Bộ phim vinh danh nước Nhật trên bản đồ điện ảnh thế giới

23/03/2010 08:14 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Điện ảnh Nhật Bản vĩ đại, và lẫy lừng nhất châu Á. Những thành tựu của điện ảnh Nhật Bản trên bình diện quốc tế xưa nay đều khiến các cường quốc điện ảnh thế giới như Mỹ, Ý, Anh, Pháp… phải nghiêng mình bái phục không kém những bước tiến thần kỳ của nước Nhật trong việc chinh phục kinh tế toàn cầu.

>> Chuyên đề: Những bộ phim đi cùng năm tháng Oscar

Tất cả khởi nguồn từ một bộ phim…

Kẻ chết đuối vớ được cọc!

1950, nước Nhật - 5 năm sau thế chiến thứ hai - vẫn còn oằn mình trong đống đổ nát, hoang tàn… Cả một dân tộc phải ngụp lặn trong muôn ngàn gian khó…

1951, một phái đoàn của công ty quảng cáo Unitalia Film (Ý), sang Nhật để chọn một phim chiếu tại LHP Venice - với mục đích nhằm đa dạng hóa màu sắc cho LHP. Người đứng đầu phái đoàn chọn phim là giáo viên người Ý Giuliana Stramigioli. Ông đưa ra đề nghị kỳ quặc với Hãng phim Daiei - sản xuất phần lớn phim tại Nhật lúc bấy giờ - chọn cho họ xem một bộ phim hay nhất và một bộ phim dở nhất trong năm qua của hãng. Rashomon được giới thiệu ở “hạng mục” phim dở nhất!

Sau khi xem xong, Giuliana khiến hãng Daiei bất ngờ khi chọn Rashomon - bộ phim mà họ đã gần như ném vào sọt rác! Cả hãng Daiei lẫn chính quyền Nhật Bản đều không đồng ý với sự lựa chọn của Giuliana với cái cớ “Rashomon chưa đủ tư cách đại diện cho nền điện ảnh Nhật” và đề xuất ông chọn một phim của đạo diễn Yasujiro Ozu sẽ mang tính điển hình hơn về sự xuất sắc của điện ảnh Nhật. Thậm chí họ còn nghi ngờ động cơ chọn phim của Giuliana là nhằm bêu xấu hình ảnh nước Nhật với thế giới! Nhưng tất cả đều phải chào thua trước sự kiên định của Giuliana: “Hoặc Rashomon hoặc không chọn phim nào!”

Số phận hiu hắt

Kịch bản Rashomon được viết kết hợp từ 2 truyện ngắn Rashomon (Lã Sanh Môn - 1914)In a Grove (Chuyện trong rừng trúc - 1922) của tác giả Ryunosuke Akutagawa. Trong đó Rashomon được dùng là bối cảnh trung tâm, còn In a Grove là tuyến nhân vật và chuyện phim.

Trước khi thực hiện Rashomon, đạo diễn Kurosawa đã làm được 10 phim, và bị đánh giá là kẻ kém tài nhất trong số những đạo diễn của thế hệ ông, bởi chẳng có phim nào thu hút khán giả! Ban đầu hãng Daiei từ chối kịch bản Rashomon vì cho rằng chuyện phim quá rối rắm và lẩm cẩm. Nhưng rồi “mủi lòng” trước sự kiên trì của Kurosawa, hãng ban cho ông ơn huệ với kinh phí chỉ 250.000 USD để làm phim này. Phim được quay hầu hết trong phim trường của Daiei.

Bộ phim xoay quanh một vụ án: Vợ của một Samurai bị tên cướp Tajomaru hãm hiếp trong rừng. Hiện trường để lại là xác người Samurai bị một thanh gươm đâm vào ngực. Sự kiện được kể lại trước công đường qua bốn lời khai khác nhau của người trong cuộc và nhân chứng: tên cướp Tajomaru, Massago - người vợ bị hãm hiếp, người chồng Samurai đã chết (nhập hồn về kể qua bà đồng cốt), và người tiều phu - nhân chứng duy nhất tại hiện trường. Cả bốn lời khai về một sự việc lại không giống nhau, khiến cho khán giả như lạc vào mê cung, không biết lời khai nào là sự thật…

Đúng như dự đoán của hãng Daiei, bộ phim là một thảm họa ở phòng vé! Thất bại nặng nề về mặt doanh thu chỉ là một phần, cay đắng nhất với Kurosawa là không ai hiểu được chuyện phim. Rashomon “đứng đầu bảng” danh sách phim dở nhất trong năm. Còn Kurosawa tội nghiệp thì vì quá xấu hổ nên về quê lánh mặt một thời gian… câu cá giải sầu!

Và chinh phục thế giới

Tại LHP Venice 1951, Rashomon gây chấn động bởi cách kể chuyện hết sức hiện đại, hấp dẫn và mới mẻ. Bởi thời điểm này, lối kể chuyện theo phong cách cổ điển vẫn chiếm ưu thế. Sự cách tân của Rashomon như một làn gió mới làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của phương Tây về sức sáng tạo, tính thẩm mỹ và cảm nhận nghệ thuật từ một xứ sở châu Á xa lạ. Thế là chỉ mới vượt biên giới lần đầu, Rashomon đã lập tức giành được giải Sư tử vàng Venice 1951 một cách thuyết phục, mang vinh dự quốc tế đầu tiên về cho điện ảnh Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, Rashomon tiếp tục vượt đại dương sang Mỹ và đoạt tiếp giải Oscar danh giá cho Phim nước ngoài hay nhất năm 1951.

Sự kiện này làm nước Nhật bối rối bởi họ đối xử quá tệ với bộ phim. Những kẻ trước đây phản ứng Rashomon và đạo diễn Kurosawa dữ dội nhất, thì nay bắt đầu tán dương ngược lại. Giới phê bình thủ cựu thì bực dọc, một số người thậm chí còn kết tội Rashomon bôi nhọ nước Nhật bằng những hình ảnh lạc hậu, hèn kém, làm tổn thương tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật. Họ quả quyết rằng lý do bộ phim được hâm mộ và thành công ở phương Tây vì nó là “kẻ ngoại lai” và vì nó… “Tây” hơn hầu hết các bộ phim Nhật?!

Trả lời cho những nhận định cay nghiệt đó, đạo diễn Akira Kurosawa đã phải chua xót thốt lên: “Người Nhật đánh giá quá thấp về tài sản của chính mình!”. Nhưng điều quan trọng nhất là sau những thành công quốc tế lớn lao của Rashomon, Kurosawa vẫn tiếp tục làm phim và trở thành một tượng đài bất tử của điện ảnh thế giới, xứng đáng với danh hiệu “Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản”.

Giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao

Không thể kể hết những giá trị nghệ thuật lớn lao mà Rashomon đã để lại cho thế giới điện ảnh. Trước nhất là kết cấu kịch bản vô cùng khéo léo, cấu trúc tự sự độc đáo và kỹ thuật sử dụng hồi tưởng lồng trong hồi tưởng của Kurosawa đến giờ thế giới vẫn còn sử dụng.

Thuật ngữ “rashomon” trong tâm lý học cũng đã ra đời từ chính bộ phim này (trong tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ khác) nhằm để mô tả những trường hợp không thể tìm ra được sự thật, bởi có quá nhiều lời khai mâu thuẫn hoặc những bằng chứng trái ngược nhau.

Nghệ thuật sử dụng ánh sáng tự nhiên trong phim được các nhà làm phim phương Tây rất ngưỡng mộ. Nhà quay phim Kazuo Miyagawa là một trong những người hiếm hoi trên thế giới dám quay trực tiếp vào mặt trời. Những cảnh trong rừng ánh sáng tự nhiên quá yếu, ông đã giải quyết vấn đề bằng cách dùng nhiều tấm gương đặt rải rác để phản chiếu ánh sáng tỏ nhiên, làm cho ánh nắng mạnh trông như thể nó đi qua những cành cây, và chiếu vào diễn viên.

Đạo diễn kỳ cựu Robert Altman rất ngạc nhiên trước cách sử dụng ánh sáng trong phim. Ông khen ngợi cách Kurosawa sử dụng ánh sáng “lốm đốm” trong suốt bộ phim - điều này tạo cho các nhân vật và bối cảnh thêm sự mơ hồ. Nhà phê bình Tadao Sato cho rằng Rashomon đã sử dụng ánh sáng mặt trời một cách khác thường để tượng trưng cho điều ác và tội lỗi trong phim. Để quay cảnh mưa lớn trong phim, Kurosawa phải dùng nước pha với mực tàu vì ống kính camera thời ấy không thể nắm bắt cảnh mưa nếu chỉ sử dụng nước bình thường.

Tư tưởng và tinh thần của Rashomon là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh khác trên thế giới sau này. Năm 1964, Hollywood thực hiện bộ phim cao bồi The Outrage do Paul Newman, Claire Bloom và Edward G. Robinson thủ vai chính, hoàn toàn dựa theo cốt truyện của Rashomon. Phim Hero (Trương Nghệ Mưu), Vantage Point (Pete Travis), Courage Under Fire (Edward Zwick), One Night at McCool’s (Harald Zwart)… và nhiều series truyền hình khác cũng đều đi theo kết cấu kể chuyện của Rashomon.

Trước và sau Thế chiến thứ hai, chẳng ai biết điện ảnh Nhật Bản như thế nào. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ Rashomon.

Trước và sau Thế chiến thứ hai, chẳng ai biết điện ảnh Nhật Bản như thế nào. Từ sau thành công quốc tế của Rashomon, các đạo diễn Nhật Bản đã mạnh dạn đưa phim của mình ra nước ngoài thi thố và đạt được rất nhiều thành công, khiến phương Tây phải kính nể.


Thông điệp của bộ phim có lẽ là điều khiến khán giả phải day dứt mãi sau khi xem. Đó là ranh giới mong manh về tính bản thiện của con người. Người kể chuyện chưa phải là người biết hết tất cả, anh ta chỉ biết một phần của sự thật. Con người, kể cả người đã chết, không ai trung thực với sự thật. Tất cả đều che giấu sự thật theo cách có lợi nhất cho mình. Hay như lời nhà sư nói trong ngôi đền Rashomon đổ nát: “Con người sẽ mãi mãi không thể tìm thấy được sự thật, bởi sự yếu đuối và ích kỷ của chính mình”.

Thông điệp ấy đã được phát đi từ cách đây 60 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm