Góc Hồng Ngọc: “Cuộc chiến” Real – Barca

16/06/2010 12:14 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Họ là 2 CLB vĩ đại bậc nhất, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất, của bóng đá thế giới. Nhưng đội tuyển Tây Ban Nha lại không phải là thế lực lớn của World Cup. Chính vì “cuộc chiến” Real – Barca.

Khi Franco thiết lập chế độ độc tài tại Tây Ban Nha, và tăng cường sự áp đặt đối với các xứ, vùng tự trị trước đây, sự phản kháng của họ được chuyển sang sự tự tôn về văn hóa hay thể thao. Nếu như Barcelona trở thành điểm hội tụ của xứ Catalunya, trở thành niềm tự hào, đối kháng với chế độ hoàng gia (Real) Madrid như một quyền lực ngang hàng, thì xứ Basque phản ứng theo kiểu thu mình, với một thời gian dài chỉ sử dụng các cầu thủ xứ Basque, hay có nguồn gốc xứ Basque, như với Athletic Bilbao.


Luôn có một cuộc chiến Real-Barca trong lòng đội tuyển Tây Ban Nha, Ảnh Getty
Nhưng khi Real Madrid mượn tay chế độ độc tài để làm suy yếu Barcelona và làm mình mạnh lên, với điển hình là vụ “cướp đoạt” Di Stefano khi huyền thoại của Real sau này vốn đã ký hợp đồng với Barcelona, thì mối quan hệ đó đã trở thành sự thù hận toàn diện. Sau khi chế độ Franco chấm dứt, Barca mới dần dần được giải thoát khỏi nỗi ám ảnh về mối quan hệ bất công với Real. Sau này, ngay cả khi Real “cướp” Figo từ Barca, đó cũng chỉ thuần túy là vấn đề thương mại.

Điều trớ trêu là trong 20 năm qua, khi cán cân quyền lực giữa Barca và Real tương đối cân bằng, và họ cùng nhau đoạt 6 chức vô địch Champions League với vai trò quan trọng của các cầu thủ nội, nhưng đội tuyển Tây Ban Nha vẫn chật vật tìm kiếm sự khẳng định, cho đến EURO 2008. Đó là giải đấu mà lần đầu tiên, đội tuyển Tây Ban Nha không giấu giếm việc sử dụng đội hình lẫn lối chơi của Barca làm nền tảng.

Nếu như trước đó, các cầu thủ của Real luôn đóng vai trò là ngôi sao chủ chốt của đội tuyển, nhưng Barca lại góp vai trò không kém quan trọng – thậm chí hơn – về số lượng tuyển thủ góp mặt, tạo ra một thế giằng co về quyền lực, sự chia rẽ bè phái không tránh khỏi. Nhất là khi mà 4 tờ báo thể thao chủ chốt của Tây Ban Nha cũng chia rẽ công khai thành 2 phe, thân Real (Marca và AS), và thân Barca (Mundo Deportivo và Sports).

EURO 2008 là lần đầu tiên Real hoàn toàn lép về, với chỉ 2 tuyển thủ Casillas và Ramos trong danh sách. Barca với 3 cầu thủ cũng không phải là CLB chiếm nhiều vị trí nhất (sau Valencia và Liverpool, 4 người), nhưng lại nắm vai trò chìa khóa trong lối chơi bằng cặp tiền vệ Xavi – Iniesta. Dù Casillas vẫn đeo băng đội trưởng, nhưng không còn là siêu quyền lực kiểu Hierro hay Raul ngày trước, Real không còn nắm vai trò thống soái, giúp “động viên” sự cống hiến của các cầu thủ Barca. Một lý do khác: các cầu thủ của Valencia, Liverpool và Villareal cũng chiếm vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội hình, khiến cho Tây Ban Nha trở thành một đội tuyển quốc gia thật sự.

Mới chỉ sau 2 năm, tính chất của đội tuyển Tây Ban Nha đã khác nhiều, nhưng sự lép vế của Real so với Barca vẫn được duy trì. Cả Barca và Real đã Tây Ban Nha hóa CLB của mình 2 năm qua, nên giờ đây họ giành lại vị thế áp đảo trong danh sách đội tuyển Tây Ban Nha. Trong sự áp đảo chung đó là địa vị nổi trội của Barca, với 8 cầu thủ. Lần này thì trải đều cả 3 tuyến, đều có vai trò quan trọng.

Khi cán cân nghiêng về Barca, cả các cầu thủ Barca và Real đều có động lực để cống hiến. Nhưng khi cán cân giữa Barca + Real với phần còn lại quá nghiêng về 2 siêu quyền lực của bóng đá Tây Ban Nha, chúng ta lại phải nghi ngờ về tính chất “đội tuyển quốc gia” của họ, và động lực của các cầu thủ thuộc phần còn lại.

Hồng Ngọc

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, mời quý vị độc giả tham gia góp ý kiến trên trang www.thethaovanhoa.vn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm