Hình ảnh của thần tượng

23/02/2010 12:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - HLV Calisto chắc chắn đã, sẽ được nhiều, và cũng có thể đã mất không ít trong thương vụ gia hạn hợp đồng, giữa sự lựa chọn ĐTQG hay CLB.

Cái được của ông khá rõ ràng, như mức lương tăng gần 100% (từ 12.000 USD năm 2008 lên tới 22.000 USD năm 2010) như VFF đặt ra. Hay những điều kiện làm việc vốn đã được tạo dựng ở mức khá tốt, cũng như một quãng thời gian đủ dài (3 năm hợp đồng trên thực tế là dài nhất theo quy định của luật pháp Việt Nam) để ông có thể vạch ra những mục tiêu và xây dựng kế hoạch thực hiện.

Cái ông mất cũng không vô hình, từ một hình ảnh rất “thánh” trong con mắt người hâm mộ, từ một hình tượng HLV luôn tận tâm và tận tụy, giờ ông bị xét nét là có phải là một kẻ tham lam và lắm mưu mẹo. Ngay cả việc ông Calisto vẫn còn hợp đồng với ĐTLA nhưng lại im lặng trước tuyên bố HLV Calisto đã trở thành người của HN T&T (từ phía bầu Hiển) cũng được đánh giá ở góc độ ông hành xử thiếu tình nghĩa.


 Cả HLV Calisto và ĐT Việt Nam đều “được” rất nhiều trong 2 năm qua.

Chỉ có một điều đáng bàn ở đây là có phải ông phải trả giá cho chính những cái ông đã lựa chọn, hay người ta đã vô tình biến ông thành nạn nhân?

Ông Calisto có thể bị “hại” khi HN T&T lên tiếng muốn có ông, nhưng ông cũng được lợi rất nhiều từ việc này, bởi sự cạnh tranh của đội bóng Thủ đô ở đây rõ ràng đã buộc VFF phải tính đến một con số (tiền lương và thưởng) đủ để làm ông Calisto “rung động”. Liệu có thể hiểu, cũng vì đánh giá được vấn đề nên ông Calisto đã im lặng suốt thời gian dài về sự lựa chọn của mình, và chỉ mới khẳng định là ông sẽ không bỏ ĐTQG?   

Ở một xã hội, nơi quan niệm thực dụng còn chưa có chỗ đứng vững chãi, như ở Việt Nam, thì sự so bì, thậm chí mang vinh dự của đội tuyển quốc gia để “cân đo” với những lợi ích vật chất ở CLB, sẽ khó được chấp nhận rộng rãi.

Có thể cho là một người lao động thường phải tối đa hóa các quyền lợi và được phép đặt yếu tố vật chất lên trên hết (quyền lựa chọn), nhưng bóng đá luôn là một nghề rất đặc biệt khi những yếu tố tinh thần không thể bị xem nhẹ. Người ta không chấp nhận các CLB lại đi tranh giành HLV trưởng của ĐTQG chính quốc gia mà nó phụng sự, và người ta cũng chỉ đồng ý khi một HLV bỏ ĐTQG để làm CLB không phải vì tiền, mà vì sở thích, vì muốn thay đổi môi trường làm việc hoặc năng lực.

Ông Calisto, một người đã sống và làm việc ở Việt Nam hơn 8 năm, đủ tỉnh táo để biết cái gì là quan trọng nhất, nên đã không để cho câu chuyện đi quá xa. Một cuộc gặp khẩn với bầu Thắng của ĐTLA mà ông đặt tên cho nó là “cuộc gặp của những người bạn, những người anh em” đã ít nhiều giải tỏa được các sức ép. Một tuyên bố rằng chỉ cần thêm 1 cuộc gặp nữa là sẽ ký hợp đồng với VFF và kịch liệt phủ nhận hoàn toàn những thông tin, rằng ông có hàng loạt đòi hỏi khác, hoặc có hành vi trì hoãn để gây sức ép lên VFF, cũng có thể cho thấy ông khá đơn giản và không đếm xỉa nhiều tới những tiểu tiết: vì BĐVN mới là đại cục!

Ông Calisto với chiến công đưa Việt Nam vô địch ĐNA đã trở thành thần tượng của rất nhiều người hâm mộ. Rất ít người chỉ trích HLV trưởng dù cách thất bại của đội bóng trong trận chung kết SEA Games là một nỗi đau, cũng là một biểu hiện của sự ngưỡng mộ hiếm có trước nay ở BĐVN.

Thần tượng Calisto sẽ vẫn còn đó, một khi ông chưa muốn tự hạ bệ chính mình. Cuộc “trốn tìm” tốn nhiều giấy mực nhất của BĐVN trong năm 2009 và cả đầu năm 2010 sẽ kết thúc trong tuần này khi các mục tiêu và đòi hỏi của các bên được thỏa mãn!

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm