70 năm Giải phóng Thủ đô: "Dấu ấn cuộc đời" của một đô thị trong "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)"

07/10/2024 20:23 GMT+7 | Văn hoá

Sáng ngày 7/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)".

Cuốn sách là sự tập hợp trí tuệ của gần 30 tác giả, là những cây bút kiến trúc sư đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý và nghiên cứu. Do vậy, bằng những góc nhìn, cảm nhận khác nhau nhưng nội dung viết ra được trải nghiệm thực tế trong quá trình nghiên cứu, quản lý, hành nghề và sáng tác.

"Dấu ấn cuộc đời" của một đô thị trong "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tặng sách và hoa cho các tác giả tham gia

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) có cấu trúc nội dung gồm 5 phần: Kiến trúc Hà Nội – Chặng đường 70 năm phát triển; Định hướng và phát triển kiến trúc Hà Nội; Kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị Hà Nội, nhận diện bản sắc, kế thừa và phát huy giá trị; Kiến trúc Hà Nội – Những góc nhìn cho tương lai; Thông tin các văn bản quy phạm Pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc Hà Nội.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, đồng chủ biên cuốn sách cho biết: "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) bao gồm 2 nội dung cơ bản. Một là, cuốn sách ghi lại dấu ấn cuộc đời của một đô thị có những thăng trầm của các giai đoạn khác nhau và quá trình xây dựng-phát triển kiến trúc Hà Nội. Đó là điểm nổi bật của cuốn sách. Hai là nhận diện Kiến trúc Hà Nội và những mong muốn về quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội trong tương lai. Nội dung sách không quá nặng về lý thuyết, hàn lâm mà rất thực tiễn". 

Nội dung 1 thể hiện ở phần 1 và 2 thể hiện Chặng đường 70 năm phát triển của Kiến trúc Hà Nội  gồm 6 chương ứng với 6 giai đoạn hình thành và phát triển kiến trúc, đô thị Hà Nội. Mặc dù với thời gian được tính từ 1954 đến nay nhưng ban soạn thảo đã quyết định dành một chương để khái quát về lịch sử cũng như sự hình thành phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 trở về trước. Tiếp 5 chương còn lại được chia thành những giai đoạn 1954-1975; 1975-1986; 1986-1995; 1995-2008 và từ 2008 đến nay do nhóm biên soạn gồm: TS.KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia), TS.KTS Trần Thanh Bình (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), TS.KTS Trương Ngọc Lân (ĐH Xây dựng Hà Nội), TS.KTS Tạ Quốc Thắng (Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng), TS.KTS Nguyễn Minh Đức (Viện Kiến trúc Quốc gia) thực hiện.

"Dấu ấn cuộc đời" của một đô thị trong "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)" - Ảnh 2.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi (bìa phải) đồng chủ biên cuốn sách

Nội dung 2 thể hiện ở phần 3 và 4 thể hiện Một cái nhìn nhận diện về  Kiến trúc Hà Nội hôm nay và những mong ước cho ngày mai. Phần 3 tuy ngắn nhưng được tách ra nhằm nhận diện bản sắc và các giá trị cốt lõi của Kiến trúc, cảnh quan đô thị Hà Nội do KTS Nguyễn Luận đảm nhiệm. Tại phần 4, sách dành nội dung phân tích những góc nhìn riêng cho 3 quận trung tâm của Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ với những nhận diện giá trị cốt lõi cũng như những đề xuất, mong muốn cho sự phát triển bền vững. Nội dung phần này do GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc và TS.KTS Trần Thanh Bình viết.

Nhận diện những giá trị di sản kiến trúc Hà Nội; bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc khu phố cổ, khu phố Pháp là một nội dung rất quan trọng đối với Hà Nội do  GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi, Kts Nguyễn Hoàng Phương, KTS Trương Quốc Toàn chia sẻ là những khái quát khá đầy đủ về kiến trúc di sản, kiến trúc có giá trị của Hà Nội trong các giai đoạn lịch sử.

"Dấu ấn cuộc đời" của một đô thị trong "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)" - Ảnh 3.

Bìa cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)"

Những vấn đề thách thức của Hà Nội trong thời gian tới được đề cập bao gồm 2 vấn đề. Một là:  Cải tạo Chung cư của tại Hà nội do PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng ( Đại học Xây dựng Hà Nội) đảm nhiệm; Hai là vấnề Kiến trúc làng xã trong khu vực nội đô do TS.KTS Ngô Doãn Đức nghiiên cứu.

Về những mong muốn trong tương lai đối với Hà nội bao gồm: Phát triển Công trình xanh, Không gian xanh ( GS.TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên- Viện KHCN Đô thị xanh, TS.KTS Trương văn Quảng- Hội QH Đô thi VN).

Phần 5 của cuốn sách là sự tập hợp khá công phu, liệt kê tên các văn bản pháp lý liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, đô thị Hà Nội theo 2 giai đoạn từ trước năm 1995 trở về trước của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm và giai đoạn 1995 đến nay của KTS Vũ Đức Nguyên. Đây là phần tổng hợp rất có giá trị chưa từng được thực hiện từ trước đến nay. Qua các văn bản quy phạm pháp luật này sẽ giúp ích cho các nhà nghiên cứu và quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng Hà Nội hình dung được bức tranh chung về công tác quản lý nhà nước trong phát triển kiến trúc đô thị Hà Nội để thấy được trong chặng đường mới chúng ta sẽ cần ứng xử, bổ khuyết và quản lý, phát triển nó như thế nào.

"Hà Nội cần phải phát triển, cần phát huy những giá trị của di sản văn hóa, di sản kiến trúc nhưng không phải phát triển bằng mọi giá. Chúng ta cần phát triển Kiến trúc một cách bền vững trong sự quan tâm tới các di sản kiến truc, đô thị có giá trị Hà Nội cần phải nhìn nhận và bảo vệ đời sống của các di sản trong sự phát triển thì mới bền vững được" – GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi kết luận.  

Yến Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm