17/03/2023 13:43 GMT+7 | HighTech
Sau khi các hiệp hội và địa phương gửi văn bản đề xuất giảm 50% trước bạ cho ô tô lắp trong nước, các hãng xe nhập khẩu cũng "đứng ngồi không yên".
"Tồn kho" và "áp lực tài chính" là 2 điều được ông Laurent Genet, đại diện Hiệp hội Nhập khẩu Ô tô Việt Nam (VIVA), nhấn mạnh trong văn bản trả lời về đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước gửi lên Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Theo đó, VIVA cho biết họ chỉ ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô mới nếu chính sách này áp dụng cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) lẫn xe nhập khẩu (CBU), bởi không chỉ xe lắp ráp có sự sụt giảm doanh số trong thời gian qua mà cả xe nhập khẩu cũng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Yếu tố kinh tế vĩ mô được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức mua trên thị trường giảm đột ngột. Theo giải thích của ông Laurent Genet, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước khiến thanh khoản thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến việc khó tiếp cận tín dụng của cả khách hàng tư nhân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng tồn hàng của xe nhập khẩu còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi thời gian 2 tháng đăng kiểm. Ông Laurent Genet cho biết từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, lượng xe nhập khẩu đạt hơn 77.000 chiếc , riêng tháng 1/2023 có thêm 12,843 xe nhập về (gấp 3 cùng kỳ năm trước) cộng thêm việc tồn kho từ tháng 10/2022 đến nay đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp nhập khẩu.
Ngoài ra, vị đại diện VIVA còn cho rằng việc "Chính phủ Việt Nam chỉ hỗ trợ 50% trước bạ cho xe lắp ráp trong nước lần thứ ba trong 3 năm được xếp vào trường hợp sự phân biệt ưu đãi quốc gia", đồng thời trích dẫn điều III.4 của Hiệp định GATT mà Việt Nam đã ký kết.
Trước đó, đã có 2 lần Chính phủ hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần thứ nhất bắt đầu từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Lần thứ 2 bắt đầu từ 1/12/2021 đến hết tháng 5/2022 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Vào thời điểm đó, những dòng xe sang lắp ráp trong nước được hưởng lợi nhiều nhất bởi mức hỗ trợ quy đổi có giá trị cao, lên tới hàng trăm triệu đồng. Lấy ví dụ, một chiếc Mercedes-Benz S 450 L đời 2020 lắp ráp trong nước giá 4,249 tỉ đồng, phí trước bạ giảm bớt tới 255 triệu đồng.
Trong khi đó, năm 2022 vừa qua, thị trường ô tô trong nước lại chứng kiến sự bùng nổ về doanh số với hơn nửa triệu xe (tính cả VAMA, VinFast và TC Motor). Toyota là doanh nghiệp đi đầu với hơn 91.000 xe bán ra, chiếm 25,4% thị phần VAMA. Tiếp theo sau là Hyundai với hơn 81.000 xe bán ra.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất