Ăn củ mài nuôi 9 con thành tài

15/08/2010 11:24 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - “Nhiều bữa ăn nhà tôi chỉ có củ mài thay cơm nhưng dù có nhịn ăn tôi cũng không thể để các con thất học”. Đó là lời tâm sự của ông Nông Xuân Mùi, một người Tày ở xã Bảo Ái, Yên Bình, Yên Bái. Không chỉ ở vùng núi rừng khuất nẻo này, mà cả đất nước, hiếu học như gia đình ông cũng thật là hiếm thấy.

Vượt trăm cây số, dựng lán cho con trọ học


Yên Bái mùa này lướt thướt mưa, mưa dầm dề trên những vạt rừng, đổ xuống trắng xóa trên những vách núi tai mèo. Ngồi sau xe máy mà tôi cứ có cảm giác sắp lao xuống vực. Dốc quanh co rồi lại thẳng ngược, một bên là đường một bên là vực. Anh lái xe bảo: “Giờ đường còn dễ đi, chứ chỉ vài ba năm trước đây đã làm gì có đường. Tôi không hiểu bằng cách nào, mà ông ấy có thể đều đặn vượt gần trăm cây số, băng rừng vượt đèo cho con đi học”.

Trong số 9 người con ông Mùi, 2 người là PGS.TS, các con còn lại đều có bằng cao đẳng, đại học trở lên. Thấy tôi có ý định viết bài, ông Mùi lắc đầu quầy quậy: “Làm cha mẹ nuôi con ai mong kể tháng ngày”. Tôi phải thuyết phục mãi, ông mới chịu mở lòng mình: “Đó là cả một cuộc hành trình mà có lúc tôi tưởng đã không thể đứng vững”.

Dưới chân căn nhà sàn đơn sơ, giản dị, ông cho tôi xem chiếc xe đã sờn bạc và hoen gỉ nước sơn, ông mua nó từ thời chống Mỹ. Bây giờ tuy không còn dịp dùng đến nhưng ông bà vẫn coi chiếc xe như một bảo bối mà nhờ nó các con ông có thể đến trường học cái chữ...


Ông bà Mùi nhớ lại quãng thời gian vất vả nuôi con ăn học
Thời bấy giờ, cả bản ông, người biết mặt chữ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dân làng còn lo đánh giặc Mỹ, diệt giặc đói, chứ mấy ai quan tâm lo được cho con mình học hành đầy đủ. Khác mọi người, ông Mùi hiểu rằng, muốn giúp đất nước, muốn thoát cái nghèo còn phải “học thật giỏi”. Ông động viên các con cố gắng học hành. Huyện nhà không có trường cấp 3, ông phải mang con sang tận Tuyên Quang, Thác Bà gửi con học.

Không có người quen, ông lên rừng kiếm cây, lấy lá cọ về dựng lán gần trường trọ học. Để cho các con yên tâm học hành, hàng tháng cứ đều đặn ông lại lặn lội hơn 80km mang gạo, mang muối sang cho con. Ông kể: “Không có đường, phải băng đèo, xẻ rừng mà đi”. 2 năm anh con cả học cấp hai, rồi 3 năm học cấp 3, cũng là ngần ấy thời gian ông Mùi cùng chiếc xe đạp cọc cạch vượt đường rừng, đường đèo sang thăm con.

Làm cán bộ ở xã nên công việc bận rộn luôn, để tiết kiệm thời gian ông phải đi từ 4 giờ sáng. Trời tối, để tránh thú dữ, ông cứ một tay cầm đuốc một tay đi xe đạp. Qua đoạn đường đèo, dốc đá chổng ngược ông Mùi vác cả xe, cả gạo đi bộ. Dù mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè ông cũng đều đặn vượt rừng, vượt núi sang “tiếp tế” con. Ông bảo: “Cứ nghĩ đến con vất vả học hành là tôi quên luôn cái khổ”.

Không phụ lòng cha, anh con cả luôn đứng đầu toàn trường. Anh cũng là người duy nhất của tỉnh trúng tuyển đi du học ở Liên Xô thời bấy giờ. Rồi anh thứ hai, thứ ba, chị tư chị năm...cũng lần lượt  nối gót các anh vào đại học. Thủ tục, giấy tờ, hồ sơ của các con ông cũng một mình đạp xe đi lo liệu. Ông đùa: “Có lẽ lúc ấy có cuộc đua xe đạp đường dài, tôi đã dành chức vô địch, có khi một ngày hàng trăm cây số ấy chứ”.

“Cơm trộn củ mài đã là điều xa xỉ”

Cả nhà, 14 miệng ăn (cả ông bà thân sinh), các con học hành lại chỉ trông vào mấy con gà, con lợn ít nương nên khó khăn vô cùng. Có cái gì ông bà cũng dành dụm gửi cho con hết. Cơm trộn sắn, trộn khoai, rồi trộn cả củ bấu. Cả bản không nhà nào phải ăn củ bấu, nó vừa đắng, vừa chát, ông phải ngâm lâu qua nước lã cho dễ ăn.

Bà Tuyết, vợ ông Mùi vẫn còn nhớ như in quãng thời gian ấy, bà phải xoay đủ nghề, nào là cấy lúa thuê, dệt vải, ai thuê gì làm ấy, miễn là có tiền cho các con ăn học. Đêm, bà thì lên nương mót lúa, ông với vài đứa nhỏ lên rừng đào củ măng, nhặt quả trám về bán. Khó khăn là thế nhưng cứ nghe tin con báo đạt kết quả học tập là lòng người bố, người mẹ ấy lại hân hoan vui sướng. Cả gia đình lại cố gắng “thắt lưng buộc bụng” cho con ăn học.


Ông Nông Xuân Mùi bên chiếc xe đạp vượt rừng cho con đi học
Đến con trâu “là đầu cơ nghiệp” ông bà cũng “bấm bụng” bán đi để lo cho các con. Khổ nhất là nhiều khi bữa cơm dọn ra, hơn chục miệng ăn mà chỉ có vẻn vẹn lưng đấu gạo, với chiếc bánh củ mài hòa nước ra chan. Cả nhà vừa ăn vừa nhìn nhau mà không ai nói với ai câu nào.

Các con ông đứa nào cũng chịu khó, chăm chỉ. Không có thời gian học tập thì chúng tranh thủ mang sách đi học lúc chăn trâu, cắt cỏ. Có khi vừa nấu cơm cũng kè kè quyển sách bên cạnh. Cả nhà có mỗi chiếc đèn dầu cũng không dám thắp để nhường dầu cho con học bài. Nhà đông anh em nên cứ cô chị, cô em học đèn là ông anh phải thắp đuốc để học. Trong nhà có thứ gì đáng giá ông bà cũng không nề hà bán hết dành tiền cho con.

Thấy bố mẹ vất vả, các con ông bà cũng đã định “bỏ dở giữa chừng” nhưng ông phản đối ngay. Đời ông đã khổ, ông không để các con cũng như mình.

*Và quả ngọt....

Giờ cả ông và bà đã đều ở cái tuổi xế chiều,  nhưng những năm tháng vất vả nuôi các con ăn học vẫn như còn nguyên vẹn. Trong nhà giấy khen, tranh ảnh của các con được ông nâng niu treo ở những vị trí trang trọng. “Đây là thằng cả, đây là đứa con nó du học bên Anh. Đây là bức ảnh tôi được vinh dự chụp với phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội khuyến học TW năm ngoái”. Nhắc về các con, dường như giọng nói của ông hân hoan và vui tươi hẳn lên.

Con trai cả của ông là Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Trưởng phòng Công nghệ trọng điểm Gen - Viện Khoa học Việt Nam; con trai thứ 2 Nông Văn Hưng làm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai; con trai thứ 3 Nông Xuân Hùng làm Trưởng phòng Tổ chức Cục Thuế tỉnh Yên Bái; con trai thứ 4 Nông Công Dũng làm Giám đốc Công ty Xây dựng Lào Cai. Các con gái ông, có người là Thạc sỹ công tác tại Nhà xuất bản Bộ GD&ĐT, người là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường tiểu học và mầm non tại quê nhà.

Năm 2009, gia đình ông vinh dự là đại diện duy nhất của Yên Bái về dự đại hội khuyến học TW ở Hà Nội, cũng là gia đình người Tày duy nhất của đại hội.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm