23/06/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Nhắc đến GS-TS Hoàng Văn Hành, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), giới ngôn ngữ học nước nhà đến nay vẫn bàng hoàng không thể tin nổi mỗi khi nghĩ đến khoảnh khắc ông hụt tay lái xe máy ngã xuống đê quai làng Tình Quang bên bờ sông Đuống, từ giã cõi trần. Chiếc giày kiểu Biti's cũ sờn văng xuống chân đê còn đó…
Ông mất vào ngày 10/5 âm lịch năm Quý Mão (tức ngày 9/6/2003). Năm nay, ngày giỗ rơi vào 27/6/2023. Thấm thoắt, chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 20 năm ngày mất của ông.
"Trí thức làng chân đất"
Quê gốc làng Tình Quang, xã Giang Biên, nay là phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Sống ở làng, cậu thiếu niên Hoàng Văn Hành từ nhỏ đã gắn bó với làng quê bên bờ sông Đuống.
Lớn lên, trong kháng chiến chống Pháp anh thanh niên Hoàng Văn Hành phải xa nhà đi học ở trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), rồi trường Trung cấp Sư phạm Khu học xá Trung ương. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh bắt đầu dạy học từ năm 1954 -1960, rồi làm Hiệu trưởng, Trưởng Phòng Giáo dục Ty Giáo dục tỉnh Hòa Bình.
Năm 1961 - 1964 anh được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô trước đây. Về nước, Hoàng Văn Hành công tác ở Viện Ngôn ngữ học từ năm 1964 đến khi về hưu năm 2001.
Nhiều năm đi học, dạy học xa quê, song với Hoàng Văn Hành quê hương Tình Quang là nơi chốn đi về, là nơi nâng đỡ tinh thần mỗi lúc gặp khó khăn. Được Đảng và Nhà nước đào tạo, trở về làng, Hoàng Văn Hành trở thành người trí thức "nhiều chữ", nhưng ông sống dung dị, khiêm nhường nên được bà con làng Tình Quang gần gũi thân thiết gọi ông là "ông quan chân đất". Gặp ai trên đường GS Hành đều chào hỏi, niềm nở, thăm hỏi thân tình, dù người gặp mặt là ông lão chăn trâu, anh đánh xe bò hay người phụ nữ nghèo cả xóm coi là mõ làng...
Vốn yêu thơ phú, những ngày nghỉ có thời gian rảnh rỗi về làng ông thường tham gia sinh hoạt ở Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi hưu trí của làng. Ông sống giản dị như một "lão thực", có uy tín, tài đức vẹn toànnên được lãnh đạo xã và các cụ cao tuổi trong làng thường hay lui tới bàn bạc cách tu sửa đình chùa, còn bà con thì tìm đến ông hỏi ý kiến về đối nhân xử thế với họ mạc, xóm giềng, bao giờ ông cũng luôn sẵn lòng lắng nghe.
Không lâu trước ngày ông hụt tay lái xe máy ngã xuống đê quai làng, ông là một trong hai người cao tuổi đức độ được bà con mời thay mặt dân làng lên nóc đình làm lễ thượng lương. Hôm ông ngã xe máy một anh thanh niên làng Tình Quang nhà ở cạnh chân đê phát hiện thấy vội đưa ông đi cấp cứu, công việc xong xuôi rồi mới về báo cho gia đình bà Hồ, vợ ông biết. Người dân Tình Quang gắn bó với ông là thế, thân thiết như người nhà.
Đặt nền móng cho ngành ngôn ngữ học nước nhà
GS Hoàng Văn Hành là một trong số những chuyên gia có công lao đặt nền móng, xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học nước nhà, tác giả của hơn 100 công trình khoa học, có đóng góp to lớn vào công cuộc giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hoá tiếng Việt, hoạch định chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với tiếng nóivà chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Sinh thời, trong hoạt động nghiên cứu khoa học của mình, ba cụm chủ đề được Giáo sư đặc biệt quan tâm là: 1) Về từ tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam; 2) Những vấn đề thành ngữ, tục ngữ và ca dao trong tiếng Việt; 3) Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngôn ngữ và những vấn đề chính sách ngôn ngữ.
Mặc dù phải đầu tư khá nhiều thời gian cho công việc quản lýnhà nước ở một viện quan trọng, ông vẫn có kế hoạch dành thời gian cho nghiệp "cày xới"chữ nghĩa. Ông là người hay quan sát, mổ xẻ, bóc tách những hiện tượng ngôn ngữ xảy rahàng ngày xung quanh ông, để ý nhiều đến hiện tượng láy trong tiếng Việt được lựa chọn làm đề tài có thể triển khai thành luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) mà ông đã bảo vệ thành công năm 1981, để rồi 4 năm sau, từ luận án phó tiến sĩ, ông đã "nhả tơ" thành sách chuyên khảo Từ láy trong tiếng Việt (1985)- một trong hai chuyên luận đặc sắc của ông mà đến nay nghiên cứu sinh và học viên cao học vẫn coi là cẩm nang cần tham khảo khi đi vào địa hạt cơ cấu nghĩa từ láy tiếng Việt.
GS Hoàng Văn Hành được giới ngôn ngữ học nước nhà biết đến như một trong số ít những chuyên gia hàng đầu về từ vựng - ngữ nghĩa, về thành ngữ tiếng Việt. Hễ cứ nói đến thành ngữ, tục ngữ là ông chăm chú lắng nghe và luận bàn sôi nổi không biết chán. Không phải ngẫu nhiên mà ông đã đứng ra làm chủ biên hai cuốn Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ được bạn đọc cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước háo hức tìm đọc.
Mảng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngôn ngữ cũng được ông tâm đắc theo đuổi nhiều năm. Với 8 bài báo phân tích ngôn ngữ Hồ Chí Minh, cách nói, cách viết, việc mượn và dùng từ gốc Hán, viết gì, viết cho ai, viết như thế nào trong học tập phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, GS Hoàng Văn Hành đều đưa ra những kiến giải lý luận có giá trị, có ý nghĩa thực tiễn.
Cuối thập niên 90 thế kỉ trước, ông có nhiều công lao trong việc thành lập Hội Ngôn ngữ học Hà Nội vào tháng 11/1998 trước thềm Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tư cách là Chủ tịch đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, GS Hoàng Văn Hành đã tập hợp đồng nghiệp phối hợp với Khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học Ngôn ngữ và văn hóa: 990 năm Thăng Long - Hà Nội (2000) đề cập đến những vấn đề: Tiếng Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt, Tiếng Hà Nội với văn hóa Hà Nội trong giao tiếp ngôn ngữ của người Hà Nội trong gia đình, ngoài xã hội…
Nhà ngôn ngữ học có trái tim nhà thơ
Giáo sư Hoàng Văn Hành có vẻ ngoài từ tốn, hơi trầm lặng trong giao tiếp, song ông lại là người đa cảm. Những lúc trà dư tửu hậu, cánh trẻ trong làng Việt ngữ thường gọi ông là "nhà ngôn ngữ ngữ học có trái tim nhà thơ".
Quả vậy, ông đã từng làm thơ, để lại những bài thơ đầy cảm xúc, chạm đến những rung cảm của người đọc, thơ ông thường nói về mối quan hệ của con người với xã hội, với môi trường tự nhiên (Uống rượu dưới trăng thu); sự gắn bó với gia đình, vợ con khi xa nhà (Tuyết trắng, mây bay); tưởng nhớ Nguyễn Du, với cô gái Nga (Trước mộ Nguyễn Du,Huyền thoại cây quỳnh cành giao, Mắt xanh). Thơ ông là sự giãi bày nỗi lòng riêng trong mối quan hệ chung với cộng đồng, với bè bạn.
Đã 20 năm tròn kể từ ngày ông đi xa mà hình ảnh ông như vẫn đang đâu đó chuyện trò cùng chúng ta không chỉ qua những công trình khoa học ông để lại mà qua phong thái ứng xử rất mực con người với đồng nghiệp, với bạn bè, với gia đình vợ con, với bà con của quê hương Tình Quang thân thiết gắn bó với ông như người nhà.
Huyền thoại cây quỳnh, cành giao
THƠ HOÀNG VĂN HÀNH
Quỳnh thương giao trụi thân cành
Giao thương quỳnh mình lá quá mảnh mai
Tấm thương thấu đến tận trời
Động lòng trời kết thành đôi vĩnh hằng.
Suốt đời giao đứng giương cành
Cho quỳnh tựa lá nảy nhành sinh sôi
Vắng quỳnh giao tủi đơn côi
Thiếu giao, quỳnh thẹn đứng ngồi chông chênh...
Hoa quỳnh ưa nở đêm thanh
Ngát lừng hương, sắc trắng trinh ngọc ngà
Nở hoa đâu phải khoe hoa
Nở hoa vì nghĩa mặn mà quỳnh giao.
(1996)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất