100 năm sinh nhạc sĩ Xuân Oanh (kỳ 1): 'Mười chín tháng Tám' - bản tốc ký bằng âm nhạc

17/08/2023 11:59 GMT+7 | Văn hoá

Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh (1923 - 2010) là một bản hành khúc ngắn với lời ca chỉ gồm 102 chữ nhưng nó là một bản tốc ký bằng âm nhạc, là một bài hát được viết nhanh nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam".

1. Xuân Oanh tên khai sinh là Đỗ Xuân Oanh, sinh ngày mùng 4/1/1923 trong một gia đình thợ may nghèo ở thị trấn Quảng Yên. Từ nhà ông ra tới cửa sông Bạch Đằng chỉ chừng mươi mét. Chuyện kể rằng, ông ra đời trên một chiếc thuyền chài, cha mẹ sinh được 6 con nhưng chỉ còn lại mình ông. Hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ gửi ông cho gia đình người cậu làm nghề thuyền chài nuôi giúp.

Có phải những năm ấu thơ lênh đênh cùng nhà thuyền trên sông nước Bạch Đằng của biển cả miền Đông Bắc khiến ông hấp thụ được tinh hoa và khí phách từ dinh dưỡng của sóng gió của sông Bạch Đằng? Và ông như con chim Oanh mùa Xuân, cất vang giọng hót của mình trên đường bay sải cánh giữa muôn trùng thử thách của một thời đại đầy biến động ở thế kỷ XX.

100 năm sinh nhạc sĩ Xuân Oanh (kỳ 1): 'Mười chín tháng Tám' - bản tốc ký bằng âm nhạc - Ảnh 1.

Xuân Oanh ở độ tuổi sáng tác “Mười chín tháng Tám”

Người Quảng Yên luôn tự hào vì xứ sở của họ có một yếu nhân như Xuân Oanh. Ngay từ thời tiểu học, Xuân Oanh vừa học giỏi, vừa thành thạo tiếng Pháp, vừa chơi đàn giỏi. Nhưng để mưu sinh, ông đã không từ chối việc gì, từ làm gia sư bất đắc dĩ rồi thợ đúc, thợ mỏ, không từ chối cả việc "ly hương" sang Hải Phòng. Nếu ở cửa sông Bạch Đằng lịch sử này là nơi khiến những Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước bước đến tần ngần và cảm hứng lên những Trên sông Bạch Đằng và Bạch Đằng Giang thì đây cũng là nơi chứng kiến Xuân Oanh cất bước ra đi.

Ở đô thị thợ thuyền thành phố Cảng, Xuân Oanh đã có cuộc giao thoa thanh xuân trong trường đời, trong ca hát, trong làm lụng và trong hoạt động cách mạng mà khởi đầu là hoạt động yêu nước trong phong trào "Hướng đạo" cùng Văn Cao, Nguyễn Đình Thi.

Nếu Nguyễn Đình Thi có bài hát đầu tay về học sinh trường Bonnai (nay là trường Ngô Quyền, Hải Phòng), Văn Cao có Buồn tàn Thu thì Xuân Oanh lại bắt đầu bằng giai điệu tưởng nhớ Hai Bà Trưng bên dòng Hát Giang.

100 năm sinh nhạc sĩ Xuân Oanh (kỳ 1): 'Mười chín tháng Tám' - bản tốc ký bằng âm nhạc - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Xuân Oanh với bức tranh sơn dầu chân dung ca sĩ Lê Dung do ông vẽ

2. Cả ba chàng "ngự lâm âm nhạc" này đều không ở Hải Phòng được bao lâu do nhiều hoàn cảnh mà phải "bật lên" Hà Nội tiếp tục mưu sinh.

Ở kinh thành ngàn năm văn hiến, họ đã được đồng chí Vũ Quý đưa vào tổ chức của Việt Minh. Khi Văn Cao viết Tiến quân ca, Nguyễn Đình Thi viết Diệt phát xít thì Xuân Oanh là cán bộ Việt Minh ở phía Nam Hà Nội. Khi Tiến quân ca, Diệt phát xít "dội bom" phá tan dinh lũy thực dân, dứt tung xiềng xích nô lệ của dân tộc, thì Xuân Oanh bằng cảm hứng xuất thần viết ca khúc Mười chín tháng Tám ngay trong ngày lịch sử 19/8/1945 - ngày khởi nghĩa ở Hà Nội, mở ra cao trào Tổng khởi nghĩa toàn quốc, để toàn dân tộc đón chào cuộc đời tự do.

Ca khúc "Mười chín tháng Tám" - Tốp ca đài TNVN trình bày

Trong suốt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, người Việt Nam đã phải hát bài Marseillaise - Quốc ca Pháp - như quốc ca của mình. Nhưng đó là cái lỗi của chế độ thực dân. Còn bài Marsillaise mãi mãi là bài ca bất hủ của con người chống vương quyền. Chính bản chất thúc giục tranh đấu trong giai đoạn này đã thúc giục chính những con người yêu nước Việt Nam đứng lên lật đổ chế độ thực dân đã gieo rắc bài Marseillaise vào Việt Nam. Quả là "gieo gió thì gặt bão". Cơn bão ấy đã dứt tung xiềng xích nô lệ vào ngày 19/8/1945. Cơn bão đã tạo nên cảm hứng xuất thần trong sáng tạo của Xuân Oanh.

Nếu Marseillaise được viết ra bởi một sỹ quan công binh tên là Rouget de Lisle trong chuyến giải tù binh từ Marseille về Paris và lúc đầu được mang tên là Hành khúc chiến trận thì Mười chín tháng Tám được viết ra bởi một cán bộ Việt Minh tên là Xuân Oanh khi đi đầu đoàn biểu tình ở phía Nam Hà Nội từ khu vực ga Giáp Bát.

Đi trong đoàn biểu tình như hòa lẫn nỗi cơ cực của đời mình vào những nỗi cơ cực của bao người khác, Xuân Oanh có cảm giác như đang đồng hành cùng lịch sử gia đình mình, từ thời ông nội - vốn là một chí sỹ của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Thái Bình bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp phải phiêu bạt khỏi quê hương. Gia đình ly tán. Người cha dạt về miền Đông Bắc, làm phu ở Móng Cái rồi về ở ẩn tại thị trấn Quảng Yên với nghề làm thợ may, rồi lấy vợ, sinh con và cư trú ở đây đến hết đời.

100 năm sinh nhạc sĩ Xuân Oanh (kỳ 1): 'Mười chín tháng Tám' - bản tốc ký bằng âm nhạc - Ảnh 3.

Bức họa nhà soạn nhạc Luwig van Beethoven do Xuân Oanh vẽ bằng than chì

Rồi cảm giác đồng hành với tuổi thơ cơ cực, tuổi thanh xuân vất vả lam lũ từ hầm lò Hòn Gai, thợ đúc Hải Phòng, thợ đóng giày Hà Nội chạy rần rật trong cơ thể như luồng điện mạnh, khiến ông xuất thần ngay từ khi bước chân đầu tiên dẫn đầu đoàn biểu tình rời ga Giáp Bát. Đó cũng là lúc những giai điệu đầu tiên cùng lời cả bản hành khúc đã bật ra từ đôi môi bỏng cháy khát vọng tự do.

Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày

Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai

Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung

Được câu nào, Xuân Oanh lại truyền khẩu cho đoàn biểu tình hát theo. Chính vì thế, cứ câu này gọi câu khác, từ hiện thực là khối người đang dịch chuyển bằng chí khí của lòng căm hờn. Cứ thế, giai điệu xô dạt trong tâm hồn Xuân Oanh theo làn sóng đoàn biểu tình rầm rập với cờ đỏ sao vàng.

Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đưa tới

Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng

Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn

Đoàn người càng hát theo, càng khiến tâm hồn Xuân Oanh phấn khích hơn. Đến Chợ Mơ thì bản hành khúc đã đi tới câu cuối.

Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề

Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa

Hạnh phúc thắm tô non sông Việt Nam

100 năm sinh nhạc sĩ Xuân Oanh (kỳ 1): 'Mười chín tháng Tám' - bản tốc ký bằng âm nhạc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy trao tặng đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp W. Rochet bức chân dung do nhạc sĩ Xuân Oanh vẽ

Xuân Oanh bắt nhịp cho đoàn người hát lại từ đầu. Vừa tuần hành vừa hát rất khí thế. Những người dọc đường nhập đoàn biểu  tình cũng nhanh chóng thuộc và hát theo. Hát hết bài thì quay lại từ đầu. Khi tới Nhà hát Lớn thì mọi người đã thuộc lòng, hát say sưa. Tất cả đều lặng im để nghe dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong hát Tiến quân ca của Văn Cao trước lá cờ đỏ sao vàng. Rồi những Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Cờ giải phóng (Vương Gia Khương) lại tiếp tục "ném bom" vào dinh lũy thực dân, kết thúc là tiếng nổ hân hoan của Mười chín tháng Tám mà tác giả của nó giờ đứng lẫn trong các khối người biểu tình như nhưng dòng sông cùng đổ về một đại dương.

Một bản hành khúc ngắn với lời ca chỉ gồm 102 chữ nhưng nó là một bản tốc ký bằng âm nhạc, là một bài hát được viết nhanh nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam.

3. Chiều 19 tháng 8 năm 1945, trong niềm hân hoan sau khi hoàn thành việc giành chính quyền ở Hà Nội, Xuân Oanh mới có dịp ký âm bản hành khúc trên vỏ bao thuốc lá, mang đến xưởng in của người bạn ở Chợ Hôm tên là Vân Anh. Ngay lập tức, bản hành khúc đã được khắc gỗ và được in ra như truyền đơn rải khắp phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội đã hát Mười chín tháng Tám xuyên đêm.

Rất tiếc, qua nhiều biến cố, bản khắc gỗ lịch sử đã không còn được lưu giữ. Khi đó Xuân Oanh còn giữ được văn bản in trên giấy thô, vàng, khổ A4, đầu trang có in hình lá cờ đỏ sao vàng góc trước tên bài hát. Rồi qua trường kỳ kháng chiến, ngay cả bản in cũng thất lạc mất. Song, Mười chín tháng Tám thì in mãi vào lòng từng người dân Việt qua các thế hệ như một bản khai sinh cho cuộc đời mới của đất nước.

Có một Xuân Oanh - nhạc sĩ

Sau những ngày tháng "ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân" ngay góc hành lang cơ quan, Xuân Oanh và gia đình đã được phân một căn buồng vốn là hầm rượu của một bác sỹ người Pháp ở toàn biệt thự góc ngã tư Tràng Thi - Quán Sứ (nay là cơ quan Ban Tôn giáo Chính phủ). Và Xuân Oanh đã định cư rất khiêm tốn tại hầm rượu này từ năm 1958 cho đến khi rời cõi tạm mùa Xuân 2010.

Giống như Văn Cao và Nguyễn Đình Thi, Xuân Oanh cũng rất đa tài. Ở căn buồng - hầm rượu chật chội, Xuân Oanh vẫn thu xếp được một góc riêng để vung cây cọ vào thế giới của màu sắc và đường nét. Cách vung cọ với lượng màu dầu hằn khối biểu hiện sự kiên định như bản tính của ông.

Tranh của Xuân Oanh luôn tươi tắn một màu sống lạc quan khi đã tận hiểu mọi đắng cay trong cuộc đời. Bức họa Người điên khổng lồ Ludwig van Beethoven của ông đã lột tả tận cùng tính cách của thiên tài âm nhạc thuộc trường phái cổ điển Vienna. Ngay cả bức ký họa chì than bằng trí nhớ chân dung người chị ruột tài hoa đoản mệnh để làm tranh thờ cũng vẫn toát lên sự quyến rũ rạo rực của thanh xuân.

Khả năng ký họa đã từng giúp cho Xuân Oanh có một kết quả đáng ngạc nhiên trong thời gian làm công tác bên lề Hội nghị Paris. Một lần, nhân dịp sinh nhật của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp khi đó là Waldeck Rochet, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy băn khoăn không biết nên tặng món quà gì cho ý nghĩa. Xuân Oanh đề nghị vẽ tặng đồng chí Tổng Bí thư một bức chân dung khổ lớn. Bức tranh bằng chì than được vẽ hết sức sinh động khiến đồng chí Rochet rất hài lòng. Ông nói hài hước: "Tôi đã hói hết tóc nhưng đồng chí Xuân Oanh hào hiệp cho tôi thêm mấy sợi tóc, khiến tôi trẻ ra".

(Còn tiếp)

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm