Xưa như kịch thơ (Bài 2)

27/10/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Thi ca (bao gồm cả kịch thơ) được xếp vào số ít những loại hình nghệ thuật nền tảng và cổ xưa nhất của loài người. Tùy theo nền văn minh và cấu trúc văn hóa dân tộc mà người ta xếp thi ca ở vị trí trước hoặc sau âm nhạc, hội họa, điêu khắc. Trong lịch sử văn học, từ thời còn truyền miệng thì thi ca đã là nơi khai sinh và khai phóng cho các thể loại văn học khác. Riêng với lịch sử kịch nghệ, thì rất dễ dàng để nhận thấy kịch thơ là thể loại ưu trội, vì thời cổ đại, trung đại và cận đại, khi nói đến kịch thì cũng đồng nghĩa là nói đến kịch thơ, vì kịch văn xuôi chưa ra đời.

Kịch thơ sinh ra từ “thần uống rượu”

Ngày nay, khi chúng ta nói đến thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… thì cũng đồng nghĩa với việc hiểu chúng là những truyện kể bằng văn xuôi. Chứ thời xa xưa, khi văn học còn truyền miệng, vần điệu giúp cho người dân dễ nhớ, dễ thuộc… thì các thể loại truyện kể này đều viết bằng thơ. Các bộ sử thi đồ sộ của các dân tộc hay của nhân loại đều minh chứng dễ dàng cho điều này, vì ở đó chỉ có thơ. Thậm chí, thời cổ đại, để viết triết học hay khoa học, người ta cũng dùng thơ.

Hí trường Epidaurus với 45 ngàn chỗ ngồi - không gian dành cho kịch thơ lớn nhất mọi thời đại!

Đỉnh điểm văn chương thời cổ đại của phương Tây là thần thoại và bi, hài kịch Hy Lạp - La Mã…, chúng đều được viết bằng thơ. Kịch thơ thời Hy Lạp ra đời vào khoảng thế kỷ 6 TCN, bắt nguồn từ những dithyrambe (ca thơ) chúc tụng tửu thần Dionysos (tức thần Bacchus trong thần thoại La Mã). Bối cảnh thời bấy giờ, khắp từ Đông sang Tây, vị trí của tửu thần được xếp rất cao và luôn được xưng tụng bằng lời thơ tiếng hát; từ các lời xưng tụng này mà kịch thơ ra đời.

Theo nhà phê bình Feroza Jussawalla thì: “Kịch ở Ấn Độ phát triển muộn hơn Hy Lạp. Tác phẩm Natyasastra của Bharata, được viết vào khoảng thế kỷ 2, không chỉ đưa ra những quy tắc chi phối sự sáng tạo kịch mà còn chuẩn bị con đường phát triển các lý thuyết về rasa, “ý nghĩa” hay “bản chất”.

Kịch thơ cũng khá thịnh vượng ở Trung Quốc, với tên gọi chung là hí khúc (hí là trò, khúc là các điệu hát có vần), gồm 3 thành tố từ thời cổ đại: ca múa dân gian, lời kể có pha ca hát vần điệu và kịch hoạt kê. Đến đời Tống thì kịch thơ kết hợp với thể từ để tạo ra những tác phẩm phong phú; đến đời Nguyên thì kịch thơ đạt đến thành tựu vững bền. Bước sang đời Minh - Thanh thì tạp kịch và kịch thơ bắt đầu tàn lụi.

Các tổ sư xuyên thời đại

Triết gia cổ đại Plato viết: “Athens là một nhà nước của sân khấu trị”. Thời bấy giờ, nhà nước bỏ tiền và người dân góp sức để xây dựng những sân khấu lộ thiên, với các bậc ngôi tam cấp hình cung, chứa hàng vạn khán giả. Ví dụ như sân khấu Epidaurus có thể chứa bốn vạn rưỡi người. Mỗi năm hai đợt, nhà nước trả tiền vé cho dân nghèo để họ đi xem ba ngày biểu diễn và thi thố giữa các kịch tác gia với nhau. Đương nhiên, đây cũng là ngày nghỉ làm việc trên toàn quốc.

Vở Romeo và Juliet trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam vào tháng 5/2009. Đây vốn là kịch thơ, nhưng qua năm tháng, nó dần dần được “chuyển dịch” thành kịch văn xuôi cho dễ hiểu

Ba sơ tổ của kịch thơ Hy Lạp phải kể đến là Eschyle (khoảng 525- 456 TCN), Sophocles (khoảng 496-406 TCN) và Euripides (khoảng 480-406 TCN). Tương truyền, Eschyle viết 70 vở kịch, 20 vở satire, nhiều lần dự thi và trên 10 lần đoạt giải nhất. Ngày nay chỉ còn lại 7 tác phẩm là Những thiếu nữ cầu xin, Quân Ba Tư, Bảy tướng đánh thành Thebes, Prometheus bị xiềng, và bộ ba orestie (gồm 3 vở Agamemnon, Những thiếu nữ viếng mộNhững nữ thần ân đức).

Theo tài liệu để lại, Sophocles đã viết và trình diễn 20 vở kịch, 20 lần đoạt giải nhất, nhiều giải nhì. Hiện cũng chỉ còn 7 vở, mà tiêu biểu có thể kể Ajax giận dữ, Những phụ nữ Trachinie, Philoctetes, Oedipus ở Colonus, Antigone và Electra…

Riêng Euripides thì có xuất thân quý tộc, học rộng tài cao, là bạn với các tên tuổi danh tiếng như triết gia Socrates, Anaxagoras và nhà ngụy biện Protagoras. Ông viết khoảng 95 vở, ngày nay còn lại khoảng 19 vở, nhưng lại thất bại phần lớn trong các cuộc thi, chỉ được khoảng 5 giải nhất. Bi kịch của ông đậm chất triết lý và giàu học thức, hơi khác với Eschyle và Sophocles, nên có lẽ ít được lòng công chúng phổ thông.

Nhìn từ Đông phương, nói đến kịch thơ cổ đại có thể “lờ đi” nhiều quốc gia, nhưng không thể quên Ấn Độ. Nền văn minh này đồ sộ như thế, nhưng với họ, nếu muốn xem xét các kỳ công vĩ đại nhất thì “Kalidasa là kỳ công đầu tiên”. Kịch tác gia Kalidasa (khoảng 320 - 530) đã sáng tạo nên vở kịch thơ lừng danh Shakuntala - một trong 5 danh tác “siêu bán chạy” mọi thời đại, xếp ngang với Kinh thánh, Ngàn lẻ một đêm… Vở kịch này được xem là “đại tâm sự và là câu chuyện lớn” về nàng Shakuntala, gồm phần dạo đầu và 7 hồi.

Một tranh minh họa cho kịch thơ kinh điển Shakuntala

Nếu vị trí của Kalidasa là “cửu đỉnh chí tôn” về kịch thơ trong ngôn ngữ Sanskrit, thì “hậu bối” Shakespeare (1564- 1616) có vị trí như vậy trong tiếng Anh, Racine (1639-1699) trong tiếng Pháp và Goethe (1749-1832) trong tiếng Đức. Giữ vị trí có thể khiêm tốn hơn, nhưng nữ sĩ Ono no Komachi (825-900) cũng có địa vị lớn với kịch thơ trong tiếng Nhật, khi những vở kịch noh (nô) của bà thấm đượm thể thơ waka (hòa ca), thành kinh điển và cảm hứng để các nghệ sĩ ngày nay tái sáng tạo.

Tôi không đề cập nhiều về các tổ sư kịch thơ này nữa vì họ đã quá nổi tiếng và “gần gũi”, nhắc lại cũng bằng thừa. Chỉ xin mượn đại ý của thi sĩ vĩ đại Arthur Rimbaud (1854-1891) khi nhận xét về kịch thơ của Racine, đó là “quỷ khóc thần sầu”, để nói đến sự ảnh hưởng sâu sắc của họ lên văn chương, kịch nghệ và ngôn ngữ quốc tế.

Vãn tuồng

Trong tiếng Anh, một trong những thi sĩ khổng lồ đưa kịch thơ lên đỉnh cao thời hiện đại là William Butler Yeats (1865- 1939, Nobel năm 1923). Đây cũng là giai đoạn hình thành kịch thơ ở Việt Nam, mà nguồn ảnh hưởng chính là từ kịch thơ của Pháp, mà trực tiếp là đại sư Racine.

Hiện nay, dù đây đó vẫn còn sáng tác và trình diễn kịch thơ - nhưng phải thấy rằng đây là những hành động mang tính hương xa (exotic) của thời đại. Bởi từ sau thế chiến thứ 2, tại nhiều nước phát triển, kịch thơ gần như hết đất sống, khi số vở mới được viết ra đã rất ít, mà các buổi diễn thì cũng gần như vắng bóng, vì quá ế khách. Từ vị trí độc tôn, duy nhất và dài lâu trong làng kịch nghệ (kéo dài khoảng 2.500 năm), tại sao đến nay trên toàn thế giới, kịch thơ đã “đồng loạt” nói lời cáo chung? Đây là câu hỏi mà để trả lời rốt ráo thì thật là khó, vì lý do của mỗi nền văn hóa và kịch nghệ là khác nhau. Tuy nhiên, dường như nó cũng theo lẽ thịnh suy chung, khi mà thời của thơ và kịch thơ đã đi qua, hoặc đang xuống đáy của hình parabol, rất khó để vực dậy một sớm một chiều.

Bài kết: Những "chân dung kịch thơ Việt Nam"

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm