Lối xưa xe ngựa...
Tôi đứng với Giám đốc Trung tâm thể thao QK5, Lê Hồng Lĩnh, cùng xem Thể Công và đội hạng Nhì QK5 tập trên 2 phần sân. Cả hai cùng trang phục đỏ, trông hao hao nhau. Cuối buổi, rất nhiều cầu thủ QK5 cứ bịn rịn nán lại tập sút cầu môn vu vơ, mắt không ngớt ngước về phía Thể Công. Phước Tứ bảo 4 năm trước, mình cũng thế. Mỗi lần Thể Công vào tập, chỉ nhìn họ chứ cầu thủ QK5 hồn đâu mà rèn chân nữa. Thể Công dù lúc ấy xuống cấp, nhưng ánh hào quang quá khứ vẫn đủ làm cho cầu thủ của họ lung linh, nhất là trong mắt cầu thủ QK5.
“May cho Tứ, nếu cậu ta còn ở đây thì chẳng ai biết đến. Rồi lại xong một đời đá bóng thôi.”- GĐ Lĩnh buột miệng thở dài.
Ông Lĩnh thở dài, có lẽ vì bản thân ông cũng bất lực trước sô phận bẽ bàng của QK5. Đội đã rớt hạng Nhì, mà có lên thì cũng ít người quan tâm nó sống chết ra sao. Bao năm qua QK5 vẫn thế, sống lay lắt, trường kỳ bê bết, cầu thủ lương thấp tẹt đến mức không có đôi giày nên hồn để đá.
Phước Tứ cùng đồng đội đã có thời luôn phải xin tiền BHL để khâu lại những đôi giày, rồi tận dụng đá. Hiện nay cầu thủ QK5 nhiều anh vẫn thế. Bởi vậy, mỗi lần vào miền Trung thi đấu, Tứ đều cố gắng mua một bao giày đến tặng đồng đội cũ.
QK 7 đã giải tán, chẳng lẽ QK5 không có lối thoát? “Chẳng có gì khó cả bởi thực tế QK5 không thua kém về tiềm lực với bất cứ tổ chức nào. Rất nhiều doanh nghiệp thuộc QK5 hoàn toàn có thể chung tay với đội bóng. Vấn đề là cách làm, và lãnh đạo phải thực sự “máu bóng đá” kiểu như trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (Tư lệnh QK4) ngoài Nghệ An mới hy vọng thay đổi được đội bóng”. Phước Tứ phân tích vậy.
Lúa trời
Đấy là một loại lúa hoang, vỏ trấu có đuôi rất dài, và khi trổ bông nhị đực buông xuống rất đẹp, hương thơm huyễn hoặc. Đất Phương Nam nổi tiếng với cơm gạo lúa trời. Chợt thấy Phước Tứ lẫn nhiều cầu thủ tài năng ở ta, xuất thân từ vùng sâu vùng xa, giống như những hạt lúa trời. Họ chỉ thực sự có tương lai xán lạn nếu như được phát hiện, và quan trọng nhất là có được môi trường tốt để phát triển tài năng.
Tứ trước đây không hiền và điềm đạm như bây giờ, anh thú nhận điều đó. Nếu không có môi trường quân đội rèn giũa có khi đang là “tay cai vàng cũng nên”. Nhà Tứ trước đây thuộc dạng có điều kiện ở Đại Hiệp- Đại Lộc- Quảng Nam. Bố mẹ kinh doanh vật liệu xây dựng. Tiền trong két vô tư, thỉnh thoảng chú lại nhón một “quyển” ăn chơi vô tội vạ. Thôi thì đủ món, nhất là các “ bộ môn xấu”. Học lớp 7 chú nhóc Tứ đã biết lao vào những cuộc sát phạt đỏ đen. Lớp 9 thì bạn bè hảo hán ở Đại Lộc ai cũng quen. Cộng thêm tài đá bóng, nên Phước Tứ nổi tiếng không chỉ trong huyện.
Phước Tứ chỉ mất 2 năm để là trụ cột của Thể Công và mới đây là ở ĐTVN
Đến lớp 10 thì bố mẹ chịu không thấu cậu con ngang ngạnh, chấp nhận cho nghỉ học. Đúng thời điểm đó, việc kinh doanh của gia đình bị phá sản. Các chủ nợ ngày nào cũng đến réo, chỉ thiếu việc nhà cửa đất đai bị xiết. Ông bà chuyển hướng làm chủ bựa vàng ở Phước Sơn, Suối Mơ, Bồng Miêu. 16 tuổi, Phước Tứ phải lao lên cái chốn mà ở đó cảnh gì tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra, để sát cánh cùng bố mẹ. Cậu nhóc lúc ấy chứng kiến việc chém giết, hút xách... như cơm bữa. Hỏi đùa Tứ: “chú đã bao giờ làm “bi” nào chưa?”. “Không hiểu sao mà chẳng dính vào anh ạ. Kể cũng may thật!”, Tứ cười thật thà.
Kết quả cuộc chuyển hướng làm vàng là gia đình càng lâm vào khánh kiệt. “Em phấn đấu đến năm nay trả hết nợ cho bố mẹ. Tất cả thu nhập đá bóng đều dồn hết cho gia đình, nuôi thằng em trai học đại học”. 35 triệu đồng (sau thuế) tiền lương/tháng của Tứ, chưa kể thưởng, vậy mà phải hết năm 2009 mới phấn đấu trả xong nợ nần. Bạn thử tưởng tượng khoản tiền đó lớn đến mức nào, với một gia đình bình thường ở thị trấn miền núi Đại Lộc? Từ đó cũng đủ hình dung một Phước Tứ sẽ ra sao nếu không có cuộc hạnh ngộ với quả bóng tròn?
Mò về từ bãi vàng hốc hác như người rừng, Tứ bảo may lúc đó anh Tuấn “hí” gần nhà ( cựu cầu thủ QK5 nay là bảo vệ sân) lôi Tứ ra giới thiệu cho QK5 năm 2002. Từ đó, mới biết thế nào là cách đá bóng đúng nghĩa. “ Môi trường quân đội đã biến đổi em hoàn toàn. Đấy là điều bố mẹ mừng nhất. Ở nhà họ sợ em hỏng”.
Cú “bắt cóc” ngoạn mục
Tứ đá 2 mùa, 2003 và 2004 thì được sự chú ý của dư luận. Cuối năm 2004, cậu lính trơn Lê Phước Tứ đang ngồi học lớp cảm tình Đảng thì được cấp trên đến tận lớp đưa về. Lúc đó cậu mới biết được đưa ra Thể Công. Quá bất ngờ, chỉ kịp cho tất cả mọi thứ vào cái túi xách nhỏ, rồi “hành quân” ra Thủ đô.
Có lẽ bạn chưa biết vì sao đến nay Phước Tứ, dù đá chính ở Thể Công, chiến tích mang về cho BĐVN như thế, vẫn chưa được kết nạp Đảng, vẫn đeo lon thiếu uý?
Vì tất cả hồ sơ của cậu, đơn vị chủ quản cũ chỉ mới chịu gửi ra trước tết Nguyên đán vừa qua. Lúc mượn Tứ, Thể Công “giao kèo” rằng chỉ mượn vài năm. Đến hẹn, QK5 đòi quân thế nào cũng không được. Thế là, toàn bộ hồ sơ của Phước Tứ không rời miền Trung được. Tứ phải chịu thiệt thòi về “chính trị”.
Thấm thoát vậy mà đã 4 mùa, Phước Tứ trở thành thành viên của Thể Công. Anh “lính trơn” QK5 ngày nào giờ đã nổi tiếng cả nước, đã trở thành trụ cột của đội bóng áo lính và là một trong hai anh lính đá bóng nhận lương cao nhất đội (cùng Bảo Khanh- 35 triệu đồng/ tháng). Đấy chẳng khác một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, với một người có hoàn cảnh khá phức tạp như Tứ.
Đường đến thành công luôn ghềnh thác. Tứ kể về nỗi ám ảnh bàn đánh đầu vào lưới Singapore trận bán kết lượt đi thỉnh thoảng vẫn ập về trong giấc ngủ. Tứ kể về những chuỗi ngày cô đơn đến tận cùng, lúc mới chân ướt chân ráo ra Thể Công. Cái rét cắt gia cắt thịt của mùa đông miền Bắc. Rồi chiều cuối tuần, hầu hết các cầu thủ đều về nhà và người thân của mình, chỉ còn cậu trơ trọi ở đại bản doanh của đội. “Nhớ Đà Nẵng lắm. Lối sống của người ngoài này cũng khác hoàn toàn. Đấy là lý do khiến em càng muốn về, chứ lương chỉ 2 triệu đồng/ tháng cũng chịu được. Khổ mấy cũng chịu được ”.
Suốt mùa giải 2004, lượt đi 2005, Phước Tứ tằng tằng dự bị cho Thanh Hải và Quốc Trung. Phải đến lượt về năm 2005, hai đàn anh xuống sức lẫn chấn thương, cậu em mới được trọng dụng. Thời của trung vệ xứ bánh tráng Đại Lộc nức tiếng “phồng” lên thế nào chúng ta đã biết.
Phước Tứ thừa nhận của đời mình đã gặp quá nhiều may mắn. Đầu tiên là được sống trong môi trường quân đội. Được Thể Công chọn. Ra Thủ đô, được ở cùng phòng với Đặng Phương Nam đến tận bây giờ. Phương Nam luôn là người anh ảnh hưởng rất lớn đến những thành công của Tứ. Còn một số lý do tế nhị khác mà Tứ thẳng thắn bộc bạch: “Quan trọng nhất là Thể Công đã thay đổi về chế độ lương, thưởng cho cầu thủ. Chỉ mới 2 năm lại đây, chứ trước đó đội đã nát lắm rồi. Thể Công hiện nay cũng không có dây này dây nọ như người ta nói trước đây. Nếu không có lẽ em đã bật về Đà Nẵng sớm. Hầu hết lực lượng là trẻ, dễ hoà đồng”.
7 năm đá bóng, một cậu bé nhà quê vô danh lại không được đào tạo bài bản nhưng với nỗ lực vươn lên, Phước Tứ đã có trong tay những điều mà đời cầu thủ ao ước.
Tứ bây giờ đã nổi tiếng lắm rồi. Người Quảng Nam lẫn bạn bè cũ ở QK5 tự hào về cậu thì khỏi phải nói. Nhớ hôm sân Tam Kỳ diễn ra trận hạng Nhất giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, xướng ngôn viên đọc thế này: “Alô! Bà con lưu ý. Sắp tới Cúp QG, Quảng Nam chúng ta sẽ thi đấu với Thể Công, một đội bóng truyền thống nhất nước. Đặc biệt, chúng ta sẽ đón người con của quê hương trở về, đó là Lê Phước Tứ”.
Vâng, Tứ người Quảng “Nom”, đọc đúng giọng Quảng chắc là như thế.
Ngọc Hoà