24/11/2021 19:28 GMT+7 | AFF Cup 2024
(Thethaovanhoa.vn) - Lâu lắm rồi, nhà báo Hà Quang Minh lại có cuộc đối thoại với TT&VH. Sự sắc sảo nhiều lĩnh vực luôn khiến Hà Quang Minh có góc nhìn đặc biệt.
* Thể thao &Văn hóa: Đội tuyển Việt Nam đã thua cả 6 trận ở Vòng loại thứ 3 World Cup, nhưng không phải không có những cái được rút ra từ những thất bại đó. Nhìn lại 6 trận đấu đã qua, anh thấy ĐTVN đã nhận được gì?
- Nhà báo Hà Quang Minh: Trước hết, phải nói thật với nhau như thế này, bảo tìm cái được trong thất bại là một kiểu nhận định khá A.Q. Nhưng vì cơ bản mình xác định ngay từ đầu mình là đội yếu nhất, nền bóng đá mình yếu nhất trong số các đội trong bảng đấu nên vẫn có những cái được. Nhiều người vẫn nói vòng loại thứ 3 World Cup như cơ hội để bóng đá Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Vậy thì sau “6 ngày đàng”, chúng ta học được gì?
Thứ nhất, cầu thủ được tận hưởng một bầu không khí bóng đá ở đẳng cấp cạnh tranh khác hẳn, mà họ, hay các thế hệ trước chưa bao giờ có cơ hội được “mon men” lại gần.Thứ hai, họ được đối đầu trước các đối thủ lớn hơn mình ở tâm thế họ không hề khoan nhượng.Điều này đã trui rèn bản lĩnh cầu thủ, tất nhiên cũng sẽ đào thải ai không chịu nổi nhiệt. Nhưng may mắn là các tuyển thủ Việt Nam không ai “non gan” cả.
Thứ ba, có một thứ cần trải nghiệm trước khi áp dụng thì mình có cơ hội luôn để trải nghiệm, kiểu như được dùng hàng thử trước khi mua. Đó là VAR. Sau đợt này, cái đau đáu của VPF về việc sử dụng VAR ở V- League sẽ được tiệm cận thực tế nhanh hơn khi ta trải qua việc tìm hiểu cần máy móc thiết bị gì, con người ra làm sao để có thể áp dụng VAR hàng tuần cho bóng đá nước nhà.
Cuối cùng, chính là phản biện.Nhờ những thất bại này mà bắt đầu các phản biện được lắng nghe dù có thể chưa nhiều.Tập làm quen với phản biện, bóng đá mới tiến bộ được. Phản biện như thế nào không chỉ xét trên nội dung phản biện, thái độ phản biện, ngôn ngữ sử dụng mà còn cần nhìn vào bối cảnh phản biện. Cần phân biệt, HLV Philippe Troussier phản biện bằng 1 buổi phỏng vấn báo chí, trong khi bầu Hiển thì không phải là 1 cuộc phỏng vấn. Chỉ một câu chuyện qua lại được đưa lên báo thì cũng dễ bị hiểu sai lệch lắm.
* Từ những cái được như trên, anh còn đau đáu điều gì về bóng đá nước nhà cho tương lai cũng như về AFF Cup đã ở ngay trước mặt.
- Thú thật, tôi cũng không dành nhiều quan tâm đến AFF Cup, kể từ trước khi chúng ta vô địch năm 2018 vừa rồi. Sau năm 2008 (lần vô địch đầu tiên) tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cần một tầm nhìn khác. Vô địch AFF Cup mãi hay giành HCV SEA Games mãi cũng không làm cho Thái Lan đi xa hơn được ở World Cup mà.
Với bóng đá Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ nên có 2 nhiệm vụ lớn: Trước hết, phải cải cách chất lượng V- League, bắt đầu bằng cải cách triệt để từ CLB, để lấy người hâm mộ làm “sinh quyển” nuôi dưỡng đội bóng. Cái này phải tính bằng thập niên nhưng càng không làm, càng kéo dài các thập niên chờ đợi hơn.Sau đó, đặt mục tiêu cho ĐTQG là luôn luôn phải vượt qua vòng bảng Asian Cup và hướng tới việc thường xuyên có mặt ở tứ kết Asian Cup.Phải nhận diện được mình trong 8 đội mạnh nhất châu lục thì mới mơ tới World Cup được.
Còn chất lượng ĐTQG hôm nay và 3 năm trước, so sánh khó lắm.Không có Đỗ Hùng Dũng thì rõ là yếu đi nhưng các nhân tố như Tiến Linh, Hoàng Đức cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.Và tôi vẫn nghĩ, đừng “tham” vô địch mà hãy “tham” nâng tầm cầu thủ.Cứ trẻ hóa một phần nhỏ thôi ĐTQG xem nào.Khán giả họ không phản ứng lại với việc không có danh hiệu đâu, họ chỉ trách cứ khi đá không thuyết phục thôi.
* Nghĩa là bóng đá Việt phải dám nghĩ khác đi với tầm nhìn lớn hơn, xa hơn cho mục tiêu ngày càng tiệm cận tầm mức châu lục. Những mục tiêu đó được nhìn nhận trên khía cạnh cải cách triệt để chất lượng V-League từ giá trị của các CLB.Anh có thể dẫn dắt rõ hơn về những ý tứ này?
- Nói thật và cũng nên thẳng thắn, hiện nay đời sống bóng đá tốt lên rất nhiều. Tuyển thủ QG bây giờ có trong tay cỡ vài chục tỷ là chuyện bình thường. Nhưng đổi lại là gì nhỉ?Bóng đá cấp CLB đi xuống nếu không nói là đã thụt lùi khá nhiều.
Từ những CLB ngày xưa có lượng CĐV hùng hậu, giờ V- League đếm lại xem được mấy CLB có lượng CĐV đủ để tự tin tạo thành một nền tảng cho môi trường thương mại. Đừng trách người Việt Nam ít dùng hàng chính hãng để nói là CĐV không chịu mua áo hay các vật phẩm từ CLB.Thương mại của CLB bóng đá không chỉ là đi bán cái áo, cái khăn, cái cờ mà nhiều thứ khác nữa.Việc giải tán một CLB bây giờ nó còn nhanh hơn đóng cửa 1 cửa hàng sau Covid.Thử hỏi mấy ông chủ đầu tư cho bóng đá thực sự quan tâm đến cảm xúc của cổ động viên?
Thú thực, rất đắng đót khi hàng loạt tên tuổi lẫy lừng của bóng đá nước nhà như Thể Công, Cảng SG, Hải Quan đã bị “khai tử”. Hồi đó, để bỏ một CLB, có thể còn đắn đo lắm nhưng bây giờ, nói đúng ngôn ngữ mạng xã hội là "phút mốt".
May mắn còn các CLB “nghèo nghèo” nhưng vẫn giữ được cái tên của mình như Nam Định, SLNA... Nếu làm bóng đá thực sự đi từ cái gốc, tức là sinh quyển của CLB chính là các ủng hộ viên ruột, CLB mới sống bền được.SLNA chẳng hạn, họ có thể nghèo hơn các CLB khác nhưng tài sản của họ lớn hơn nhiều.Lực lượng CĐV của họ chính là tài sản đấy, vì nó là thị trường, mang lại những giá trị thương mại, để bóng đá sống được từ bóng đá.
Rồi còn đào tạo trẻ nữa.Nhiều CLB ở V- League bây giờ, nếu cứ áp đúng nguyên tắc quy định về đội trẻ thì sẽ bị mất suất V-League ngay.Nhưng cũng phải nhìn vào thực tế là đào tạo ra rồi bán đi đâu, sử dụng thế nào. Nước ngoài họ làm được vì môi trường bóng đá của họ là hàng trăm CLB chuyên nghiệp ở mỗi quốc gia. Ở mình, được bao nhiêu CLB để “tiêu thụ” nguồn cầu thủ đây?
Cải cách từ CLB tức là phải có hoạch định để CLB ấy sống bền cái đã, chứ không phải là để chăm chăm trụ hạng hoặc vô địch báo công với địa phương.Phải tách các lợi ích đằng sau bóng đá ra thì mới làm bóng đá được. Nhưng thực sự, nếu tách các lợi ích ấy ra, tôi tin chắc 99% các ông chủ CLB “buông bỏ” CLB ngay.
* Sẽ có quá nhiều việc để bàn luận cho vấn đề phát triển, nâng tầm bóng đá nước nhà như vậy. Đấy là câu chuyện dài kỳ, còn trước thềm AFF Cup 2021, anh thử phác họa bức tranh toàn cảnh bóng đá Đông Nam Á dưới góc nhìn của mình?
- Tôi nghĩ, so với 3 năm trước, tương quan lực lượng cũng không thay đổi nhiều. Chỉ có điều, nếu nói về làm bóng đá bài bản và căn cơ, người Thái họ vẫn đi trước một bước. Thực sự, cái này ta phải học họ.
Quay lại ngay từ đầu của đối thoại sẽ thấy ngay. Tôi muốn V- League hấp dẫn hơn Thai -League. Đó là mong mỏi của tôi, thậm chí, còn ước ao có một V- League đủ tầm so sánh với các nền bóng đá châu lục. Nghe có vẻ mơ hão nhưng nó cũng là cái quyền mà, phải không!?
* Xin được cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Chuyện Tấn Trường Nói thật, tôi ít quan tâm đến nội dung video hay các bài đăng của Bùi Tấn Trường trên mạng. Nhưng từ câu chuyện đó, thực tế thì phải nhìn nhận thế này. Đây là thời đại MXH và chuyện người trẻ không tham gia MXH là cực kỳ hiếm. Các cầu thủ cũng là con người bình thường, họ tham gia MXH cũng nên xem là chuyện bình thường đi. Theo tôi, chính vì tham gia MXH, chứng kiến thế nào là búa rìu dư luận mà các tuyển thủ thế hệ này mới "cứng" như vậy và có cách ứng xử với truyền thông, dư luận khôn khéo đến vậy. Với nội hàm "bảo vệ đội tuyển" thì nó là việc cần phải làm với tất cả mọi người, ngay cả với 1 CĐV thuần túy.Và nó là trách nhiệm của những người điều hành, những người tham gia đội tuyển. Song, bảo vệ tích cực là bảo vệ cái đúng ở đội tuyển chứ không phải bảo vệ mù quáng Chúng ta quen ứng xử theo kiểu "đừng vạch áo cho người xem lưng" rồi nên cứ "xấu xa là đậy lại" nhanh lắm. Còn chuyện cầu thủ phát ngôn trên MXH thì ĐTQG có quy chế phát ngôn mà. Căn cứ vào đó mà thi hành thôi. Cầu thủ cũng thừa hiểu họ được nói gì, không được nói gì bởi họ đâu còn trẻ nữa. |
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất