm tập thể khác, cũng khiến nạn nhân thiệt mạng ở New Delhi. Vụ đó đã khiến dư luận phẫn nộ, chất vấn vì sao hiếp dâm tập thể liên tục xảy ra nhưng chính quyền vẫn không bảo vệ được phụ nữ.

Để xoa dịu dư luận, chính quyền liên bang Ấn Độ đã phải vội vã thông qua luật nâng gấp đôi án tù cho những kẻ hiếp dâm lên 20 năm tù. Ngoài ra, các hành động như tạt axít, tấn công đánh đập, lén nhòm ngó phụ nữ một cách bệnh hoạn... cũng bị xem là hành động phạm tội.

Nhưng chính quyền New Delhi đã không tránh được sự trừng phạt của cử tri. Tháng trước, chính quyền đã bị cử tri bỏ phiếu loại bỏ, một phần bởi phiên tòa tốc độ cao thành lập sau vụ hiếp dâm tập thể, vẫn chưa đưa ra được phán quyết có tội nào với các bị cáo, dù đã hoạt động được 7 tháng.  

Mấy ngày qua, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Kolkata, với sự hiện diện của các nghệ sĩ, nhà hoạt động nhân quyền và đặc biệt là không ít chính trị gia đối lập. Họ lên án chính quyền vì chậm trễ trong việc bắt giữ nghi phạm. Họ cũng đặt dấu hỏi vì sao cảnh sát tổ chức điều tra khi cô gái báo cáo việc bị hiếp dâm lần đầu, nhưng lại không điều tra trong vụ thứ hai.

"Thực tế rằng các chính trị gia và nhân vật của công chúng đang phát biểu mạnh mẽ như vậy là điều rất đáng ngạc nhiên" - Abhilasha Kumari, một nhà xã hội học và nữ quyền ở Delhi nói - "Nhìn lại lịch sử, các quan ngại của phụ nữ chưa bao giờ khiến cộng đồng chính trị bận tâm nhiều lắm. Nhưng trong năm qua, an toàn và an ninh của phụ nữ đã trở thành vấn đề lớn. Có thể thấy nó sẽ còn lớn hơn, khi các cuộc bầu cử đang tới".

"Sự tức giận của công chúng là tự nhiên. Tất cả các phụ huynh đều muốn con gái của mình được an toàn"- nhà phân tích chính trị Subir Bhowmik nhận xét - "Chính quyền muốn thể hiện họ không có lỗi và đang làm việc vì nhân dân. Đảng đối lập muốn nhân cơ hội để tranh thủ cảm tình".

Một số nhà hoạt động cảnh báo việc trục lợi chính trị có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực bảo vệ phụ nữ.

Chính quyền Tây Bengal hiện không phát ngôn gì về vụ việc. Lãnh đạo bang là bà Sanjay Mitra chỉ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho gia đình và nhắc lại thông điệp rằng chính quyền không khoan dung với các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm