5 triết lý ‘thành công không vật chất’ của 50 bậc thầy thông thái nhất thế giới

30/12/2022 11:27 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Không có gì ngoài óc phán đoán và sự chăm chỉ dựa trên nền tảng sức khỏe tốt, để đảm bảo thành công thực sự và bền vững. Những điều khác chỉ đơn thuần là mê tín.

"Học viện thành công" tập hợp những câu chuyện thực tế và bài học kinh nghiệm được đúc kết từ các tác phẩm kinh điển viết về thành công của những bậc thầy vĩ đại như Tiến sĩ Wayne W.Dyer, Dale Carnegie, J. Paul Getty, bác sĩ Maxwell Maltz, Napoleon Hill, P. T. Barnum, Benjamin Franklin, Lord Beaverbrook… 

Og Mandino dẫn dắt người đọc khám phá một học viện kì lạ, nơi độc giả là những học viên tiềm năng và 50 bậc thầy nổi tiếng là những giảng viên đặc biệt được ông mời về cố vấn, giảng dạy và hướng dẫn tại Học viện. 50 trí tuệ sắc sảo lần đầu tiên đứng chung một bục giảng để bàn về thành công đỉnh cao. Trước đó, họ đã được thế giới công nhận là bậc thầy trong lĩnh vực này với tư duy thành công đầy khác biệt và thực tế. 

Nhờ vậy mà cha đẻ cuốn sách ''Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới" lại một lần nữa trao cho mọi người chiếc chìa khóa vạn năng khai phá năng lực vô hạn của bản thân. Dưới đây là 5 triết lý "thành công không vật chất'' đầy khác biệt tại Học viện kì lạ của Og Mandino:  

1. Giàu có không đồng nghĩa với thành công

Hơn một ngàn năm về trước, Quốc vương Hồi giáo xứ Cordova từng viết: "Ta đã trị vì đến nay được hơn 50 năm trong vinh quang và an bình, thần dân yêu mến, kẻ thù khiếp sợ, đồng minh kính phục. Giàu có vinh hiển, quyền lực và thỏa mãn đều tuân theo ý chí của ta, có phúc lành nào trên thế giới được như ta. Nhưng ở hoàn cảnh như vậy mà ta cứ luôn đếm đi đếm lại những ngày thật sự hạnh phúc mà số mệnh đã trao cho mình. Chỉ có 14 ngày thôi''.

Có nhiều điểm mấu chốt để định nghĩa thành công. Tuy nhiên, Og Mandino khuyên chúng ta nên gạt bỏ những định nghĩa thành công thông thường sang một bên khi gắn nó với hạnh phúc. Bởi lẽ thành công về mặt vật chất không tạo nên hạnh phúc. 

Có một người cứ nghĩ rằng hạnh phúc là khi mình tích lũy được một trăm ngàn đô la ở tuổi tứ tuần. Nhưng khi đạt được rồi, anh ta lại muốn một triệu USD; khi có một triệu đô rồi, anh lại muốn hơn nữa. Anh ta không thể ngừng nghỉ, anh cứ muốn hơn và hơn nữa, trong khi luôn rầu rĩ tự hỏi vì sao mình không thể làm nổi một chuyện đơn giản là gắn kết với vợ con. 

5 triết lý ‘thành công không vật chất’ của 50 bậc thầy thông thái nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Giàu có không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công. "Có rất nhiều người giàu có mà nghèo khổ'', trong khi có rất nhiều người khác, là những người trung thực và chân thành, chưa từng sở hữu số tiền nhiều như những người giàu có phung phí trong vòng một tuần, tuy vậy lại là những người thực sự giàu có hơn và hạnh phúc hơn bất kỳ người nào vi phạm phép tắc và luật lệ của loài người.

Suốt nửa thế kỷ, những lời giáo huấn đã hằn sâu vào tiềm thức ta rằng thành công về vật chất – đặc trưng là gặt hái được danh tiếng, tiền bạc, địa vị và quyền lực – là mục tiêu quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, thành công về vật chất là điều người ta có được, còn thành công về tinh thần nằm sâu bên trong con người anh ta, và sai lầm của nhân loại là đánh đồng hai thứ này với nhau, để giả định rằng hạnh phúc là kết quả của sự giàu có. 

2. Thành công gắn liền với đam mê 

Có một điểm chung lớn nhất của những người thành công trên thế giới, đó là để gặt hái được thành công, họ phải có đam mê với những việc mình làm, đặc biệt phải giữ vững niềm đam mê ấy trong những năm tháng khó khăn. 

Will Rogers là một diễn giả nổi tiếng. Ông khuyên, nếu muốn thành công, bạn chỉ cần làm ba điều sau: ''Biết việc mình làm - yêu điều đang làm - và tin vào chúng. Chỉ thế thôi''

Khi một người mải mê với công việc mình yêu thích, thì làm nhiều việc hơn và làm tốt hơn so với những gì được trả công không phải điều nhọc nhằn gì, và chính vì lý do này mà mỗi người chúng ta đều được khuyên nên cố gắng tìm thấy công việc mà mình yêu thích nhất. 

Bởi lẽ khi chúng ta làm công việc tốt nhất có thể, mỗi lần đều gắng sức vượt lên những nỗ lực trước đó, là bạn đang học hỏi ở mức độ cao nhất. Vì thế, khi làm việc nhiều hơn và tốt hơn những gì bạn được trả, chính bạn chứ không phải ai khác, thu được lợi nhuận từ nỗ lực đó. 

3. Thành công là thành thật với chính mình 

Sự thành công của bạn không được đo đếm bằng những gì người khác nói, làm hay đạt được. Nó chỉ đơn thuần là mức độ bạn sử dụng những tiềm năng mà bạn có. 

Có thể với những người khác, những người mà bạn cho là họ rõ ràng trẻ hơn, thông minh hơn, chăm chỉ hơn, có học thức hơn, ưa nhìn hơn, rằng ''họ xứng đáng thành công hơn mình''. Nhưng những đặc tính của họ không phù hợp với sự thành công của bạn. 

5 triết lý ‘thành công không vật chất’ của 50 bậc thầy thông thái nhất thế giới - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Thành công là sống một cách can đảm trong từng khoảnh khắc sao cho trọn vẹn nhất. Đó là dám buông mình theo dòng chảy, đấu tranh, thay đổi, trưởng thành và tất cả những thứ mâu thuẫn khác của thân phận con người. Thành công là thành thật với chính mình. 

Sai lầm của chúng ta là không ngừng hướng đến các mục tiêu mà chúng ta nghĩ những người khác sẽ công nhận, và chúng ta đau đớn nhận ra họ không biết chút gì về thành công đích thực. Với Og Mandino, quan trọng không phải bạn đạt được gì, mà là bạn trao đi điều gì. Đó có thể là yêu thương, là giúp đỡ mọi người phát triển và trở thành con người tuyệt vời. 

Vì thành công chính là sự cho đi. 

4. Thành công không nhờ may mắn 

Triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói, chỉ những người nông cạn mới tin vào may mắn hay hoàn cảnh. "May mắn'' là điều người khác sẽ nói về bạn sau khi sự làm việc chăm chỉ của bạn đem đến thành quả. Nhưng người mạnh mẽ tin rằng mọi điều không phải do may mắn, mà bởi quy luật, và mối dây kết nối giữa nhân và quả vô cùng bền chặt . 

Những người xuất sắc nổi bật trong các sự kiện chính trị hay kinh doanh lớn thường hành động dựa trên những gì có vẻ như là bản năng, giống như sở hữu kiểu giác quan thứ sáu, theo bản năng biết công ty nào sẽ thành công hay thất bại, thị trường sẽ đi lên hay đi xuống. 

Nhưng thật ra, chính nhờ không ngừng nghiên cứu kỹ lưỡng các sự kiện, nhờ những kinh nghiệm tích lũy bấy lâu, họ mới tiếp thu, học hỏi được nhiều kiến thức tới nỗi có vẻ đã đạt tới trình độ đưa ra kết luận mà "không cần dừng lại để nghĩ''. 

Trái lại, thỉnh thoảng chúng ta chứng kiến có những người kiếm được nhiều tiền bạc nhưng ngay lập tức nghèo đi, giống như một người đầu cơ gặp may mắn. Anh ta làm những việc táo bạo và đạt được thành quả nhưng sau đó biến mất ngay trong cơn khủng hoảng. Anh ta mất tài sản cũng nhanh chóng như làm ra tài sản vậy. 

Bởi vậy, "không có gì ngoài óc phán đoán và sự chăm chỉ dựa trên nền tảng sức khỏe tốt, để đảm bảo thành công thực sự và bền vững. Những điều khác chỉ đơn thuần là mê tín'', theo các tác giả. 

5 triết lý ‘thành công không vật chất’ của 50 bậc thầy thông thái nhất thế giới - Ảnh 3.

5. Không có đường tắt cho thành công

Thành công ngày nay là một chặng hành trình, không phải một điểm đến. Chưa kể, điều khiến chuyến hành trình này trở nên quan trọng là chúng ta phải không ngừng tiến về phía trước, với nhận thức tăng dần của một mục tiêu xác định sẵn. 

Nhiều người trong chúng ta theo bản năng thường chọn cách ngắn nhất, dễ nhất, nhanh nhất đến với thành công, để rồi chỉ thấy rằng thành công đó chỉ là thứ hão huyền. Không có sự chinh phục nào đạt được mà không cần làm việc chăm chỉ, không có sự chinh phục nào đem lại niềm vui thực sự nếu nó không đòi hỏi phải cần cù. 

Người ta nói rằng Daniel Webster là người làm món xúp hải sản ngon nhất nước dựa trên nguyên tắc là không chịu đứng vị trí thứ hai trong bất cứ chuyện gì. Đây là một cách tốt để bạn bắt đầu công việc của mình. Đó là cho dù làm gì, hãy cố gắng làm tốt nhất có thể. Bất kể nghề nghiệp của bạn là gì, hãy để chất lượng làm tuyên ngôn của bạn. 

Những người luôn đưa chất lượng vào trong công việc của mình mọi lúc mọi nơi thì tính cách và tính tình của người đó cũng sẽ trở nên vượt trội. Giống như khi chúng ta cố gắng bằng mọi khả năng của mình để làm tốt nhất, cả bản chất con người ta đều được nâng cao. 

Điều này lý giải việc những người thành công luôn ý thức cao về cách họ làm việc. Họ không bằng lòng với sự tầm thường. Họ không giới hạn bản thân với những lối mòn, hay thỏa mãn với việc chỉ làm như những người khác vẫn làm mà luôn cố gắng tốt hơn một chút. Những thứ đến tay họ luôn được cải thiện tốt hơn. Chính sự nỗ lực liên tục để trở thành hàng đầu đó đã giúp họ chinh phục đỉnh cao của sự xuất sắc. 

Ngọc Tú (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm