Trung vệ Lê Phước Tứ: Tiến bộ nhất năm 2008

03/01/2009 08:58 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Chỉ mất 2 năm để anh vươn lên từ một cầu thủ vô danh trở thành trụ cột của Thể Công. Chỉ mất 10 trận đấu để anh khẳng định vị trí ở đội tuyển. Anh là Lê Phước Tứ.

Từ sự hoài nghi do vận rủi

Không ai có thể nghi ngờ năng lực của Phước Tứ, vì anh đã chứng minh bằng cả một quá trình chơi bóng gần như không có sự sa sút: 2 năm trong màu áo CLB và hầu hết các trận đấu của đội tuyển. Tính chuyên nghiệp cũng vậy, vì nếu chọn ra 3 cầu thủ nghiêm túc nhất của ĐTVN, thậm chí là của BĐVN thì chắc chắn phải có anh trong đó.

Nhưng đôi khi PhướcTứ lại là người mang vận rủi.

Trận đá với Indonesia là một pha bóng dẫn tới quả phạt đền. Dù có vẻ là một quyết định có lợi cho chủ nhà, nhưng đúng là Phước Tứ đã có tác động tới người Bambang của Indonesia. Trận đá với Olympic Trung Quốc, Phước Tứ có pha đốt đền, một cú phá bóng nhưng bóng lại găm vào lưới. Mà trận ấy, Tứ đá rất hay, thế mới nghiệt ngã! Rồi đến cúp TPHCM, Tứ đá gần như tròn trịa, nhưng lại có mặt trong vài tình huống thua đau đớn. Đâu đó xuất hiện sự hoài nghi.

Và sự hoài nghi ấy dường như đã tác động tới việc Tứ không còn là người đá cặp với Như Thành trong trận đấu đầu tiên của ĐTVN ở vòng bảng, thua Thái Lan 0-2. Một quyết định ở giờ chót. Suất đó thuộc về Minh Đức.

Bạn có thể lý giải thế này: giữa 2 cầu thủ có cùng trình độ, một người có “vận đen” thì người lựa chọn dĩ nhiên là người thứ hai.

Rồi vươn lên và tiếp tục khẳng định

Nhưng cũng chỉ một lần duy nhất. Sự hoài nghi đó đã không thể chiến thắng trước thực tế sân cỏ, rằng Phước Tứ là nhân vật số 2 ở vị trí trung vệ của ĐTVN, sau Như Thành. Anh tạo nên sự bổ sung hoàn hảo với Thành: một người chơi băng cắt, rất mạnh mẽ và quyết liệt nhưng khôn khéo và không thô bạo; một người thiên về bọc lót, che chắn, đọc tình huống rất tốt.
 
Trung vệ Phước Tứ (4) trong trận đấu với Olympic Brazil

Sẽ là không công bằng nếu ai đó hỏi, cặp Phước Tứ - Như Thành có hay như cặp Huy Hoàng – Như Thành trước kia. Không công bằng không chỉ ở tuổi đời (Tứ sinh năm 1984) mà còn cả ở tuổi nghề. Tứ mới chỉ khoác áo đội tuyển quốc gia được đúng chục trận đấu tính đến trước thềm AFF Cup. Nhưng nếu phải trả lời, thì đây chính là sự thay thế lý tưởng nhất.

Hàng thủ của ĐTVN đã chơi cực hay kể từ vòng bán kết, được thừa nhận như một bộ tứ xuất sắc nhất của AFF Cup lần này, đặc biệt là trong trận lượt đi với Singapore và cả Thái Lan. Trong ấy, Tứ là một mắt xích gần như hoàn hảo.

Tiến bộ nhất năm 2008

Nếu có một danh hiệu cầu thủ tiến bộ nhất trong năm 2008, Tứ sẽ là ứng viên nặng ký. Tứ, cầu thủ sinh ra ở mảnh đất Quảng Nam, là lính Quân khu 5 và không quá khi nói anh là cầu thủ hầu như vô danh ngay cả khi được Thể Công “bắt cóc” năm 2005.

Phải đến mùa 2006, Tứ mới bắt đầu được chơi nhiều hơn trong đội hình Thể Công. Người ta bắt đầu biết đến một trung vệ chơi lăn xả, mạnh mẽ từ đó. Chỉ mất thêm 1 mùa, Tứ trở thành trụ cột ở hàng thủ của một đội bóng luôn sản sinh ra các trung vệ trứ danh. Mùa 2007, Tứ đá cặp cùng với trung vệ Nguyễn Anh Tuấn, hợp thành bộ đôi vững chắc và được tiến cử cho U23, nhưng không được Alfred Riedl chấm.

Đà Nẵng muốn có anh thông qua Quân khu 5, muốn đưa anh về đất Quảng và sẵn sàng trả cho anh 1 tỉ mỗi mùa. Nhưng Tứ ở lại Thể Công và trở thành một trong những biểu tượng mới của của CLB ở đội tuyển QG khi những tên tuổi đi trước chuẩn bị lui vào dĩ vãng…

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm