70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội tăng tốc nhờ nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác

14/11/2024 10:22 GMT+7 | Văn hoá

Tính lũy kế số khách du lịch trong 10 tháng qua, Hà Nội đã đón 23,11 triệu lượt, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 4,95 triệu lượt, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng khách và doanh thu tăng trưởng mạnh

Nhiều thị trường khách quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ như Hàn Quốc tăng 9,9%; Trung Quốc 70,5%; Mỹ 21,6%; Nhật Bản 25,5%; Anh 38,9%; Pháp 51,5%; Đức 45,4%; Canada tăng 25,5%...

Lượng khách tăng cao nên ngành du lịch đã thu được 90.065 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng trong tháng 10, Hà Nội đón 2,05 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 553.000 lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 10/2024 là dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), trên toàn địa bàn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình như “Ngày hội văn hóa vì Hòa bình”, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024...

Trong năm nay, để đổi mới phương thức quản lý cũng như nhằm đa dạng các mô hình, điểm đến hấp dẫn, cũng như điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý, Sở Du lịch đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, tổng hợp các báo cáo lớn về hoạt động phát triển du lịch. Thành phố cũng có chủ trương dừng triển khai Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên Kênh truyền hình CNN quốc tế.

70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội tăng tốc nhờ nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác  - Ảnh 1.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10954 - 10/10/2024), ngày 5/10/2024, chương trình Carnaval áo dài “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” năm 2024 với chủ đề “Duyên dáng áo dài Hà Nội” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long với sự tham gia của đông đảo gia đình nhiều thế hệ, các nghệ sĩ, doanh nhân, học sinh, sinh viên... và bạn bè quốc tế

UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình, tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức. UBND thành phố bổ sung nhiệm vụ Kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Cùng đó, UBND thành phố ban hành Quyết định công nhận 5 điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017 gồm: Điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch, quận Ba Đình; Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục; Di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh; Điểm du lịch Kim Lan, huyện Gia Lâm và Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ...

Du lịch đang trên đà phát triển, công tác cấp phép và giải quyết Thủ tục hành chính cũng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và Sở Du lịch cũng đang đổi mới để bắt nhịp nhu cầu. Trong 9 tháng năm 2024, Sở đã tiếp nhận 3.105 hồ sơ, giải quyết xong 3.086 hồ sơ, còn 19 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết.

Về hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, hiện Hà Nội có 1.813 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 430 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 8 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội tăng tốc nhờ nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác  - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm ẩm thực trong Festival Thu Hà Nội lần thứ 2

 Tăng tốc nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác 

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Ngành du lịch sẽ tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Thành phố cũng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

Ngoài ra, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp các đơn vị để thúc đẩy truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.

70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội tăng tốc nhờ nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác  - Ảnh 3.

Màn trình diễn áo dài "Sắc Thu Hà Nội" góp phần tuyên truyền nâng cao giá trị của chất liệu từ làng nghề Việt Nam qua những thiết kế áo dài mang tính sáng tạo trên nền di sản của các nhà thiết kế yêu Văn hóa Việt tại Hà Nội.

Để quảng bá, mở rộng du lịch, Sở Du lịch Hà Nội tham gia các đoàn công tác xúc tiến du lịch tại nước ngoài như: Chương trình quảng bá Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Đoàn công tác học tập, khảo sát du lịch cộng đồng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai tổ chức; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Australia và New Zealand.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội vinh dự đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination); “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination) trao tại Hà Nội. Hà Nội cũng có kế hoạch và tổ chức hội nghị liên kết, phát triển sản phẩm du lịch giữa thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; thực hiện chương trình “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên”.

Sở Du lịch cũng đã tham dự các chương trình, hội nghị như: Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên và lễ hội hoa ban năm 2024 tại tỉnh Điện Biên; Hội nghị xúc tiến văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang, Việt Nam và châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức; tham dự cuộc họp khu vực dành cho các thành phố thành viên Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TPO) năm 2024 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; tham gia hoạt động quảng bá du lịch trong dịp tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024...

70 năm Giải phóng Thủ đô: Du lịch Hà Nội tăng tốc nhờ nhờ đổi mới và mở rộng hợp tác  - Ảnh 4.

Trình chiếu 3D Mapping tại Ô Quan Chưởng

Sở tổ chức các đoàn khảo sát, hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa; Hội nghị xúc tiến, quảng bá và khảo sát một số tuyến, điểm du lịch tại các tỉnh khu vực Miền Tây Nam Bộ; tham gia đoàn khảo sát, xúc tiến kết nối lại hoạt động du lịch và học tập cách thức phát triển du lịch cộng đồng (có dự tham gia của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - Việt Nam) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì tổ chức.

Sở cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.

Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn dài, tận dụng thời tiết thuận lợi, các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đang nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động thu hút khách. Dự kiến Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đón 29 triệu khách du lịch trong năm 2024 như đã đề ra từ đầu năm.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm