Đã đến lúc người Anh “đi học” ở Europa League?

06/09/2012 13:42 GMT+7 | Europa League

(TT&VH)- Europa League luôn bị đối xử như một sân chơi “dự bị” cho các đội bóng Anh, nhưng có lẽ đã đến lúc Newcastle, Tottenham và Liverpool phải nghiêm túc hơn với đấu trường này, vì chính lợi ích của người Anh.

Từ sự tự mãn của người khai sinh ra bóng đá

Trong cuốn sách viết về bóng đá mang tên “Đảo ngược Kim Tự Tháp” của ký giả Jonathan Wilson, ông phân tích khá kỹ về những khoảnh khắc định hình và thay đổi trong cách thức tiếp cận với chiến thuật của các nền bóng đá, nhưng điều đáng nói là cuốn sách lại không đề cập nhiều đến những cải tiến chiến thuật của người Anh, được coi là những người khai sinh ra môn bóng đá.

Môn bóng đá được khai sinh trên các bờ biển của Vương quốc Anh, dựa trên hai kỹ thuật là chạy và sút bóng. Nhưng ở phiên bản sơ khai mà người Anh nghĩ ra (thật ra thì người Trung Quốc thậm chí cũng đã sáng tạo ra một phiên bản tương tự từ nhiều thế kỷ trước), bóng đá chỉ đơn giản là trò chơi mà quả bóng được một cầu thủ dẫn thẳng về phía khung thành đối phương, còn các đồng đội của anh ta chạy theo sau chờ quả bóng văng ra để cướp lấy và tiếp tục… dẫn bóng cho đến khi sút. Không ai biết chuyền bóng là cái gì.

Phải đến những năm đầu thế kỷ XX, người Scotland mới sáng tạo ra chuyền bóng, một yếu tố cơ bản giúp bóng đá trở thành trò chơi được ưa chuộng nhất. Trong buổi bình minh của môn chơi này, dù không có nhiều vai trò trong việc sáng tạo ra những thứ khiến bóng đá trở nên hấp dẫn, nhưng vì tiếp cận nó đầu tiên, đội tuyển quốc gia Anh đã trải qua một giai đoạn bất khả chiến bại, đặc biệt là ở những trận đấu diễn ra trên sân nhà.



Chelsea, ĐKVĐ Champions League, đã thảm bại trước ĐKVĐ Europa League Atletico Madrid- Ảnh Getty

Sự tự mãn ấy sụp đổ sau thảm bại “nổi tiếng” 3-6 trước Hungary ngay tại Wembley vào năm 1953. Trong khi ở Anh, lối chơi giàu thể lực đơn thuần được tôn sùng và chiến thuật bị bỏ qua, thì thảm bại ấy của đất nước “phát minh” ra môn bóng đá đã mở màn cho những suy nghĩ táo bạo về cải tiến chiến thuật và giúp trò chơi này giàu tính tư duy hơn trên toàn thế giới, và các trận đấu bắt đầu được phân tích một cách tỉ mỉ, hơn là để các cầu thủ ra sân và chơi theo kiểu bản năng như người Anh buổi sơ khai.

Người Anh vẫn đang tự mãn

Một thế kỷ sau, sự tự mãn ấy vẫn tồn tại dưới một dạng khác. Trong khi các giải đấu ở Anh liên tục phát triển trong 20 năm qua, thì những quan niệm về chiến thuật của người Anh vẫn không phát triển, dù các câu lạc bộ của Anh vẫn nằm trong tốp đầu thế giới, nhưng thành công ấy dựa nhiều vào các HLV nước ngoài và các ngôi sao nước ngoài, còn các quan niệm nền tảng của bóng đá Anh không thay đổi, và nó thể hiện rõ nhất qua diện mạo của đội tuyển Anh.

Trong khi Serie A của người Italia là một mảnh đất mà các tư tưởng chiến thuật được “cập nhật” liên tục và có tính thích ứng cao, và Liga chứa đựng hàm lượng kỹ thuật rất cao, thì người Anh vẫn giữ quan niệm phổ biến rằng một trận đấu ở nhịp độ cao luôn phải được duy trì và từ đó nó gò bó các ý tưởng đột phá về chiến thuật. Thiếu sót về mặt kỹ thuật của các cầu thủ Anh là điều dễ nhận thấy nhất so với các đồng nghiệp nước ngoài của họ, với các phương pháp huấn luyện cổ điển kiểu Anh, chú trọng về thể lực và ý chí, nhưng sự mềm dẻo, sáng tạo và ý thức tạo ra sự dị biệt đã bị bỏ qua. Kết quả? Cầu thủ chơi mềm mại nhất của người Anh trong một thập kỷ qua là… Joe Cole.

Nhưng dù đang sở hữu một nền tảng tụt hậu so với các nền bóng đá khác, các đội bóng Anh vẫn tiếp cận với Europa League với tư thế “bề trên” và không có được sự nghiêm túc cần thiết, trong khi họ hoàn toàn có thể học hỏi được rất nhiều điều ở giải đấu này. Các CLB Premier League có quyền nghĩ rằng họ có thể dễ dàng lên ngôi ở sân chơi này mà không cần để ý đến khía cạnh cầu thị, vì sự tung hô hào nhoáng của giải Premier League, nhưng những thất bại của họ ở sân chơi này mùa bóng trước đã phủ nhận sự tự mãn ấy.

Hai đội bóng thành Manchester đã bị loại thẳng cẳng ở vòng 1/8 Europa League dù mỗi đội đều tích lũy được đến 89 điểm ở giải Premier League. Trong đó, thất bại của M.U trước Athletic Bilbao của Marcelo Bielsa thực sự là một thất bại toàn diện về cả kỹ chiến thuật. Đội bóng TBN vừa chiến thắng, vừa “dạy” đội áo đỏ từ nước Anh cách chơi bóng đích thực. Cũng đừng quên rằng nhà ĐKVĐ Champions League Chelsea vừa thảm bại trước ĐKVĐ Europa League Atletico Madrid ở trận tranh Siêu Cúp châu Âu như thế nào.

Kết luận: Mặc dù Champions League là giải đấu có giá trị nhất châu Âu, nhưng Europa League vẫn là một đấu trường mà người Anh có thể tiếp cận với thái độ cầu thị và học hỏi hơn. Họ sinh ra bóng đá, nhưng không phải là người nuôi dưỡng bóng đá. Giải Premier League có hào nhoáng, nhưng không phải là nơi phản ánh nền tảng bóng đá thực sự của người Anh.


Rất nhiều HLV và cầu thủ Anh bỏ lỡ cơ hội học hỏi ở Europa League


Roy Hodgson là một trong những HLV người Anh hiếm hoi từng vô địch UEFA Cup/ Europa League với một đội bóng Anh

Lịch thi đấu dày đặc phát sinh từ những ý tưởng “vắt sức lực” các đội bóng mà UEFA nghĩ ra có thể là một phần nguyên nhân khiến Europa League trở thành một giải đấu kém thu hút, nhưng thái độ cầu thị và học hỏi có thể gạt bỏ khía cạnh tiêu cực này, điều mà người Anh đang còn thiếu. Những người được “hưởng lợi” từ việc cọ xát và trải nghiệm để học hỏi là các HLV và các cầu thủ gốc Anh, nhưng không ít trong số họ đã bỏ qua cơ hội ấy, phản ánh qua việc tham gia một cách hời hợt và thiếu tôn trọng đối với Europa League. Các HLV người Anh, những người thường than thở rằng họ không được tin cậy vào những công việc lớn, dễ dàng chấp nhận một vị trí tầm trung ở giải Premier League và không mấy nhiệt tình ở mặt trận số hai tại châu Âu. Trong một thập kỷ qua, chỉ có Fulham dưới thời Roy Hodgson và Middlesborough được dẫn dắt bởi Steve McLaren là từng giành chiến thắng ở sân chơi này. Cả hai HLV kể trên, những người đã tiếp cận nghiêm túc với UEFA Cup/ Europa League sau này đều trở thành HLV đội tuyển Anh. Chưa bàn đến khía cạnh thành công hay không, thì họ cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của đấu trường này và không quá phân tâm bởi những tranh đua ở giải quốc nội, nơi các đội bóng lớn của Anh thường tập trung tối đa và coi Europa League chỉ là một nơi tập dượt cho đội hình B.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm