10/04/2025 11:34 GMT+7 | Tin tức 24h
Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn, hạ tầng lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động của khu vực, hội nhập sâu rộng với thế giới, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế
Sau chiến tranh, nền kinh tế Việt Nam chìm trong khủng hoảng. Đất nước đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, sản xuất đình trệ, đời sống Nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém.
Tuy nhiên, từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và vươn lên mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2024, quy mô GDP theo giá hiện hành đã đạt 476,3 tỷ USD, đưa đất nước trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.
Trong nhiều năm liên tiếp, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức trung bình 6-7%/năm, bất chấp những biến động lớn của kinh tế toàn cầu. Ngay cả trong những giai đoạn thử thách như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng.
Động lực tăng trưởng đến từ cả ba khu vực kinh tế, với sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2024, ngành công nghiệp và dịch vụ đóng góp hơn 90% vào tăng trưởng GDP, phản ánh sự chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế năng động, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu. Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn thế giới, đặc biệt trong các ngành điện tử, dệt may, giày dép và thực phẩm chế biến sẵn.
Công ty May Nam Tiệp, Cụm công nghiệp An Xá, tỉnh Nam Định mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm sang thị trường Mỹ, Nga, Hàn Quốc… Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu quan trọng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 đạt trên 786 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, nông sản... không chỉ giúp nâng cao vị thế quốc gia trên thị trường quốc tế mà còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt mốc 500 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đăng ký. Những con số ấn tượng này cho thấy niềm tin của cộng đồng quốc tế vào môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và triển vọng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Với hệ sinh thái du lịch phong phú, từ những kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng đến các điểm đến đậm đà bản sắc văn hóa-lịch sử như Hội An, Huế…, Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng được ưa chuộng trên bản đồ du lịch thế giới. Năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, cho thấy sức hút mạnh mẽ và vị thế ngày càng được nâng cao của du lịch Việt Nam trong khu vực và toàn cầu.
Bước nhảy vọt trong phát triển hạ tầng
Năm thập kỷ sau ngày đất nước thống nhất, diện mạo hạ tầng Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.
Trong đó, giao thông chính - huyết mạch của nền kinh tế - có sự thay đổi rõ nét nhất. Từ những con đường đất sỏi, những chiếc cầu khỉ chông chênh, đến nay, Việt Nam đã có hệ thống giao thông hiện đại kết nối xuyên suốt ba miền. Thời gian qua, hàng loạt tuyến cao tốc trọng điểm đã được xây dựng, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên hơn 2.000 km, góp phần quan trọng rút ngắn khoảng cách giữa các trung tâm kinh tế. Những cây cầu hiện đại như: cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vĩnh Tuy… không chỉ giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn mà còn là biểu tượng của sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông Việt Nam.
Cùng với các tuyến đường, các sân bay quốc tế như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng cũng được mở rộng, nâng cấp. Trong đó dự án sân bay Long Thành – một trong những sân bay lớn nhất Đông Nam Á – đang được triển khai với kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quan trọng trong khu vực.
Ngoài ra, hệ thống tàu điện đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dù mới ở giai đoạn đầu, đã mở ra một chương mới trong việc phát triển giao thông công cộng, góp phần giảm tải áp lực lên hệ thống đường bộ và cải thiện chất lượng sống đô thị. Những tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động không chỉ đánh dấu bước tiến về hạ tầng mà còn phản ánh tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch và phát triển bền vững.
Không chỉ phát triển hạ tầng giao thông, Việt Nam còn có sự chuyển mình mạnh mẽ của các đô thị lớn. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác đang "khoác" lên mình diện mạo hiện đại với những khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất.
Song hành với công nghiệp và đô thị hóa, Việt Nam cũng ghi dấu ấn với những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển năng lượng tái tạo. Từ một đất nước phụ thuộc vào nhiệt điện than, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về điện gió, điện mặt trời. Các dự án năng lượng sạch quy mô lớn tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên không chỉ đáp ứng nhu cầu điện trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu năng lượng xanh trong tương lai.
Những bước "nhảy vọt" trong phát triển hạ tầng đã tạo nên diện mạo mới cho đất nước, giúp Việt Nam không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế phát triển mà còn đặt nền móng vững chắc cho một giai đoạn tăng trưởng bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp Nhân dân
Song hành với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển con người và đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công bằng và tạo cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Việt Nam đã thực hiện thành công các chương trình giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo) xuống còn 4,06% vào năm 2024. Đây là kết quả của hàng loạt chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, hệ thống bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần tạo ra một xã hội công bằng hơn, với những cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Một trong những trọng tâm của chính sách an sinh là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Những dự án này đã giúp hàng triệu người, nhất là những người yếu thế, có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều chiến lược để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh tật, cũng như đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm mạnh, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng đáng kể. Hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân ngày càng được mở rộng, với hơn 94,2% dân số tham gia. Ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với những kỹ thuật y khoa tiên tiến như ghép tạng, điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, phẫu thuật nội soi từ xa... Những tiến bộ này không chỉ giúp cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân mà còn giúp y tế Việt Nam tiệm cận với trình độ y học khu vực và thế giới.
Cùng với y tế, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên cải cách mạnh mẽ. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục. Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Đầu tư vào giáo dục đại học và đào tạo nghề cũng được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Nhờ những nỗ lực này, nhiều trường đại học Việt Nam đã đạt thành tích cao trên các bảng xếp hạng quốc tế. Sinh viên Việt Nam cũng liên tục giành nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi khoa học và sáng tạo toàn cầu.
Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của phụ nữ. Các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khuyến khích tham gia vào các lĩnh vực lãnh đạo, chính trị và khoa học công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ đảm nhận vai trò quan trọng trong gia đình mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quyền lợi của trẻ em cũng được đặc biệt chú trọng, đặc biệt là quyền được học tập, phát triển và sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Các chương trình bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực.
Những thành tựu trong giảm nghèo, y tế, giáo dục và bảo đảm quyền lợi cho các nhóm yếu thế là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, nhân văn và bền vững.
Đều đặn mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Nhượng (sinh 1987), ở ấp Hưng An Đông, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm dành dụm từ 200 - 400 nghìn đồng để gửi tiết kiệm. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Phát huy giá trị văn hóa, phát triển khoa học-công nghệ, tiến bước vào kỷ nguyên số
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, văn hóa và khoa học-công nghệ (KHCN) đã trở thành hai trụ cột quan trọng góp phần xây dựng và khẳng định vị thế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như đền chùa, lễ hội dân gian, hát quan họ, ca trù, cải lương, múa rối nước… đã được bảo tồn, phục dựng và quảng bá rộng rãi. Không ít di sản đã được UNESCO công nhận, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và trở thành nguồn lực phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang… cũng không ngừng đổi mới và vươn tầm quốc tế, với nhiều tác phẩm đoạt giải lớn và mang đậm bản sắc Việt Nam. Với điện ảnh gần đây có các phim: "Tro tàn rực rỡ", "Ròm", "Song Lang", "Trăng nơi đáy giếng", "Áo lụa Hà Đông", "Mùa len trâu"... đoạt nhiều giải thưởng quốc tế; hay như MV "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy, không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với quốc tế. Những chương trình nghệ thuật như Lễ hội Áo dài, Liên hoan phim Việt Nam, các cuộc thi âm nhạc đã trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Đặc biệt, văn hóa học đường được chú trọng như một nền tảng giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, nhân văn, lòng yêu nước và truyền thống dân tộc. Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa trong chương trình giảng dạy không chỉ giúp học sinh hình thành nhân cách tốt đẹp mà còn khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống hiện đại.
Song hành với văn hóa, KHCN và chuyển đổi số cũng có những bước tiến vượt bậc, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Từ những năm đầu sau giải phóng, KHCN chủ yếu phục vụ công cuộc tái thiết và phát triển nông nghiệp. Đến nay, sau hành trình đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng KHCN cơ bản và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực, như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT, VNG… đã vươn ra thị trường quốc tế, góp phần khẳng định vị thế công nghiệp số của Việt Nam trên bản đồ khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong chiến lược phát triển quốc gia. Công nghệ số được ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, từ sản xuất, y tế, giáo dục đến hành chính công, giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và minh bạch trong quản lý. Chuyển đổi số không chỉ tạo đà cho kinh tế số phát triển mà còn góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn vào kỷ nguyên số.
Khẳng định vị thế trên trường quốc tế
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, từ một nước bị cấm vận trở thành quốc gia có uy tín cao trên trường quốc tế. Quan hệ đối ngoại không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt với các đối tác quan trọng và láng giềng.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới; có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn. Đồng thời, Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, ký kết trên 100 hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP, EVFTA, RCEP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trên bình diện đa phương, Việt Nam hiện là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC và WTO… Việc tham gia vào các tổ chức này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế mà còn tạo điều kiện để Việt Nam đóng góp vào việc định hình các chính sách toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, và biến đổi khí hậu. Qua đó, từng bước tạo dựng nên hình ảnh một quốc gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong cộng đồng quốc tế.
Những thành công nổi bật trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế lớn như APEC, ASEM và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN… đã chứng minh cho vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và thế giới; đồng thời khẳng định vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn đã được lan tỏa mạnh mẽ thông qua việc cử hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Sự hiện diện và đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam không chỉ thể hiện năng lực, bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta, mà còn cho thấy quyết tâm đồng hành, chia sẻ với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tròn nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên hành trình phát triển với những thành tựu vượt bậc. Những đổi thay từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá đến một nền kinh tế năng động, một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế chính là minh chứng rõ rệt cho ý chí và nghị lực của dân tộc Việt Nam. Tuy rằng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa trên con đường phát triển bền vững.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất