Bao giờ có lối chơi 'made in Việt Nam'?

09/04/2015 12:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (8/4), xem trận đấu giữa B.Bình Dương, đội bóng mạnh nhất Việt Nam bây giờ, đá với Jeonbuk Huyndai Motors (Hàn Quốc) mà thấy ái ngại cho nền bóng đá. Không phải vì đội bóng đất Thủ đã chính thức bị loại khỏi đấu trường AFC Champions League với chỉ 1 điểm sau 4 lượt trận, mà bởi nhìn cách đội bóng của ông Hải “lơ” chơi bóng, có điều gì đó na ná lối chơi của các ĐTQG dưới thời HLV Toshiya Miura.

Tức là, các cầu thủ ở hàng phòng ngự rất tích cực chuyền dài, một kiểu đá khoán thường thấy ở các CLB sở hữu hàng tấn công mạnh tì đè, tốc độ và vì thế đội bóng gần như được vận hành với chỉ 2 tuyến. Trong trường hợp của B.Bình Dương, nó còn là toan tính của kẻ yếu.

1. Cách đây vài ngày, cũng với lối chơi này, B.Bình Dương đã may mắn giành chiến thắng 1-0 trước Hà Nội T&T (dù không có đội hình mạnh nhất) trong trận đấu bù vòng 8 V-League 2015. Về mặt con người, như đã nhắc, B.Bình Dương là đội mạnh nhất V-League vào thời điểm hiện tại, nhưng tại sao họ phải dùng “khổ nhục kế” khi đối đầu với Hà Nội T&T? Nói như GĐKT Lê Thuỵ Hải, bóng đá đơn giản là thành tích, đẹp mà thua thì cũng coi như vứt.

Cũng tựa như trận đấu lượt đi trên đất Hàn Quốc 3 tuần trước đó, B.Bình Dương vẫn tung đủ đội hình mạnh nhất với 2/3 cầu thủ trên sân là ngoại binh, Tây nhập tịch và Việt kiều. Trên sân của Jeonbuk Huyndai Motors hôm đó, đội quân tưởng rất thiện chiến của ông Hải “lơ” nhanh chóng vỡ vụn với 3 bàn không gỡ, “nâng” tổng số bàn thua lên con số 11.

Chiều qua, dù cầm hoà được Jeonbuk Huyndai, song rõ ràng, đội bóng mạnh nhất Việt Nam chưa thể nói chuyện ở sân chơi châu lục cấp CLB.

Trở lại với câu hỏi mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết, bao giờ bóng đá Việt Nam thành hình một lối chơi mang bản sắc riêng? Trước, hào hoa có Cảng Sài Gòn, Thể Công, và gần đây nổi lên một thế lực mới là Hà Nội T&T. Mỗi người một vẻ, nhưng cơ bản cách chơi bóng của Cảng Sài Gòn, Thể Công và Hà Nội T&T phù hợp với cơ địa, tư duy của người Việt Nam. Tiếc rằng, 2 trong số đó đã giải thể, còn Hà Nội T&T vừa là bại quân của B.Bình Dương.

2. So sánh giữa lối chơi của CLB và ĐTQG là khập khiễng, khi CLB sở hữu đủ những quân bài phục vụ ý đồ chiến thuật, trong đó vai trò của cầu thủ ngoại là rất quan trọng. Từ con người, đến thời gian chuẩn bị và chế độ ở CLB cũng không giống với ĐTQG.

CLB thi đấu một mùa giải kéo dài cả năm, trong khi đội tuyển được tập trung theo đợt, với một giải đấu như AFF Cup hay SEA Games, dài nhất cũng chừng 1 tháng. Và yếu tố quan trọng khác đó là cabin ban huấn luyện cũng khác.

Chúng ta đều biết các ĐTQG chính là đầu ra của nền bóng đá hay chính xác hơn, là tập hợp những tinh tuý của các giải đấu quốc nội, khi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ. Và với mỗi đời HLV khác nhau, chúng ta lại được tập các hệ thống chiến thuật khác nhau. Ví như Alfred Riedl thì chồng biên, lật cánh đánh đầu; Henrique Calisto phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh. Vậy ngón nghề sở trường của HLV Miura sau gần 1 năm dẫn dắt đội tuyển là gì?

Nếu có một liên tưởng, bóng đá Việt Nam lúc này không khác mấy so với thời kỳ đầu J-League ra đời (thập niên 90 của thế kỷ trước). HLV Miura hẳn phải là người đưa ra những so sánh, nhận định sát sườn nhất để không cần xây dựng đội bóng bằng sự lai tạp. Với bản hợp đồng thời hạn 2 năm, tất nhiên, VFF không thuê HLV Miura để “đánh quả lẻ”, mà là để tổ chức lại các ĐTQG một cách bài bản. Sau nửa chặng đường, mới chỉ thấy một vài tín hiệu tích cực, chứ lối chơi thì…

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm