250 nghệ sĩ điện ảnh không cầm được nước mắt mừng thọ thầy

30/11/2015 06:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 250 nghệ sĩ điện ảnh từ khắp nơi đã về mừng thọ Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực 85 tuổi hôm qua 29/11/2015 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội).

Ông là một trong những người đầu tiên của thời kỳ sáng lập Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, là vị hiệu trưởng đáng kính, người thầy được các thế hệ sinh viên trường rất yêu mến.

Buổi lễ này không chỉ là ngày học trò chúc thọ thầy, mà còn là lời chia tay sớm của thầy tới các học trò thân yêu của mình, vì thế mà thêm phần xúc động.

Sau khi GS-TS-NSND Đình Quang, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sân khấu & Điện ảnh qua đời vào ngày 12/7/2015, thầy Lê Đăng Thực muốn tổ chức một “cuộc chia tay sớm” với học trò của mình. Ông dự định sau cuộc gặp gỡ này, sẽ sang Đức thăm con trai và điều trị bệnh ung thư tại đây.


Thầy Lê Đăng Thực (ngồi giữa) bên đồng nghiệp và học trò nhiều thế hệ

Dù sức khỏe không tốt, nhưng ông luôn lạc quan. Cuộc gặp gỡ dự kiến khoảng 80 người, nhưng giờ cuối đã lên tới đến con số 250 người tham dự.

Lễ mừng thọ bắt đầu bằng hồi trống trường, sau đó các lớp diễn viên điện ảnh, đạo diễn, quay phim, tuyên truyền phát hành và kinh tế điện ảnh, đạo diễn tại chức… đã lần lượt đứng lên “điểm danh”.

NSND Minh Châu không cầm được nước mắt khi lên đọc bức thư của NSND Bùi Cường, NSND Đào Bá Sơn gửi cho thầy vì không về được. Chị chia sẻ: “Với chúng tôi thầy không chỉ là thầy mà còn là người cha thương yêu học trò như con của mình”.

NSND Khải Hưng, người học trò láu lỉnh một thời bây giờ mới tiết lộ hồi xưa ông hay gọi thầy Lê Đăng Thực là thầy “Lê Đăng Ngược”, vì thầy luôn khuyến khích học trò phải phản biện. “Học đạo diễn phải biết phản biện”, đó là bài học NSND Khải Hưng không bao giờ quên.

Còn đạo diễn Quốc Trọng cho biết từ khi bắt đầu làm nghề đến giờ ông vẫn nhớ lời khuyên của thầy Thực: “Cậu đừng làm cái giống mọi người, hãy làm cái của mình và khác mọi người”.

Nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực là một trong số những đạo diễn đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô. Sau này ông gắn bó với công tác nghiên cứu lý luận điện ảnh, dịch thuật và đặc biệt là công tác giảng dạy.

Ông là một trong những người đầu tiên trong ngành điện ảnh được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Với các thế hệ sinh viên, ông là người thầy giỏi, tận tụy, yêu thương học trò.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm