Chủ tịch CLB Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đệ: Thành công cứ như cổ tích vậy

11/06/2011 18:53 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Bóng đá Thanh Hóa lúc nào cũng thấp thỏm cảnh cơm, áo, gạo, tiền. Năm nay, khi Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ cùng Hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, sân Thanh Hóa lại sống trong không khí lễ hội.

Chọn anh Hải là sáng suốt

* Ông có đồng ý đội bóng xứ Thanh xứng đáng là hiện tượng thú vị nhất ở mùa giải năm nay?

- Mọi thành công đều có cái giá của nó cả. Tất cả mọi người cũng thấy có thời kỳ bóng đá xứ Thanh rơi vào cảnh tan đàn, xẻ nghé như thế nào. Ngay đầu mùa giải chúng tôi xác định đây là mùa giải thử thách. Nhiều cầu thủ cũ Thể Công hết hợp đồng, chúng tôi phải chạy đua với lộ trình thành lập công ty cổ phần bóng đá, xây dựng tổ chức rồi lo kinh phí, huấn luyện viên... Mọi thứ dồn dập tới cùng một lúc, tôi và anh Tào Tuấn (một doanh nhân khác trong tỉnh - PV) chia nhau công việc để xây dựng lại ban bệ, cách thức hoạt động cho công ty, rồi kế hoạch xây dựng lối chơi, đội hình... Mọi thứ khó khăn là thế cuối cùng cũng đi vào quy củ, nề nếp. Thành công cứ như cổ tích vậy, tôi không tưởng tượng nổi.

* Vốn là người “ngoại đạo”, nhưng ông đang điều hành đội bóng thành công. Dân xứ Thanh mấy mùa rồi thèm khát thứ bóng đá cuồng nhiệt và quyến rũ từ đội nhà, hẳn ông cũng thơm lây từ thành công đó?

- Tôi không phải là một doanh nhân muốn thông qua bóng đá để kiếm quyền lợi này, món tiền nọ. Bởi nếu có ý đó, tôi đã bắt tay làm việc đó từ lâu chứ không phải bây giờ. Nhưng khi Hội doanh nghiệp tỉnh do tôi làm chủ tịch nhận chỉ thị từ tỉnh, tôi quyết tâm cải cách tới cùng. Đã làm gì cũng phải yêu cái mình làm, từ danh dự, bản sắc, tính cách cũng phải đậm chất Thanh Hóa. Tôi làm chủ tịch CLB nhưng không có một đồng lương nào từ CLB cả. Tôi làm Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Hợp Lực cũng nổi tiếng và đủ sống rồi. Sống như thế tôi mới có thể nói được cầu thủ trong đội chứ.

* Ông thấy sao khi khán giả là tài sản vô giá, sức mạnh từ người hâm mộ giúp Thanh Hóa vô cùng đáng sợ trên sân nhà?

- Tôi xin cảm ơn tấm lòng và sự yêu mến của khán giả tỉnh nhà. Bởi nhiệm vụ xây dựng đội bóng đá tốt cũng là nhiệm vụ chính trị, phục vụ món ăn tinh thần cho nhân dân. Tôi thấy tự hào khi sân Thanh Hóa không bao giờ thừa một hàng ghế. Ngay sân khách cũng vậy, người hâm mộ cũng nô nức vượt đường xa cổ vũ. Bóng đá cần cổ động viên và họ giúp cho chúng tôi thêm thăng hoa và duy trì nhiệt huyết mỗi khi bước ra sân đấu. Và thành công của chúng tôi mùa giải năm nay cũng có một phần không nhỏ từ khán đài. Đó là sự thừa nhận thực sự chứ không hề đãi bôi từ một người như tôi.

* Thành công năm nay không thể thiếu bóng dáng huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Ông nghĩ ông Hải “lơ” chiếm bao nhiều phần trăm cho sự vươn lên bóng đá Thanh Hóa?

- Thú thực thời gian cải tổ đội bóng, quyết định người cầm cương trên ghế chỉ đạo khiến tôi đau đầu nhất. Rất nhiều lời giới thiệu nhưng tôi thấy anh Hải là người phù hợp nhất. Kinh nghiệm trải qua nhiều môi trường, hiểu hết tâm ý cầu thủ lại là người có cá tính, rất phù hợp sự cải cách của tôi ở Thanh Hóa. Tôi đi tới một quyết định chưa có tiền lệ ở V-League, để HLV Lê Thụy Hải kiêm nhiệm vai trò giám đốc điều hành.

Nhờ một kênh như thế, anh Hải an tâm vấn đề chuyên môn và quyết định mọi thứ ở hậu trường đội bóng. Chứ không nội tình lại hỗn loạn vì đủ thứ thông tin, kiểu gì cũng nát. Thành công nào cũng cần người đầu tàu và tôi nghĩ anh ấy có công hoàn toàn trong sự trưởng thành của đội nhà. Có lẽ việc chọn anh Hải là quyết định đúng đắn nhất của tôi khi nhảy vào làm bóng đá.

Thân này ví xẻ làm đôi

* Vừa làm chủ tịch CLB, lại quán xuyến cả một công ty lớn, ông phân bổ công việc ra sao để vẹn cả đôi đường?

- Thời điểm này chúng tôi vẫn phải đầu tư để giúp đội bóng có nguồn kinh phí ổn định. Đòi hỏi các đội bóng Việt Nam tự tồn tại bây giờ là không thể. Nên việc xây dựng nguồn kinh phí là bắt buộc, song về lâu dài, đội bóng cũng cần phải có định hướng để tự tồn tại. Tôi thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh cũng nên tạo điều kiện CLB tự sản xuất để nuôi sống nó. Ngay thời buổi lạm phát kinh tế, tôi vẫn đang làm Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Hợp Lực có trách nhiệm nuôi sống hàng ngàn người. Chưa kể lộ trình cho doanh nghiệp Thanh Hóa trụ vững ở địa bàn tỉnh và vươn ra các tỉnh khác. Bóng đá cũng là phần quan trọng và chiếm nửa thời gian của tôi. Tôi phải làm việc tới nửa đêm để phê duyệt công văn, ký giấy tờ. Mệt mỏi nhưng vui khi mọi việc vẫn trôi chảy.

Ông Nguyễn Văn Đệ (phải) cùng ông Lê Thụy Hải đang ra sức giúp bóng đá Thanh Hóa vươn lên

* Thời gian rồi có tin ông dùng súng để ngăn cản côn đồ, một cách thể hiện bản lĩnh và chất đàn ông của ông. Ông nghĩ làm thủ lĩnh bóng đá cần tố chất đó?

- Trước khi chuyển qua làm kinh doanh, tôi từng được đào tạo trong môi trường sĩ quan công an. Dù đã nghỉ hưu dăm năm nay, nhưng thấy điều sai trái đập vào mặt tôi không thể đứng im. Ngay vụ bắn súng chỉ thiên vừa rồi trước bệnh viện của công ty cổ phần Hợp Lực, một chàng thanh niên bị nhóm côn đồ truy sát tới cùng. Tôi sợ tính mạng chàng thanh niên bị nguy hiểm nên đã trấn uy. Hành động ấy không bột phát mà có tính toán kỹ. Thời gian trước tự tay tôi từng trấn án kẻ cướp trên xe khách hay giúp lực lượng công an phá án. Điều đó là phận sự mỗi công dân để giúp tình hình an ninh đảm bảo. Ngay bóng đá tôi cũng tâm niệm mình là công dân Thanh Hóa, phải góp chút gì đó, vậy thôi.

* Năm nay, kinh phí lẫn tiền thưởng của Thanh Hóa không phải là nhỏ. Nó giúp cho các cầu thủ không bị phân tán và mất đi động lực?

- Tiền thưởng nhiều hay ít chưa hẳn quan trọng. Đúng là chúng tôi đổ ra hàng chục tỷ để giữ vững thành quả đã có. Chúng tôi thưởng đâu lớn mà phải kịp thời và đúng lúc, nhất là sự quan tâm vỗ về từ ban lãnh đạo tới từng cá nhân rất quan trọng. Cầu thủ ta cũng có ý thức rất khác. Ngay khi tỉnh nhà có khó khăn, các cầu thủ đã nhiều lần trích lương thưởng để đóng góp chung tay vì nhân dân. Nhìn thế để thấy chúng tôi đã thay đổi rất nhiều tinh thần cầu thủ trong thời gian qua. Cầu thủ cũng là chiến sĩ, phải giải quyết khâu tư tưởng mới có thể an tâm ra sân chiến đấu được.

* Thanh Hóa là đội bóng trẻ, ông không lo cầu thủ thành công quá sẽ rơi vào tự mãn và sa đà vào ăn chơi, đánh mất mình như nhiều trường hợp khác ở V-League sao?

- Thanh Hóa như một gia đình, chúng tôi rất quan tâm tới các em khi họ tập trung hay khi rời khỏi đội. Việc điều chỉnh cầu thủ khỏi những tác động sau thành công là điều chúng tôi đã tính tới. Nhưng bản thân các cầu thủ cũng phải tự giữ mình. Họ đều lớn và có khả năng lựa chọn cuộc sống, hướng đi cho chính mình, thử thách từ cuộc sống rất ngặt nghèo, bất cứ ai cũng có thể hỏng nếu bản lĩnh kém.

* Thành công đã khó, việc giữ được thành quả còn khó hơn. Ông đã có dự định nào để ngăn chặn nguy cơ chảy máu lực lượng từ ban huấn luyện tới cầu thủ?

- Không ai được hài lòng với kết quả đã có. Ngay từ lúc này chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn kinh phí để hoạt động mùa sau. Riêng huấn luyện viên Lê Thụy Hải ký hợp đồng 3 năm và rất tâm huyết với sự đi lên của bóng đá Thanh Hóa. Cùng với đó chúng tôi cũng đang kiện toàn việc xây dựng cơ sở vật chất, khu tập luyện và lực lượng trẻ kế cận. Ngay số trụ cột cũng được đưa vào biên chế để an tâm công tác và cống hiến. Trường hợp Đình Tùng cũng thế, Tùng sẽ ở lại. Nhiều cầu thủ xứ Thanh cũng muốn trở về.

Thanh Hóa sẽ có ngày vô địch

* Vị trí hiện tại của Thanh Hóa không cách quá xa vị trí vô địch. Ông có mơ đưa cúp vô địch V-League về sân Thanh Hóa khi tiếp nhận đội bóng chưa?

- Tôi xác định rõ ràng rằng Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Nhiệm vụ phải giải quyết qua từng trận và chúng tôi cố gắng có vị trí cao nhất. Đó có thể là ngôi vô địch nếu cơ hội tới tay. Trong đời hay kinh doanh cũng chỉ tới vài lần, không tận dụng cơ hội thì ân hận cả đời. Chúng tôi khát khao thành công nhưng cũng tự lượng sức mình. Thành công không thể ăn xổi mà cần sự đầu tư lâu dài, khoa học. Cứ phấn đấu trụ hạng, có huy chương để nhân dân tỉnh nhà vui là được rồi.

* Thanh Hóa là đội bóng thứ hai cùng Sông Lam Nghệ An giữ nguyên tên. Vì sao ông quyết định giữ nguyên tên đội nhà, dù nhiều doanh nghiệp khác đều bắt buộc gắn tên mình lên phiên hiệu mỗi khi tiếp nhận đội nhà?

- Người ta thường nói “bầu” bóng đá nhảy vào đều có dụng ý riêng. Tôi với Hội doanh nghiệp tỉnh vào cuộc khi tình cảnh bóng đá tỉnh nhà bi đát. Dù sao bóng đá xứ Thanh cũng đã có bề dày đáng tự hào. Giữ tên như cũ là ghi nhận cá tính xứ Thanh không bị lẫn tạp chất. Chúng tôi không có ý tơ hào bất cứ điều gì, ngay bảng quảng cáo trên sân cũng không có một bảng nào từ công ty của tôi cả. Tôi xác định làm cho dân vui và họ tới sân. Còn chuyện để tên đâu quan trọng, cứ làm tốt thì nhân dân tự ghi nhớ sự đóng góp của doanh nghiệp. Không phải cứ phô trương là thành công, quan điểm làm bóng đá và kinh doanh của tôi là thế.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!

Mộc Miên(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm