30/10/2019 20:53 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thiên anh hùng ca Metamorphoses (Biến thể) của thi hào Publius Ovidius Naso phát hành năm 8 tại La Mã, lần đầu tiên xuất hiện toàn văn tại Việt Nam, với bản dịch công phu của Quế Sơn.
Vào lúc 9h00 ngày 2/11/2019, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) sẽ diễn ra buổi giao lưu cùng dịch giả Quế Sơn và nhà văn Nhật Chiêu về tác phẩm dịch Biến thể này.
Diễn tả tài tình những nghịch lý
Publius Ovidius Naso (sinh ngày 20/3/43 TCN - mất năm 17 hoặc 18) thường được gọi là Ovid theo tiếng Anh và Ovide theo tiếng Pháp. Ông nổi tiếng thời La Mã với nhiều tác phẩm, trong đó có Biến thể (Metamorphoses) và Nghệ thuật yêu đương (Ars Amatoria).
Kiệt tác Biến thể nhanh chóng trở thành “tài sản chung” của Tây phương, rồi cả nhân loại, để lại dấu ấn xuyên suốt qua hai thiên niên kỷ, mà dấu ấn rõ ràng có thể nhìn thấy trong tác phẩm của vô số bậc thầy, từ Dante, Chaucer, Shakespeare, Milton, Goethe… cho đến Kafka, Joyce, Brodsky, Borges, Bulgakov, Marquez, Calvino, Rusdie… Đây là chưa nói đến hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, ca múa… cũng đã vô số lần lấy cảm hứng, chuyển soạn từ Biến thể.
Biến thể bao gồm 250 tiểu truyện, chia thành 15 thiên, dài hơn 12.000 dòng thơ xuôi, kể lại nhiều huyền thoại cổ đại. Sử thi đi từ khởi nguyên của vũ trụ cho đến các thời đại kim khí, cho đến Aeneas đi tìm vùng đất mới, kết thúc bằng việc Julius Caesar hóa thành ngôi sao.
Nhà văn - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định: “Trong tình hình dịch thuật ở Việt Nam, bản dịch Biến thể đầy đủ của Quế Sơn giúp người đọc lần đầu đến với Ovide với một niềm vui mới, hiểu biết mới và tình yêu mới. Giảng dạy và học tập văn học nước ngoài, nhất là ở đại học, có cơ duyên quen biết với một thiên tài tuyệt vời xa cách hơn hai thiên niên kỷ, nay bất ngờ đi giữa chúng ta, ấm áp, thân tình, với nụ cười bất tuyệt”.
Ông nói thêm: “Cực kỳ tài tình, Ovide diễn tả những nghịch lý lạ lùng nhất trong tâm hồn con người khi họ rơi vào những tình huống bi đát. Ví như chuyện yêu lấy cái bóng của mình, yêu người đồng giới, yêu người đồng huyết thống, hoặc tình yêu và cái chết diễn ra trong cùng một thời điểm cho thấy những chân dung đa dạng vô cùng khi con người cố vượt lên vận mệnh, xoay mình giữa hai bản năng trọng yếu: chết và yêu (Thanatos và Eros). Ovide, có thể gọi chàng là nhà thơ của tình yêu, hoặc nhà thơ của các nhà thơ”.
Hai năm miệt mài dịch
Dịch giả Quế Sơn cho biết anh mất một năm nghiền ngẫm tác phẩm và một năm ròng rã để dịch Biến thể. Anh kể: “Trong khoảng thời gian này, có những giai đoạn tôi đã không dịch được gì hết, do sức khỏe suy yếu bất ngờ, mình rơi vào chán nản, muốn buông tay nửa chừng vì thấy nguyên tác còn dài và khó dịch quá. May là được cô Thanh Thủy (Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM) và nhà văn Nhật Chiêu cảm thông và khích lệ, nên tôi đã vượt qua được”.
“Thơ thì nhất định khác tiểu thuyết rồi, dù là truyện thơ, nó thường có lối diễn tả cô đọng với ngôn từ chọn lọc, thiên về hình ảnh và ẩn dụ, chưa kể đến nhịp điệu… Có nhiều chỗ tôi phải đọc đi đọc lại hoặc tra cứu thêm mới hiểu ra mà dịch. Ngoài việc hiểu ý ra rồi, còn một chuyện lớn nữa: tôi có cảm được (và truyền tải được qua tiếng Việt) cái “tình” trong các câu thơ, câu chuyện đó không? Cũng là một cái khó không nhỏ đối với tôi” - Quế Sơn nói.
Hơn nữa, Biến thể lại có khoảng 250 câu chuyện không liên tục, chúng khá rời rạc, với hàng trăm nhân vật khác nhau, thần linh có, người phàm có, ở những thời đại và không gian khác nhau, nên việc dịch thường bị đứt khúc, không thể liền lạc như mong muốn. Cho nên, Quế Sơn phải bổ sung hơn 1.000 chú thích vào bản dịch, hầu giúp độc giả Việt - vốn chưa quen với văn hóa phương Tây - thưởng thức Biến thể được thuận lợi hơn.
“Bên cạnh các khó khăn kể trên, riêng tôi có được một thuận lợi gần như vô song. Đó là sự sẵn lòng của nhà văn Nhật Chiêu trong việc soi sáng tôi, lúc nào cũng tỏ ra kiên nhẫn giảng giải, bình phẩm những đoạn thơ, những câu chuyện mà tôi thấy khó hiểu, hoặc băn khoăn không biết mình hiểu thế này là đúng không. Thầy còn bỏ công đến mức đọc trước bản thảo dịch (khoảng 250.000 từ tiếng Việt, trên 400 trang A4) và cho tôi những gợi ý sửa chữa, thêm thắt hữu ích, trước khi tôi cảm thấy yên tâm mà gởi đến nhà xuất bản” -dịch giả Quế Sơn chia sẻ chân tình.
Quế Sơn đã dịch nhiều tác phẩm văn học, đáng chú ý có Lụa của Alessandro Baricco, Người đẹp ngủ mê của Kawabata Yasunari, Nắng tháng Tám của William Faulkner, Nhật ký kẻ mị tình của Soren Kierkegaard.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất