15 năm bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ Bắc Ninh

17/10/2024 11:34 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 30/9/2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước 2003, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực hiện cam kết với UNESCO, 15 năm qua, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.

Văn hóa Quan họ: vẹn nguyên nét đẹp vùng Kinh Bắc

Ai đã một lần đặt chân đến vùng quê Kinh Bắc, mảnh đất Bắc Ninh chắc hẳn đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của miền đất nơi đây, nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian với nhiều công trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc. Nhắc tới Bắc Ninh, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc sản đồng quê bình dị, mà còn được thưởng thức nét độc đáo của người quan họ trong câu hát mượt mà, đằm thắm.

Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ.

Nét độc đáo của Quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hoà quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị. Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người Quan họ - Bắc Ninh. Quan họ mang trong câu hát nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc nên đã trở thành một "đặc sản văn hóa" luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh ở nơi đây. Dân ca quan họ tuy không ồn ã, náo nhiệt, nhưng lại là một nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế.

So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương... thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm). Điều đó đã chứng minh hát quan họ là một nét văn hóa bản địa không những không bị phong kiến phương Bắc đồng hóa, đánh mất, mà ngược lại vẫn phát triển nhờ bản sắc riêng và sức sống của nó trong lòng người dân vùng Kinh Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ, hiện nay Bắc Ninh có tất cả 44 làng duy trì được lối chơi văn hóa quan họ với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng, vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.

Nền văn hóa quan họ là do các lối chơi quan họ của cộng đồng xây dựng nên, luôn luôn được cộng đồng sàng lọc trong dòng chảy lịch sử. Việc khôi phục và bảo tồn những tinh hoa, bản sắc độc đáo, đậm đà nhất trong nền văn hóa quan họ là phải khôi phục và bảo tồn kho tàng bài bản của quan họ, cách hát, kỹ thuật hát quan họ (quan họ cổ) và cuối cùng là lối chơi quan họ.

Quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; còn hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. "Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức "cái tình" của bạn hát.

Nuôi dưỡng đam mê, duy trì sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Ảnh 1.

Các liền chị Quan họ giao lưu theo hình thức hát đối đáp. Ảnh: Thanh Thương

Dù cuộc sống ngày càng đô thị hóa, nhưng bây giờ về miền quan họ, bạn vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông vẫn ẩn chứa tình người quan họ. Và dù thời gian có trôi đi, thì câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Sức sống bền bỉ, trường tồn của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu với du khách.

Đến với Bắc Ninh, ngoài việc được hòa vào không khí văn hóa quan họ, bạn còn được những liền anh liền chị mời miếng trầu têm cánh phượng như trong truyện cổ của cô Tấm xinh đẹp. Bên cơi trầu, cuộc sống và văn hóa quan họ xứ Kinh Bắc càng đậm đà bản sắc, thấm đượm tình người. Và cho đến khi bạn ra về, tạm biệt Bắc Ninh, chia tay với các liền anh, liền chị, bạn vẫn thấy vị trầu nồng đượm, giai điệu da diết, ngọt ngào của bài hát "Người ơi, người ở đừng về" níu bước chân.

Phát triển mạnh trong cộng đồng

Như thường lệ, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du lại tổ chức sinh hoạt. Các "liền chị nhí" mặc áo tứ thân, khăn mỏ quạ, "liền anh" mặc áo the khăn xếp, được Ban Chủ nhiệm uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói, bồi dưỡng văn hóa Quan họ. Đây cũng là minh chứng khẳng định Dân ca Quan họ như mạch nguồn chảy mãi qua các thế hệ người dân Bắc Ninh.

Em Nguyễn Hải Yến, Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn chia sẻ, em học hát Quan họ ở câu lạc bộ được 2 năm. Em được dạy các làn điệu Quan họ, được học về lề lối, trang phục, văn hóa Quan họ. Đặc biệt, em tham gia cùng các bà, các cô biểu diễn Quan họ tại Hội Lim, tận mắt chứng kiến tình cảm của khán giả, người yêu Quan họ càng giúp em thêm tự hào, gắn bó với di sản của quê hương nhiều hơn. Đến nay, mỗi khi sinh hoạt tại trường, lớp, em rất tự tin biểu diễn loại hình dân ca này.

Chị Nguyễn Thị Nguyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ măng non xã Hoàn Sơn cho biết: Câu lạc bộ ra đời năm 2015, được tách ra từ Câu lạc bộ Quan họ trung, cao tuổi (thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn) do chị đứng ra làm chủ nhiệm. Mặc dù câu lạc bộ không phải ở làng Quan họ gốc hay làng Quan họ thực hành, nhưng với tình yêu dân ca cùng với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, đến nay, các thành viên đều thành thục hàng chục làn điệu.

Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, câu lạc bộ thu hút hơn 30 thành viên từ 4-17 tuổi. Các em đều có niềm đam mê Quan họ nên cùng sinh hoạt trong “mái nhà chung”. Sự ra đời của Câu lạc bộ Quan họ măng non và ngày càng phát triển là một mô hình hiệu quả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu dân ca trong thế hệ trẻ, đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong bảo tồn, lan tỏa Quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng.

Nuôi dưỡng đam mê, duy trì sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Ảnh 2.

Liền chị "nhí" duyên dáng trong bộ áo tứ thân biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Hội Lim, huyện Tiên Du. Ảnh: Thanh Thương

Từ 44 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ Quan họ vào năm 2009, đến nay Bắc Ninh đã có 150 làng Quan họ thực hành, trên 600 câu lạc bộ Quan họ với hơn 10.000 hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Điều đó khẳng định giá trị to lớn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng đã gây dựng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Câu lạc bộ Quan họ Khu phố Suối Hoa, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh cho biết bà đã tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ 5 năm. Ban đầu từ việc chưa biết hát, đến nay bà đã hát được hàng chục làn điệu. Tuần nào cũng đến tối thứ Bảy, Chủ nhật, bà lại cùng các thành viên say sưa ôn lại làn điệu cũ và học thêm các làn điệu mới. Cứ như vậy, tình yêu Quan họ đã ươm mầm, phát triển trong cộng đồng. Người cũ dạy cho người mới, các thành viên trong câu lạc bộ đều thành thạo, tự tin đi biểu diễn Quan họ không chỉ trong khu mà còn giao lưu với các câu lạc bộ khác.

Bảo tồn, phát huy

Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí cho câu lạc bộ Quan họ gốc 30 triệu đồng/lần/năm; làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm. Đây là hành động thiết thực nhằm giải quyết vấn đề kinh phí cho các câu lạc bộ mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên với những người gìn giữ di sản.

Nuôi dưỡng đam mê, duy trì sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Ảnh 3.

Biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh. Ảnh: Thanh Thương

Một lực lượng quan trọng trong bảo tồn Dân ca Quan họ là các nghệ nhân, người "truyền lửa", "linh hồn" trong các câu lạc bộ Quan họ. Hầu hết, họ đã có tuổi nhưng tình yêu Quan họ vẫn luôn đầy nhiệt huyết. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh, Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá, thành phố Bắc Ninh cho biết: Bà có hơn 80 tuổi đời với hơn 70 năm gắn bó với Quan họ Bắc Ninh. Quan họ như một phần cuộc sống của bà. Nhờ tình yêu Quan họ, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, bà cùng một số người yêu Quan họ phục dựng Quan họ Đương Xá vào năm 1994. Ban đầu, câu lạc bộ có 12 thành viên, trải qua hơn 30 năm, câu lạc bộ đã thu hút 60 thành viên với 3 thế hệ cao tuổi, trung tuổi và măng non.

Với vai trò nghệ nhân truyền dạy, hạt nhân của câu lạc bộ, mặc dù tuổi đã cao nhưng không buổi sinh hoạt nào bà không ra. “Mỗi buổi các em sinh hoạt thì mình phải ra uốn nắn các em cách buông câu nhả chữ cho vang, rền, nền, nảy. Đến nay, những người gìn giữ làn điệu cổ không còn nhiều, mỗi buổi sinh hoạt, tôi thường truyền dạy những làn điệu cổ, khó; đồng thời sáng tác thêm bài mới mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Qua đó, làm giàu thêm vốn Quan họ giúp Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Kim Quýnh nói.

Nuôi dưỡng đam mê, duy trì sức sống mãnh liệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Ảnh 4.

Hát Quan họ trên thuyền rồng. Ảnh: Thanh Thương

Đánh giá về bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp khẳng định: Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống; đã thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung cam kết với UNESCO.

Bắc Ninh cũng là một địa phương đi đầu cả nước về sự quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều chính sách của tỉnh có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các câu lạc bộ Quan họ tiêu biểu.

Bên cạnh đó, tỉnh dành nhiều kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, trang thiết bị liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ. Đó là nguồn khích lệ các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; động viên nghệ nhân kế cận tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều đó một lần nữa khẳng định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ là đúng hướng, tạo nên sự trường tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm