GÓC ANH NGỌC: Derby danh dự trước khi chia tay của Seedorf?

04/05/2014 07:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vị HLV trẻ của Milan chiến đấu vì danh dự, vì điểm số, vì tất cả những gì có thể chiến đấu được cho trận derby. Nhưng dường như, số phận của anh đã được định đoạt, trong một thời kì đầy hỗn loạn về mặt tổ chức, với những sai lầm, những kì vọng và thất vọng, trong điệp vụ bất khả thi của Seedorf.

Một trận thua Roma hôm 25-4. Một trận derby đêm 4-5 được bao người đợi chờ. Kèm giữa hai sự kiện đó là quốc khánh Hà Lan hôm 29-4 mà anh có mặt với tư cách là khách mời danh dự. Hơn thế nữa, với tư cách của một Hiệp sĩ hoàng gia. Đó là lịch làm việc của Seedorf, cầu thủ duy nhất đoạt 4 Champions League với 3 CLB khác nhau, tân HLV của Milan với 6 ngoại ngữ có thể đọc thông viết thạo và vừa tròn 38 tuổi vào ngày nối dối 1-4 vừa qua. Nhưng đêm derby, kết quả của trận đấu không thể lừa dối được ai hết. Anh chỉ có đúng trận đấu với Inter để chứng minh rằng mình không phải là một trò hề của số phận. Nếu Milan thua, anh chắc chắn sẽ bị coi là một lựa chọn sai lầm, một người không thích hợp. Nếu Milan thắng, chưa chắc anh đã tiếp tục ở lại đội, dù Seedorf đang có hai năm hợp đồng với Milan. Ở quanh San Siro, người ta bảo, số phận của Seedorf  đã an bài.

Nụ cười Seedorf ngày trở về giờ không con nguyên vẹn.

Nụ cười Seedorf ngày trở về giờ không con nguyên vẹn.

Những người thạo tin nói rằng, chẳng gì có thể cứu được cái ghế của Seedorf nữa, kể cả chiến thắng ở trận derby. Những người thạo tin hơn khẳng định rằng, kể cả khi Allegri bị "đá bay" vào tháng 1 vừa qua sau trận thua bẽ bàng trước Sassuolo, Seedorf được đưa về Milan, nhưng anh cũng không có nhiều cơ hội. Không thể có với ngân sách này, với đội hình này, với cá tính của anh. Ancelotti có cách phản ứng của riêng ông. Im lặng làm việc và kết quả sẽ cho thấy tất cả. Allegri cũng thế. Bình tĩnh, kiệm lời và không lợi dụng báo chí để công kích ai cả. Nhưng Seedorf thì có. Sau trận thua Roma, anh triệu tập một cuộc họp báo của riêng mình, và trong cơn tức giận bộc phát dù đã rất giữ vẻ ngoại giao, anh bảo, "Tôi còn hai năm hợp đồng với Milan. Tôi vẫn sẽ là HLV Milan khi mùa bóng này kết thúc". Và nữa, "sau những trận thắng liên tiếp vừa qua, họ im lặng, không nói với tôi một câu nào. Tôi cần một lời khẳng định hoặc bất cứ điều gì từ họ, kể cả họ chê trách tôi. Nhưng không, họ im lặng". Những lời nói của một người mà lòng tự trọng bị tổn thương trầm trọng. Những lời nói ấy chẳng khác gì cách công bố cho tất cả thấy anh đang có vấn đề ở Milan và nếu thực sự anh vạch áo cho người xem lưng, cái giá anh phải trả chính là chiếc ghế HLV anh đang ngồi.

Người ta có thể yêu Seedorf hoặc ghét anh. Nhưng những người bạn Italy của tôi ở Milano bảo rằng, các fan của Milan ca ngợi anh là người hùng khi còn xỏ giày và giành một lô các danh hiệu cho đội bóng của họ, nhưng vào giai đoạn cuối của anh ở Milan, các tifosi chuyển từ yêu sang ghét.

Chẳng ai quên được trận derby tháng 8-2009, khi Seedorf làm chậm trễ việc thay Gattuso đang bị thương chỉ vì cầu thủ người Hà Lan chưa thèm xỏ giày vào chân. Gattuso nổi cáu, sau đó bị thẻ đỏ và Milan thua 0-4. Sau trận đấu ấy, báo chí Italy viết rằng, nội bộ Milan chia làm đôi chỉ vì câu chuyện đó. Một bộ phận các cầu thủ Milan bực tức trước thái độ của Seedorf. Nhưng phần còn lại bênh vực anh, cho rằng anh xứng đáng được tôn trọng, không phải vì anh giỏi giang trên sân, mà còn vì ở ngoài đời, anh giành được một bằng đại học từ trường Bocconi nổi tiếng ở Milano, anh có cả một chuyên mục nói về bóng đá trên nhật báo uy tín New York Times. Ba năm trước, anh cũng được trao danh hiệu Hiệp sĩ trong một buổi vinh danh hào nhoáng với sự có mặt của ông chủ Silvio Berlusconi, lúc ấy cũng chưa bị tước chức Hiệp sĩ, chưa bị truất phế khỏi Thượng viện, chưa bị thu hộ chiếu, bị cấm ra nước ngoài và mỗi tuần một lần phải thực hiện lao động công ích trong một trại dưỡng lão để thi hành một bản án vì tội trốn thuế như bây giờ. Hồi đó, Berlusconi đang là Thủ tướng nước Italy, nghĩa là trên đỉnh cao quyền lực, không như bây giờ.

Galliani (trái) không bảo vệ Seedorf như bảo vệ Allegri.

Galliani (trái) không bảo vệ Seedorf như bảo vệ Allegri.

Thế nên, không ít người đã ngạc nhiên khi Seedorf nhận lời dẫn dắt Milan vào thời điểm nó đánh mất bản sắc, mất cả vị trí của mình trên bảng xếp hạng, nhưng cái mất hơn cả, là sự đoàn kết trong lòng ban lãnh đạo. Milan bị tách làm đôi bởi cuộc nội chiến giữa Barbara Berlusconi và Galliani. Sau khi được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo Milan, Barbara không muốn chỉ làm một nhân vật phụ, và những va chạm với Galliani chỉ được giải quyết sau khi bố cô trực tiếp vào cuộc. Sau đó, lại rộ lên những tin đồn về việc Milan sẽ bán đi một phần cổ phiếu của đội để thu hút vốn đầu tư, điều sau đó nhà Berlusconi đã phủ nhận. Nhưng giới thạo tin thì lại khẳng định, đằng sau những tin đồn ấy là một cuộc nội chiến khác trong gia đình Berlusconi, khi Barbara, con gái của vợ hai Berlusconi, muốn bán đi số cổ phiếu từ những cổ đông nhỏ của CLB, và cô vấp phải sự phản đối của Marina và Piersilvio, anh chị của cô, nhưng là con của vợ cả Berlusconi. Họ mới chính là những người quản lí trực tiếp của Milan, thông qua tập đoàn Fininvest mà Marina đứng đầu, chứ không phải Barbara, dù cô là phó chủ tịch Milan.

Sự lựa chọn Seedorf cũng như việc Milan chọn Seedorf có những lí do hết sức phức tạp. Điều ai cũng rõ, là Seedorf chấp nhận làm HLV là vì trái tim anh muốn thế.

Nhưng rõ ràng tay HLV trẻ trung này cũng là người rất tham vọng, nhưng với cá tính quá mạnh mẽ và thẳng thắn, anh đã không học được những kinh nghiệm đối xử với công chúng từ người HLV ở đội tuyển Hà Lan anh đã từng va chạm, Van Basten, cũng là một huyền thoại ở Milan, nên đã mắc một số sai lầm. Một trong những hành động đầu tiên trên cương vị người cầm quân Milan của anh là thổ lộ với các ultra Milan, những kẻ điên rồ nhất, rằng 2/3 số milanista cảm thấy nhục nhã vì Milan. Sự thật có thể là như thế, nhưng anh đã nói với những đối tượng không đáng nghe những lời đó. Không ngạc nhiên 2/3 số người ấy không hài lòng với sự thẳng thắn của Seedorf, và những biểu ngữ chống anh trên khán đài của San Siro vẫn mọc lên ngay cả khi đội bóng đang thắng một loạt 5 trận liên tiếp và lúc ấy đã mơ đến một vị trí dự Cúp Châu Âu ở mùa bóng tới.

Barbara (trái) chỉ coi Seedorf là công cụ thể hiện quyền lực.

Barbara (trái) chỉ coi Seedorf là công cụ thể hiện quyền lực.

Về phía Milan, chọn Seedorf là một quyết định đầy phiêu lưu. Chính Barbara đã đẩy Seedorf ra trước mặt bố cô, và Berlusconi, rất yêu mến Seedorf vì sự thông minh và ngoại giao của anh, cũng đồng ý bổ nhiệm anh làm HLV, coi đây như là một phần trong chiến dịch trẻ hóa đội ngũ mà con gái ông thúc đẩy. Galliani, người bảo trợ số 1 cho Allegri, đành phải chấp nhận điều ấy, nhưng quyền lực của ông không nhỏ. Không chỉ giữ vai trò lớn nhất trong lĩnh vực thể thao, Galliani còn tìm cách qua mặt Barbara trên khía cạnh kinh doanh khi chính ông cũng muốn gia tăng ảnh hưởng trong việc tìm kiếm các cổ đông mới.

Tỉ phú người Indonesia Peter Lim, đang "ngắm nghía" không ít cổ phần của Milan, hiện đang làm ăn với Jorge Mendes, tay cò quyền lực nhất của bóng đá thế giới. Mà Mendes lại có quan hệ thân thiết với Galliani và có thể sẽ thuyết phục người đàn ông đầu trọc này từ bỏ vai trò lãnh đạo Milan để trở thành một cổ đông, nghĩa là làm đại diện cho Peter Lim với tư cách là một nhà đầu tư cho đội. Seedorf bị kẹp giữa những mối quan hệ phức tạp chằng chịt và phức tạp ấy trong nội bộ Milan, và thành tích khiêm tốn của anh không đủ để Barbara chứng minh cho bố cô và Galliani thấy rằng, anh là con người thích hợp với Milan lúc này.

Không ngạc nhiên khi cô im lặng trong lúc Seedorf cần một lời động viên, một sự bảo vệ từ những người chủ. Barbara có lí do "ngoại phạm" để im lặng: cô đang bận với việc thiết kế lại logo của CLB cũng như quần áo thi đấu cho mùa giải mới 2014/2015. Cũng không có ai sửng sốt khi ông chủ Berlusconi, người rất hay có thói quen lên tiếng mỗi khi có cơ hội đưa vấn đề chính trị vào bóng đá, cũng không nói lời nào. Ông đang bận tranh cử Quốc hội Châu Âu cho đảng ông, trong một chiến dịch tuyệt vọng nhằm biến Forza Italia mà ông đứng đầu, từng là đảng mạnh nhất đất nước hai năm trước, nay đã tụt xuống thứ 3 trong số các chính đảng có nhiều cử tri ủng hộ nhất.

Seedorf bị kẹp giữa những cuộc đấu đá phức tạp.

Seedorf bị kẹp giữa những cuộc đấu đá phức tạp.

Hồi mới về làm HLV Milan, Seedorf đã tuyên bố rõ ràng là để Milan trở lại đỉnh cao, cần phải chi nhiều tiền, nếu không, thì tốt nhất là cứ giữ Allegri lại. Berlusconi, lúc ấy đang trong cuộc vật vã để cứu vãn sự nghiệp chính trị đang chìm xuống đáy sau 20 năm trên chính trường của mình, đã gật đầu, không quên nói thêm rằng Milan sẽ bán đi cổ phần, sẽ tìm cách tăng thu nhập, sẽ xây sân vận động mới, sẽ mua thêm các cầu thủ ngôi sao. Thế rồi ông đem về Keisuke Honda theo dạng chuyển nhượng tự do, và để "an ủi" Seedorf, ông mang đến Michael Essien theo yêu cầu của anh. Mà Essien bây giờ là ai? Một cầu thủ đã ngấp nghé về hưu.

Tuần trăng mật của Seedorf với Milan có lẽ đã kết thúc trước khi mùa bóng khép lại. Cả hai phía đã nhận ra sự không tương thích của họ với nhau, và có lẽ phải có một sự kiện đặc biệt nào đó xảy ra, Seedorf mới ở lại Milan cho mùa bóng tới, sau một khởi đầu sự nghiệp HLV đầy giông tố ở San Siro mùa này. Mà thực ra, nếu bị cắt hợp đồng với Milan, Seedorf có lẽ cũng không có nhiều điều phải tiếc nuối, một khi khoản bồi thường hợp đồng có thể giúp anh trang trải một phần khoản lỗ nặng mà các công ti anh đang sở hữu phải gánh chịu. Chẳng hạn công ti Dalajay có trụ sở ở Milano của anh đã lỗ 10 triệu euro trong 4 năm qua. Cuộc phiêu lưu với đội đua mô tô 125 phân khối mang tên anh cũng đã đóng lại mà không có kết quả nào đáng kể. Đội hạng 3 Monza Calcio, đội bóng mà chính Galliani đã khởi nghiệp quan chức thể thao, được anh chính thức làm chủ sở hữu từ năm 2013 mới rồi báo lỗ

"Ở đời, có những lúc ta tưởng đã thắng mà lại thua, và ngược lại". _Silvio Berlusconi (hậu CK Istanbul 2005).
2,5 triệu euro. Công ti môi giới thể thao On International do anh làm chủ cũng không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Doanh nghiệp duy nhất do vợ chồng Seedorf đứng đầu làm ăn có lãi (không nhiều) hóa ra lại là một quá ăn mang tên Finger's ở Milano mà anh chung vốn với đầu bếp người Brazil gốc Nhật Bản Roberto Okape. Sau bóng đá, chẳng nhẽ Seedorf sẽ đi tìm sự thành công từ một quán ăn và nổi tiếng bằng pizza, pasta hay các món ăn kiểu Milano?

Cuộc chơi của Seedorf thật kì lạ, lạ hệt như cách mà Berlusconi, người bảo trợ chính của anh, đã từng thốt lên sau trận thua Liverpool ở Istanbul năm 2005, "Ở đời, có những lúc ta tưởng đã thắng mà lại thua, và ngược lại". Thế đấy, ngay cả khi anh đưa Milan đánh bại Inter thì anh vẫn cứ thua trong cuộc chiến vì tương lai của mình ở đội bóng mà anh đã cống hiến trong gần 10 năm cuối của sự nghiệp. Nhưng thực ra, điều ấy cũng không ngăn cản được Seedorf gồng lên và chứng tỏ mình. Những người có Milan trong gene-anh từng coi mình là như thế-trên thực tế vẫn cứ chiến đấu và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ danh dự của mình. Tóm lại, họ cứ là họ, và họ cũng có thèm quan tâm ai phán xét họ đâu...

Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Rome)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm