17/12/2015 11:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng biết, tai nạn giao thông mỗi năm đã làm thiệt hại kinh tế, nhân lực, và để lại quá nhiều di chứng cho đất nước. Làm thế nào để hạn chế thảm họa tai nạn giao thông là bài toán khó, cần sự chung tay của toàn xã hội. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết theo http://www.carmudi.vn/, như một gợi mở bổ ích.
Nâng cao văn hóa nhường đường
Để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt của giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện xe máy không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, khi gặp tín hiệu đèn giao thông hay biển báo hiệu, vạch kẻ đường mà còn phải bắt buộc tuân theo các quy tắc nhường đường khi chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều; nhường đường cho các loại xe ưu tiên, nhường đường tại nơi giao nhau…
Ngoài ra, có những trường hợp tuy pháp luật không quy định, nhưng nếu là một người có văn hóa khi tham gia giao thông, chúng ta cũng không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe, người ở nông thôn ra thành phố); nhường một phần đường của mình khi gặp đám rước; phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn… đi ngược chiều.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông như hiện nay, văn hóa nhường đường chính là một trong những nét đẹp mà mỗi chúng ta cần học tập và phát huy.
Một người vì mọi người, nếu ai ai cũng có thể tham gia giao thông một cách “từ tốn”, thông minh thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ không xảy ra trên những tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại nhiều cũng như hạn chế được những tai nạn đáng tiếc vì không ý thức tham gia giao thông.
Bài trừ “văn hóa chửi tục”
Văn hóa tham gia giao thông đơn giản là tuân thủ luật lệ giao thông, đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác trên đường, hay là hiểu biết rõ về luật giao thông, có rất nhiều cách nghĩ khác nhau, tùy theo mỗi người. Thế nhưng, “văn hóa chửi” khi tham gia giao thông là gì đã khiến bao vụ việc nghiêm trọng xảy ra.
Đôi khi đó chỉ là một va quẹt nhỏ, không đáng nói, nếu như trong tình huống đó, chúng ta có thể bình tĩnh giải quyết và xin lỗi đúng lúc, đúng người và có thiện ý, chắc chắn mọi chuyện sẽ theo chiều hướng tích cực hơn. Vì thế, trong những trường hợp va quẹt khi tham gia lưu thông, chúng ta nên xử lý theo những cách sau đây:
- Nếu trách nhiệm thuộc về bản thân mình thì trước hết chúng ta nên xin lỗi đối với những va chạm nhỏ, không nghiêm trọng, hỏi han đối tượng bị va quẹt xem tình trạng của họ có ổn không và giúp đỡ, bồi thường nếu có thiệt hại về người hoặc tài sản.
- Nếu trách nhiệm thuộc về người khác, không phải bản thân mình:
+ Tai nạn nhỏ, không quá nghiêm trọng: Nếu tai nạn đó không quá phức tạp và bản thân chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều, chúng ta có thể “tạm cho qua” và nhắc nhở họ cần chú ý hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tránh dùng “văn hóa chửi” để bày tỏ thái độ vì nó có thể dẫn đến những hệ lụy không ngờ tới.
+ Tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản: Đối với những tình huống này, chúng ta không nên tự ý giải quyết theo cách của mình mà nên nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tốt nhất là hãy nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát giao thông để họ có những biện pháp khắc phục hợp lý và đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tránh được việc xung đột nơi công cộng.
P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất