Cuộc “kết duyên” giữa piano và Tuồng cổ

24/11/2008 11:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 20.12, khán giả Hà Thành sẽ được chứng kiến cuộc “kết duyên” giữa Tuồng cổ và nhạc thính phòng trong Lửa thiêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhạc sĩ của chương trình là Đặng Tuệ Nguyên, tác giả của tác phẩmImpromtu sáng tác cho Cello và Piano công diễn tại phòng hòa nhạc lớn ở Seoul cùng 9 tác phẩm khác của các nhà sĩ trẻ Châu Á cách đây 6 năm. Anh cũng là tác giả của sự kết hợp giữa âm nhạc thính phòng - giao hưởng với các bài dân ca cổ các vùng miền như: Hò mái nhì (ca Huế), Hát cọi (dân ca Tày) tại festival Huế 2006.

Với Lửa thiêng, Đặng Tuệ Nguyên muốn cùng nghệ sĩ piano Phó An My đưa người nghe bước vào không gian của một bức tranh lớn với những mảng màu khác nhau, lúc đối lập, lúc lại giao hòa. TT&VH đã trao đổi với anh:
 
Đặng Tuệ Nguyên (phải)
* Nếu là kết hợp giữa piano và các hình thức nghệ thuật khác thì khán giả VN đã từng được chứng kiến tài nghệ của nghệ sĩ piano Takimoto biểu diễn cùng trống Nhật Bản và Kinh kịch Trung Hoa. Anh là một người luôn hướng đến sự thuần Việt, vậy sự kết hợp giữa nhạc thính phòng và Tuồng cổ trong Lửa thiêng có gì lạ?

- Tôi luôn đánh giá Tuồng là nghệ thuật sân khấu mang tính bác học cao, tính tư tưởng lớn. Nó có thể đứng cạnh và song đôi với âm nhạc thính phòng - giao hưởng của phương Tây (ở đây là sự giao hòa giữa hai nền văn hóa).

Ý tưởng kết hợp với tuồng đã có trong tôi từ năm 2005, sau khi tôi viết thử nghiệm với các bài dân ca cổ các vùng miền biểu diễn tại Festival Huế 2006 và được GS Trần Văn Khê đánh giá cao. Vì thế, có thể hiểu Lửa thiêng là cách làm phá cách, một sắp đặt mới giữa các mảnh tuồng nguyên vẹn với lối diễn truyền thống từ hoá trang, phục trang, đạo cụ, giọng hát, làn điệu đến động tác diễn... và âm nhạc sáng tác theo ngôn ngữ bác học cho cây đàn piano. Mặc dù có diễn xuất và có cảnh diễn song âm nhạc là chủ đạo. Người xem có thể cảm nhận như có hai chủ thể nghệ thuật được lồng ghép vào nhau, nâng đỡ nhau và không phá nhau.

Vì vậy nó không phải là “Tân cổ giao duyên”, càng không phải là nhạc nền cho Tuồng mà là đối thoại, là sắp đặt giữa các chỉnh thể nghệ thuật nhằm tạo ra một dòng sản phẩm nghệ thuật mới, cảm xúc thẩm mỹ mới.

* Những trích đoạn tuồng cổ nào được anh chọn để kết hợp trong Lửa thiêng?

- Đó là ba cảnh trong kịch bản Lửa thiêng của nhà biên kịch Lương Tử Đức, phóng tác từ vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn. Lửa thiêng là câu chuyên về cha con Tạ Ngọc Lân và cha con Triệu Văn Hoán, về đức tin, về lòng trung quân ái quốc, về sự phản trắc và những mưu mô phản nghịch đã được nghệ thuật Tuồng diễn giải và đẩy tới mức bi hùng của kịch nghệ Tuồng truyền thống.

* Còn phần nhạc?

- Tác phẩm gồm 4 phần: Khúc nhạc khởi (ouverture); Cha và con; Hoàn tục cứu nước và Lửa thiêng. Chương trình có sự tham gia của đạo diễn sân khấu tuồng , NSND Hoàng Khiềm; biên đạo múa - NSND Công Nhạc; các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam và nghệ sĩ Piano Phó An My.

* Phó An My đã từng thể hiện thành công những sáng tạo phá cách của anh ở Fesival Huế. Phải chăng vì thế mà anh tiếp tục chọn nghệ sĩ này thể hiện phần nhạc ở Lửa thiêng?

- Phó An My là nghệ sĩ piano luôn muốn làm mới chính mình. Chúng tôi đã kết hợp với nhau ở Festival Huế 2006 &2008. Phong cách mang tính ngẫu hứng cao của My đã đưa đến sự đồng cảm giữa nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn. Đó là điều rất đáng suy trong nghệ thuật.

Với Lửa thiêng, Phó An My rất hào hứng. Chúng tôi gặp nhau trong ý tưởng tạo ra một sắp đặt nghệ thuật âm nhạc mới bằng phương pháp giao thoa giữa hai ngôn ngữ, hai phương pháp tư duy âm nhạc tưởng chừng không thể dung hòa: Phương pháp sáng tác đa thanh, đa điệu tính hàm chứa chiều sâu cảm xúc và tư duy đa chiều được thể hiện trên những phím đen trắng của cây đàn piano và phương pháp tư duy đa cảm, bẻ làn nắn điệu, đơn thanh đa sắc của âm nhạc tuồng truyền thống. Đây là tác phẩm mới trong dòng tư duy hòa nhập giữa ngôn ngữ sáng tác mơi với âm nhạc truyền thống được gọi là đối thoại Đông - Tây của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên mà trước đó đã gặt hái được nhiều thành công với nhạc cổ Huế và dân ca Tày tại hai mùa festival Huế.

* Được biết, kinh phí dàn dựng chương trình hoàn toàn do anh và cộng sự huy động từ bè bạn?

- Vâng, khoảng hơn 200 triệu, thậm chí có thể hơn, vì bây giờ vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và vẫn tiếp tục huy động.

* Xin chúc ý tưởng sáng tạo của anh được đông đảo người xem đón nhận!
 
Nguyệt Anh (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm