Yêu cầu làm rõ kẻ tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn

06/09/2012 09:49 GMT+7 | Pháp luật


(TT&VH) - Ngày 5/9, Bộ Công an đã có thông báo chính thức về việc đã bắt được bị can Dương Chí Dũng (SN 1957, trú ở phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trong cuộc họp báo Chính phủ chiều tối qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Việc tiến hành điều tra khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt với ông Dương Chí Dũng đều được chỉ đạo theo đúng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao từ đầu vụ việc này. Khi quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt được ban hành, việc thực hiện kế hoạch của Bộ Công an chưa chặt chẽ nên ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Sau khi ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm khắc nhắc nhở Bộ Công an và yêu cầu bắt bằng được ông Dũng, đồng thời làm rõ người bao che, tiếp tay cho việc bỏ trốn của ông Dũng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát vụ việc đúng với tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và cá nhân nào vi phạm đều sẽ bị xử lý, không có “vùng đất cấm”.

Dương Chí Dũng bị bắt tại nước ngoài

Dương Chí Dũng

Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) xác nhận, bị can Dương Chí Dũng bị bắt vào ngày 4/9 và ngay sau đó được di lý về Việt Nam. Trước đó, sáng 18/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và khám xét nơi ở đối với ông Dương Chí Dũng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm khám xét, ông Dũng đã không có mặt tại nơi ở.

Ngày 18/5, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động đối tượng ra đầu thú, nhưng không có kết quả. Ngày 4/9 Dương Chí Dũng bị bắt tại một nước trong khối ASEAN.

Hiện nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. “Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú sẽ được hưởng khoan hồng” - thông báo của cơ quan điều tra nêu rõ. Ngay sau khi bắt được Dương Chí Dũng, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích bắt giữ bị can này.

Làm rõ những người bao che

Ngôi nhà trên phố Nguyên Hồng của Dương Chí Dũng luôn đóng cửa im lìm từ khi Dương Chí Dũng bỏ trốn

Chiều tối ngày 5/9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chính thức về vụ việc. “Việc thanh tra, điều tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đặc biệt với Dương Chí Dũng đều được Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo sát sao ngay từ đầu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, khi có quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt với Dương Chí Dũng, được Thủ tướng chỉ đạo ban hành theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do việc thực hiện kế hoạch chưa chặt chẽ nên Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Cơ quan công an đã chỉ đạo kêu gọi đầu thú, sau đó phát lệnh truy nã trong nước, lệnh truy nã quốc tế và đã bắt được Dương Chí Dũng.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Khi Dương Chí Dũng bỏ trốn thì Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng công an phải bắt bằng được Dương Chí Dũng và làm rõ những người bao che, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn”. Thông tin chính thức từ Bộ Công an cũng nêu rõ: “những ai tham gia bao che, tiếp tay nên tự thú để hưởng khoan hồng”.

Những sai phạm của bị can Dương Chí Dũng

Theo tài liệu ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, vào ngày 1/ 2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can liên quan trực tiếp đến hành vi tham ô tài sản trong việc sửa chữa ụ nổi No83M.

Mở rộng vụ việc trên, vào tối ngày 17/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khám xét và bắt giữ ông Mai Văn Phúc (trú ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên Tổng giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều (trú ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa), Phó tổng giám đốc Vinalines.

 Theo điều tra, ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc và ông Trần Hữu Chiều có liên quan đến những sai phạm trong việc điều hành Vinalines trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines). Các bị can đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ GTVT cập nhật dự án vào quy hoạch và chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét duyệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trong quá trình phê duyệt, ông Dũng cùng thuộc cấp đã tổ chức mua ụ nổi No83 M (hạng mục chính của nhà máy) trước thời điểm phê duyệt dự án nhà máy 1 năm và khi chưa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao mặt bằng xây dựng nên khi ụ nổi mua về không có địa điểm để lắp đặt, đưa vào khai thác. Hậu quả là tính đến tháng 4/ 2010, Vinalines phải chi 30 tỷ đồng thuê chỗ neo đậu, bảo vệ ụ nổi và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua, sửa chữa ụ nổi gây thiệt hại tổng cộng là 100 tỷ đồng.


 Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm