28/02/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Diễn ra ngày 27/2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển đã khẳng định những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do cố Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo.
Hội thảo cũng làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương qua các thời kỳ, từ đó đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới.
Góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt
Phát biểu đề dẫn, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học Mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập.
"Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới" - ông Thắng nói - "Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bản Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một Đảng cách mạng về văn hóa khi Đảng mới chỉ hơn 13 năm tuổi; khẳng định văn hóa luôn sinh tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế và chính trị như một quy luật khách quan của mọi thời đại".
Mặt khác, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định: Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất", việc xây dựng một nền văn hóa mới "lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở", "phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hòa bình, thống nhất.
Khẳng định con người ở vị trí trung tâm của phát triển văn hóa
Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng: "Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: Phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa.
Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy" - ông Thắng nói - "Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân; mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị "đỉnh cao"; kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta…".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: "Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận Mác-xít, Đề cương khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hóa. Các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc thì toàn bộ nền văn hóa đó cũng chính là một "mặt trận", có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị".
"Xuất phát từ luận điểm có tính chất nền tảng này, đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương tiếp tục khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 3 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: "dân tộc hóa", "đại chúng hóa" và "khoa học hóa" - ông Hùng nhấn mạnh - "Ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, "nền văn hóa mới" mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định thêm: "Ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là 2 mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau". Ông nhấn mạnh:"Việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất