20 năm Văn học tuổi 20: Đường vẫn còn dài

15/09/2014 08:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Văn học tuổi 20 (VHT20) vừa kết thúc cuộc đua lần thứ 5 với định kỳ 4 năm diễn ra một lần. Người đoạt giải VHT20 cũng đồng nghĩa với việc đã mở được cánh cửa vào làng văn với tư thế “ngẩng cao đầu”. Tuy nhiên, VHT20 cũng là thách thức với những ai chọn văn chương như một sự nghiệp của đời mình.

VHT20 gần như là cuộc thi với các giải thưởng ít điều tiếng nhất hiện nay. Thường thì, một cuộc thi với luật chơi càng rõ ràng được “cầm cân” bởi một ban giám khảo công tâm thì chắc chắn cuộc thi đó sẽ khó xảy ra… thiên vị.

Từ bí mật đến hiển danh

Khác với các lần trước phải rọc phách những tác phẩm dự thi và chờ đến phút chót mới biết tác giả có tác phẩm vào chung khảo. Việc rọc phách cũng có cái hay khi các tác giả chuyên nghiệp hay mới viết đều mạnh dạn gửi tác phẩm ứng thí; và ban giám khảo cũng không chịu sức ép tâm lý từ những tác giả thành danh.

VHT20 lần thứ 5 hiển danh tất cả những tác giả và tác phẩm vào chung khảo. Chẳng những thế, tác phẩm vào chung khảo lại được in thành sách phát hành rộng rãi. Trước khi cuộc thi này trao giải, nhiều tác phẩm vào chung khảo đã được NXB Trẻ tái bản. Đây cũng chính là áp lực đè lên ban giám khảo khi chấm giải và cũng khiến nhiều tác giả đã thành danh “ngại ngùng” dự thi, bởi nếu dự thi đoạt giải thì không sao chứ nếu “trắng tay” thì hơi ê mặt.

Thế nhưng, bằng luật chơi “hiển danh” và in thành sách, VHT20 lần 5 đã đem lại kết quả bất ngờ khi chàng trai 9X Nhật Phi đoạt giải cao nhất với tác phẩm Người ngủ thuê. Trong khi đó, tác giả thành danh Nguyễn Ngọc Thuần chỉ về thứ nhì với tác phẩm Cơ bản là buồn dù lần thi trước, Nguyễn Ngọc Thuần đã đoạt giải ba.


Nhật Phi, gương mặt mới của 20 năm VHT20

Việc Nhật Phi (Hà Nội) đoạt giải nhất VHT20 lần 5 đã góp phần xóa tan một số nghi ngờ được “truyền miệng” lâu nay trong giới viết lách. Những nghi ngờ đó, chẳng hạn như: Cuộc thi VHT20 chỉ ưu ái các tác giả phía Nam. Bởi trong các lần thi, thì gần như các tác giả phía Nam đoạt giải cao nhất. Ví dụ, Nguyên Hương ở Đắk Lắk đoạt giải lần thứ nhất, Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau lần 2, Trần Thị Hồng Hạnh ở TP.HCM lần thứ 3 và Trương Anh Quốc quê Quảng Nam đang sinh sống tại TP.HCM đoạt giải lần thứ 4. Thiên hạ trong làng văn “truyền miệng” những nghi ngờ như thế là có cơ sở, dù thành phần ban giám khảo VHT20 gồm nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học uy tín đến từ cả ba miền.

Những xì xầm như thế về VHT20 chưa bật thành tiếng là vì giải thưởng này đã phát hiện ra nhiều tác giả mới, thậm chí là nhiều tác phẩm đầu tay đã đoạt giải cao nhất. Chẳng hạn như tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt của Nguyễn Ngọc Tư hay mới đây nhất là truyện dài đầu tay Người ngủ thuê của Nhật Phi. Ngoại trừ trường hợp tác giả Trương Anh Quốc, đã đoạt giải nhì VHT20 lần thứ ba, rồi kiên trì dự thi lần thứ tư và đoạt giải nhất.

Mỗi cuộc thi hay các giải thưởng văn học nói chung, giá trị giải thưởng có được người đọc tín nhiệm hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào “luật chơi”. Ở VHT20, luật chơi được minh bạch với một ban giám khảo công tâm, thì hẳn nhiên giải thưởng đó luôn tạo được niềm tin với công chúng và người viết, góp phần thúc đẩy người viết sáng tạo hơn nữa khi VHT20 khởi động cuộc thi mới.

Bệ phóng và áp lực

Như đã nói ở trên, nếu xem viết văn là một sự nghiệp sẽ theo đuổi suốt đời, thì đoạt giải VHT20 giống như đã mở được cánh cửa vào làng văn trong tư thế “ngẩng cao đầu”. Tuy nhiên, đoạt giải VHT20 vừa là “bệ phóng” nhưng cũng đồng thời là “áp lực” với tất cả người viết. Dù biết rằng văn chương không phải lúc nào cũng thường trực những tác phẩm hay trong mỗi người để cuốn sách sau hấp dẫn hơn cuốn trước và ngược lại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần sau hai lần dự thi VHT20 với hai giải ba và giải nhì, cho biết: cuộc thi này giúp anh bớt ảo tưởng về mình. Nguyễn Ngọc Thuần là một tác giả thành danh có nhiều đầu sách được đón đọc. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bất cứ tác phẩm nào của anh, trong khuôn khổ cuộc thi VHT20, cũng đều hay nhất. Việc một tác giả mới toanh như Nhật Phi, chàng trai này lại rất “xì-tin” đoạt giải nhất đã phần nào chứng minh lời Nguyễn Ngọc Thuần nói là chân thật.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, giám khảo VHT20 lần 5, cho biết: “Mỗi cuộc thi đều có tính chất nhất thời, còn viết văn là việc cả đời”. Do viết văn là việc cả đời nên dù đoạt giải VHT20 thì người viết cũng không thể lấy đó làm “đỉnh cao” của nghề viết; và từ đó, VHT20 càng là áp lực lớn với những người đoạt giải thưởng này. Chẳng hạn như Nguyễn Ngọc Tư đã tiến xa trong văn nghiệp từ bệ phóng VHT20. Nhưng chính Nguyễn Ngọc Tư lại là áp lực với những người từng đoạt giải nhất VHT20 như cô.

Có thể nói, 20 năm qua, VHT20 đã đóng góp rất lớn vào đời sống văn chương, trong đó có việc “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư. Dù rằng với tài năng của mình, Nguyễn Ngọc Tư cũng như nhiều nhà văn khác không cần đoạt giải VHT20 vẫn làm nên tên tuổi, song đoạt giải thưởng này sẽ giúp các tác giả khẳng định mình nhanh hơn. Nhiều người ví von, phong trào đổi mới cuối thập niên 1980 đã tạo cơ hội cho Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, thì VHT20 chính là cơ hội để Nguyễn Ngọc Tư từ chót mũi Cà Mau khẳng định và phát triển tài năng của mình.

“Nuôi dưỡng” người viết và người đọc

Phát hiện và phát triển một tài năng trong lĩnh vực nào cũng khó, bởi tài năng của con người không giống như bó rau con cá ở ngoài chợ càng không phải đầu tư bạc tiền là có được người tài. Những trường hợp như Nguyễn Ngọc Tư là “ngoại hạng” trong một giải thưởng như VHT20. Người đọc không thể đem cái “ngoại hạng” ra so với những trường hợp khác. Giống như các người đẹp từng đoạt vương miện hoa hậu, nhưng không phải người đẹp nào sau khi có danh hiệu cũng phát huy được tên tuổi của mình nhằm giúp ích cho đời. Đoạt giải VHT20 cũng như đoạt vương miệng hoa hậu vậy, dù biết rằng so sánh nào cũng khập khiễng.

Khi các phương tiện giải trí khác đang thắng thế, như ca nhạc hoặc phim ảnh, thì hẳn nhiên văn chương sẽ ít đi người đọc. Có thể nhận thấy điều này qua các con số 1.000 hoặc 2.000 cho mỗi đầu sách khi in. Người đọc văn chương hay người viết cũng cần được “nuôi dưỡng”. Phần nhiều các tác giả dự thi và đoạt giải VHT20 lâu nay, đều ít nhiều “cảm ơn” tuyển tập văn chương Áo trắng.

Đầu những năm 1990, xuất hiện khá nhiều tuyển tập văn chương ra định kỳ mỗi tháng một số hay bán nguyệt san như Áo trắng. Khi đó còn rất nhiều ấn phẩm dành cho tuổi mới lớn in các sáng tác của mình. Nhưng hiện nay, số tờ báo còn in thơ văn dành cho người viết mới rất ít, ngoại trừ các tạp chí thuộc các hội văn nghệ tỉnh. In sáng tác của người trẻ chỉ là một chuyện, để nuôi dưỡng tình yêu văn chương với người trẻ lại là chuyện khác.

Cũng vào những năm 1990, có rất nhiều bút nhóm trên cả nước sinh hoạt văn chương rất mạnh, kể cả các bút nhóm trong các tờ báo như Hoa học trò (bút nhóm Hương đầu mùa), Mực tím có Vòm me xanh. Mô hình bút nhóm yếu dần và tắt lịm ở nhiều nơi, cũng đồng nghĩa với không khí đọc và viết văn làm thơ đi vào im ắng. Còn chăng là các gia đình áo trắng vẫn được nhà văn Đoàn Thạch Biền gầy dựng ở khắp nơi gắn liền với tờ văn chương Áo trắng mà ông thực hiện trong hơn 20 năm qua.

Tại sao lại nói chuyện “nuôi dưỡng” người đọc và người viết trong bài này? Xin thưa, nếu không “nuôi dưỡng” thì sẽ không có người viết và không có người đọc, hoặc ngược lại không có người đọc thì viết làm gì?! Thậm chí trong tương lai, những giải thưởng uy tín như VHT20 sẽ còn ai tìm đọc. Điều này còn liên quan đến việc dạy và học văn trong nhà trường. Nhưng, như cuộc thi VHT20 tròn 20 năm, chuyện viết và đọc văn ở ta… vẫn còn dài.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm