10 bộ phim phá tan các rào cản cấm kỵ

01/06/2014 14:43 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim nào đã có những câu nói tục đầu tiên trong lịch sử điện ảnh? Bộ phim nào có cảnh nóng đầu tiên? Phim nào có cảnh đồng tính đầu tiên? Các câu hỏi này vừa được giải đáp trong một bài viết đặc sắc của hãng tin BBC, điểm mặt các tác phẩm đã đặt nền móng cho hàng loạt cuộc cách mạng trong điện ảnh.

1. Từ tục đầu tiên

Lâu nay nhiều người vẫn tưởng câu cuối cùng của nhân vật Rhett Butler trong phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió): "Nói thẳng nhé, em yêu, anh đếch quan tâm", đã đánh dấu lần đầu tiên một từ tục ("damn" ở câu nguyên bản) được sử dụng trong phim ảnh.

Nhiều người nghĩ Gone With the Wind là bộ phim có từ tục đầu tiên trong phim ảnh

Thực tế 14 năm trước Gone With the Wind, vào năm 1925, phim câm mang đề tài chiến tranh The Big Parade của Anh đã có một nhân vật thể hiện hành động hét lên, kèm theo dòng chữ mô tả lời nói của anh ta: "Mẹ kiếp linh hồn chúng nó!". Phim Ulysses của Joseph Strick sản xuất năm 1967 được cho là tác phẩm điện ảnh đầu tiên nói một cách "hùng hồn" từ tục f***. Tuy nhiên từ này đã được một diễn viên khẽ nói trong phim hành động Sink the Bismarck! do hãng MGM sản xuất vào năm 1960.

2. Cảnh nóng đầu tiên

Nữ diễn viên người Áo Hedy Lamarr, 18 tuổi, đã vươn lên thành sao màn bạc trong phim Ecstasy của Séc trong năm 1933. Phim có 2 cảnh đã gây chấn động khi đó. Trong cảnh đầu, Lamarr bơi hoàn toàn khỏa thân trong một cái hồ. Ở cảnh thứ 2, cô quan hệ giường chiếu với người đàn ông khác. Đây được xem là cảnh nóng đầu tiên trong một bộ phim không mang mục đích khiêu dâm. Máy quay chỉ tập trung vào gương mặt của Lamarr trong màn quan hệ, nhưng dựa vào những biểu cảm trên gương mặt, khán giả biết rõ nhân vật do cô thủ diễn đang trải qua những đam mê, khoái lạc  như thế nào. Đây cũng là lần đầu tiên sự cực khoái của nữ giới trong quan hệ giường chiếu xuất hiện trên phim ảnh.

3. Cảnh đồng tính đầu tiên

Tình dục đồng tính đã hiện diện trong các bộ phim Hollywood và châu Âu từ những năm 1920, 30 và 40, nhưng thường chỉ được mô tả gián tiếp và mang tính khuôn mẫu cao. Trong khung cảnh đó, các bộ phim mang tính thử nghiệm, thuộc dòng chảy ngầm (underground), thường táo bạo hơn khi mô tả tình dục đồng giới.

Tuy nhiên do tìm cách thử nghiệm khám phá mà Kenneth Anger, 20 tuổi, một trong những nhà làm phim thử nghiệm trẻ và nổi tiếng nhất của Mỹ thời đó, đã bị khởi tố với cáo buộc làm phim khiêu dâm. "Tội" của anh là cho ra mắt tác phẩm Fireworks hồi năm 1947, một bộ phim nói về hoạt động tình dục đồng tính kín đáo của thanh niên. Vụ việc được đưa ra Tòa án tối cao California, nơi đã xóa tội cho Anger, sau khi phán quyết rằng bộ phim là tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải sản phẩm khiêu dâm.

4. Nụ hôn đầu tiên giữa hai chủng tộc

Cho tới năm 1934, quy định sản xuất phim của Hollywood vẫn cấm việc mô tả các mối quan hệ tình cảm giữa các chủng tộc khác nhau. Nhưng vài phim bắt đầu thách thức quy định này từ những năm 1950. Phim Killer’s Kiss (1955) của Stanley Kubrick là tác phẩm điện ảnh đầu tiên có nụ hôn đầu tiên của một người phụ nữ da trắng (Irene Kane) và một người đàn ông da đen (diễn viên Frank Silvera sinh tại Jamaica). Vấn đề là Silvera, người có làn da tương đối sáng, đã không thủ vai một người da đen trong phim và vì thế khán giả cũng không biết anh là người gốc da đen. Phim Island in the Sun (1957) tiến gần hơn một chút tới việc phá rào. Phim có cảnh lãng mạn giữa một cô gái con lai sống ở vùng Caribbe (Dorothy Dandridge) và một sĩ quan quân đội thuộc địa Anh (John Justin). Nhưng thay vì một nụ hôn, họ chỉ áp má vào nhau. Phải tới phim The Crimson Kimono (1959), Hollywood mới chính thức có nụ hôn đầu tiên giữa các chủng tộc. Trong phim nam diễn viên người Mỹ gốc Nhật Bản James Shigeta đã hôn nữ diễn viên Victoria Shaw.

5. Cú giật xả nước bồn cầu đầu tiên

Psycho của Alfred Hitchcock không có bất kỳ màn khỏa thân khêu gợi nào trong cảnh tắm vòi hoa sen kinh điển tại khách sạn Bates. Tuy khán giả lần đầu chứng kiến cảnh giật xả nước bồn cầu nằm trong căn phòng tắm này. Một chiếc bồn cầu từng xuất hiện trước kia, nổi tiếng nhất là trong phim The Crowd (1928). Tuy nhiên người ta chưa từng giật nước xả bồn cầu cho tới Psycho. Khán giả tiếp tục phải chờ thêm 10 năm nữa sau bộ phim để được chứng kiến màn sử dụng bồn cầu khác trong phim Catch-22 (1970) của Mike Nichols.

6. Người phụ nữ khỏa thân đầu tiên

Phim Inspiration (1915) đã thất lạc, nói về một nghệ sĩ tìm kiếm một nữ người mẫu hoàn hảo để làm nàng thơ của anh ta, có thể là tác phẩm điện ảnh phi khiêu dâm đầu tiên mô tả cơ thể trần trụi của phụ nữ. Từ giữa những năm 1930, chỉ có các phim tài liệu về thổ dân mới được phép chiếu các cảnh có phụ nữ khỏa thân. Tuy nhiên phim Peeping Tom của Michael Powell đã phá rào cấm kỵ này vào năm 1960, khi nhân vật do Pamela Green thủ diễn lộ ra một bầu ngực. Cái giá mà Powell phải trả là suýt chút nữa chấm dứt sự nghiệp. Tuy nhiên phim đã đặt nền móng để các tác phẩm điện ảnh về sau của Hollywood mô tả thân thể phụ nữ một cách tự do hơn.

7. Cảnh bắn chết người không ngắt đoạn đầu tiên

Quy định sản xuất của Hollywood ra đời năm 1934 yêu cầu một cảnh bắn chết người khác phải gồm 2 đoạn nối lại với nhau. Một đoạn mô tả cảnh tay súng khai hỏa. Cảnh thứ hai là nạn nhân ngã xuống. Phim A Fistful of Dollars (1964) của Sergio Leone đã là tác phẩm điện ảnh đầu tiên phá vỡ quy định này.

Trong phim, máy ghi hình được đặt ngay sau nhân vật của Clint Eastwood khi ông nhanh tay nổ súng bắn một nhóm kẻ thù, khiến tất cả ngã xuống chết. Toàn bộ cảnh quay diễn ra liên tục, không bị ngắt. Cảnh này còn thiết lập hiệu ứng "bắn súng góc nhìn người thứ nhất", trong đó khán giả chia sẻ góc nhìn của người cầm súng, giúp nâng cao trải nghiệm bạo lực trên màn bạc.

8. Màn đọ súng đẫm máu đầu tiên

Chỉ có vài cảnh đọ súng với vết thương trên người nạn nhân xuất hiện trong các phim đen trắng. Đáng chú ý nhất là các tác phẩm của Alfred Hitchcock, với cảnh bắn chết người đầy ghê rợn trong phim Foreign Correspondent (1940). Khi phim màu dần trở thành xu thế chủ đạo, các cảnh trúng đạn rất hiếm khi được mô tả.

Chuyện chỉ thay đổi khi phim Bonnie and Clyde (1967) mô tả màn bắn giết của 2 tên cướp nổi tiếng nước Mỹ này, với 1 nạn nhân bị bắn trúng mặt. Phim kết thúc với cảnh quay nổi tiếng, trong đó Bonnie và Clyde trúng đạn khắp người, quần áo rách toạc vì đạn xuyên. Sau phim này, bạo lực trong điện ảnh đã hết hẳn sự nhạt nhẽo.

9. Người đàn ông khỏa thân đầu tiên

Các nhà làm phim thường không muốn đưa hình ảnh đàn ông khỏa thân lên màn bạc. Ngay cả khi các đạo diễn có các cảnh quay khỏa thân của đàn ông trong những năm 1960, như trong phim This Sporting Life của  Lindsay Anderson và Seconds của  John Frankenheimer, cơ quan kiểm duyệt sẽ lập tức cắt bỏ các cảnh này trước khi phim ra rạp. Phim Women in Love (1969) của Ken Russell có thể là tác phẩm đầu tiên mô tả nhiều cảnh khỏa thân của đàn ông, đáng chú ý là màn vật nhau giữa Oliver Reed và Alan Bates, đã vượt qua được lưỡi kéo kiểm duyệt.

10. Cái chết thực sự đầu tiên trong phim

Hình ảnh về những cái chết thật sự, không dàn dựng, đã xuất hiện trong các bản tin quân đội suốt nhiều năm. Tuy nhiên phải tới phim tài liệu Gimme Shelter (1970), hình ảnh về cái chết thực sự mới lên màn bạc, tới với đại chúng. Phim kể về buổi hòa nhạc đầy thảm họa của Rolling Stones tại California trong năm 1969.

Đỉnh điểm của sự kiện là cái chết của Meredith Hunter, một người Mỹ gốc Phi cầm súng ngắn định lao lên sân khấu. Alan Passaro, thành viên băng môtô Hells Angels được thuê để đảm bảo an ninh cho buổi hòa nhạc, đã bị ghi hình lúc đang cầm dao đâm nhiều nát vào lưng Hunter.

Đoạn phim đã là chứng cứ trong phiên tòa xử Passaro, tại đó ông này được xóa tội do chỉ giết Hunter để tự vệ. Về sau nó được đưa vào Gimme Shelter. Về sau The Passenger của Michelangelo Antonioni là phim nhựa đầu tiên có hình ảnh về một cái chết thực sự. Trong phim có một đoạn ghi cảnh một tử tù bị đội xử bắn hành quyết.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm