07/12/2022 16:43 GMT+7 | Văn hoá
Làm báo và đã đi nhiều nơi, tôi không thích và không có thói quen chỉ tìm chuyện giật gân, chụp các bức ảnh nghèo đói, khổ sở... Và trong chuyến đi Ấn Độ, tôi chú ý, nhưng không quá quan tâm đến người hành khất, hoặc mấy cô bé hễ ô tô dừng trước đèn đỏ là đứng đầu xe lộn mấy vòng rồi gõ cửa lái xe xin tiền, hoặc đoàn tín đồ đạo Hindu chân đất đi trên con đường nóng bỏng, bụi bặm… mà tôi cố gắng tìm hiểu, lý giải tại sao các hiện tượng đó vẫn tồn tại.
1. Tối đầu tiên ở Delhi, bạn của con gái tôi đến chơi. Theo con kể thì nhóm bạn quy ước, ai về nước sang hoặc có người nhà sang thăm thì quà chia đều. Biết vợ đi nhận quà, anh chồng người Ấn bảo đi cùng để chào, ai lại nhận quà oánh chén mà không chào các bác.
Ngồi nghe đám trẻ kể về những ngày đại dịch Covid-19 đã giúp đỡ nhau như thế nào mà mừng. Xa quê hương lại ở nơi cộng đồng người Việt còn ít, đùm bọc nhau rồi bạn bè như ruột thịt.
Mấy bạn trẻ bảo đa số nam giới Ấn Độ đều vậy, vẻ ngoài nhìn hơi e sợ, nhưng hiền lành, tốt bụng. Sau lang thang đây đó thấy đúng thế thật. Ít ra lần nào lên tàu điện ngầm cũng có chàng trẻ tuổi đứng dậy nhường ghế cho tôi.
Có vẻ hầm hố hơn là các bác tài túc túc. Dừng lại hỏi xe thì y như rằng mấy bác râu ria tua tủa, quần áo bụi bặm xúm đến, không khác gì cánh xe ôm ở Việt Nam xúm xít lôi kéo khách. Thấy vậy tôi cũng ớn. Nhưng khi đã hỏi một người thì người khác lập tức tản ra. Thậm chí có lần thấy cha con tôi đợi taxi công nghệ, một bác tài túc túc vừa đến hỏi đi đâu thì xe tới. Tài xế taxi công nghệ không biết đường, thò cổ ra hỏi bác tài túc túc, thì được chỉ dẫn tận tình.
2. Nhân đây, xin kể về một ngày lễ đặc biệt, mà trong khả năng khảo sát của mình, tôi chưa biết. Ấy là một buổi chiều ngồi ô tô nhìn ven đường, thấy chị em nhộn nhịp đi lại trong trang phục ngày hội, người nào cũng bê khay nói cười vui vẻ, tôi tò mò hỏi mới biết hôm đó là ngày lễ Karwa Chauth. Xuống xe xin phép chụp kiểu ảnh, nhưng các chị không đồng ý, đành bằng lòng với bức ảnh chụp một Karwa nhỏ.
Lễ Karwa Chauth do người Hindu tổ chức. Karwa là bình gốm nhỏ bên ngoài trang trí cầu kỳ, và Chauth là thứ Tư sau ngày trăng tròn của tháng Krishna Paksha (tháng Đen tối - tương ứng với tháng Chạp theo lịch Ấn Độ, trước khi Tết Ánh sáng - Diwali bắt đầu). Trong lễ này, những phụ nữ đã kết hôn hoặc sắp kết hôn nhịn ăn từ sáng sớm đến nửa đêm, sau khi trăng lên, để cầu bình an, sức khỏe và trường thọ cho chồng, hoặc vị hôn phu sắp cưới.
Theo quy định nghiêm ngặt của ngày lễ, họ mặc bộ quần áo đẹp nhất, vẽ hoa văn cầu kỳ lên tay, chân, bắt đầu làm lễ từ trước khi mặt trời mọc đến sau khi trăng lên. Tức là cả ngày họ không làm bất cứ việc gì, chỉ cầu nguyện. (Đó là lý do để hôm đó không thấy người giúp việc của gia đình con gái tôi đến làm). Buổi chiều, họ để bánh kẹo tự làm từ trước vào Karwa rồi đặt vào khay, người khá giả có thể đặt thêm một số đồ quý giá, sau đó mang đi mời, biếu tặng người thân, láng giềng gần gũi.
Ngoài ra, Karwa Chauth cũng là dịp phụ nữ bày tỏ tình cảm với các bạn nữ đã quan tâm, giúp đỡ từ khi họ rời gia đình đến sống tại nhà chồng. Ngày lễ kết thúc với nghi thức người chồng cảm ơn và tặng vợ món đồ quý. Thoạt nghe thì ngày lễ có vẻ khó chấp nhận với quan niệm nữ quyền, nhưng trước sự hân hoan của chị em, lại thấy là điều cần trân trọng, vì Karwa Chauth hướng tới hạnh phúc gia đình và liên kết cộng đồng.
3. Như đã nói, vì không có thói quen chỉ tìm chuyện giật gân, nên dù chụp nhiều ảnh hành khất, say rượu, lều tạm bợ của người vô gia cư… ở Anh, Pháp, Đức, Hà Lan… tôi vẫn không đăng báo, thậm chí không cả trên Facebook cá nhân. Sự hoàn mỹ luôn là ước mơ, mà xã hội, với tất cả hay dở, đẹp xấu của nó, không phải khi nào cũng đem tới sự hoàn hảo, vì thế không thể lấy bộ phận thay toàn thể, không thể lấy cá biệt thay cho phổ quát.
Với Ấn Độ cũng vậy, tôi không coi tin tức hành khất, hãm hiếp, hỏa thiêu, tắm trên sông Hằng, các đoàn tàu chợ… là điển hình. Tôi chỉ cố gắng tìm hiểu, lý giải tại sao các hiện tượng mà mình nghe, thấy vẫn tồn tại.
Một ví dụ, như đẳng cấp Paria - mà ở Việt Nam nhiều người đã biết là lớp người cùng khổ, không thân phận xã hội - làm các công việc bị coi là hạ đẳng, không được chạm tay vào người đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của người đẳng cấp cao… Tuy nhiên, tới Ấn Độ tôi mới biết, giờ họ là người Dalits.
Sau khi giành lại độc lập, Ấn Độ rất quan tâm người Dalits, nhưng có lẽ không thể nhanh chóng giải quyết một vấn đề đã tồn tại nặng nề, dai dẳng mấy nghìn năm. Năm 1989, chính phủ Ấn Độ ban hành đạo luật quốc gia về đẳng cấp và bộ tộc - Scheduled Caste and Scheduled Tribe. Theo đạo luật này, người Dalits được hưởng rất nhiều ưu đãi như được nhà nước hỗ trợ theo chính sách cho người nghèo (đối tượng đầu tiên nhận thẻ khẩu phần - mỗi tháng được mua 5 kg gạo hoặc bột mì với giá 2-3 rupee, khoảng 600-900 đồng), không phải đóng thuế thu nhập, con cái đi học được miễn học phí và ưu tiên học bổng, tốt nghiệp được ưu tiên làm việc tại cơ quan nhà nước…
Sự ưu đãi đưa tới kết quả là một bộ phận người Dalits đã nỗ lực vươn lên, có người không nhận hỗ trợ của nhà nước, từ bỏ họ cũ và chọn một họ trung tính để xây dựng cuộc sống mới. (Từ xưa, người Ấn Độ căn cứ vào họ đặt trước tên của mỗi người để nhận diện đẳng cấp, như họ của đẳng cấp Bà-la-môn là Sharma, Thakur, Gautam, họ của người Dalits là Paraiyars, Pallars, Sakkiliars). Đặc biệt Ấn Độ quy định quốc hội và cơ quan nhà nước, trường đại học, quân đội, cảnh sát… phải dành một tỷ lệ nhất định cho người Dalits.
Nhưng vẫn còn nhiều người Dalits coi số phận là định mệnh, chấp nhận sống bên lề xã hội, vạ vật để nhận ưu đãi, làm các công việc người đẳng cấp khác không làm như hành khất, dọn vệ sinh, đồ tể, lao động nặng. Có người vẫn dậy dỗ con cái phải sống thế nào cho phù hợp với đẳng cấp của mình. Nhiều người Dalits thành đạt, ăn nên làm ra vẫn giữ khoảng cách với người có đẳng cấp cao hơn.
Cần nói thêm, dù từ năm 1955, chính phủ Ấn Độ cấm phân biệt đẳng cấp, nhưng hành xử có tính kỳ thị của dân chúng vẫn nặng nề. Do đó để thay đổi số phận, địa vị xã hội của hơn 200 triệu người Dalits, cần làm nhiều hơn nữa. Đặc biệt là phải thay đổi nhận thức đã thâm căn cố đế để thay đổi quan niệm của toàn xã hội, từ đó chung sống bình đẳng, có thái độ trân trọng người Dalits.
Điều này tương tự như Việt Nam, luật pháp khẳng định, bảo vệ quyền phụ nữ, nhưng thói "trọng nam, khinh nữ" vẫn tồn tại trong nhiều gia đình, trong các quan hệ xã hội. Đó là quan niệm đã có tuổi đời hàng nghìn năm, đã ăn sâu bám rễ vào cuộc sống, thành một loại quan niệm, một lối hành xử tiêu cực, rất khó sớm loại trừ.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất