22/09/2013 11:18 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn)- Hàng chục ngôi đình thờ tổ nghề của 36 phố phường xưa giờ đang lay lắt tồn tại hoặc đã chìm vào dĩ vàng. Trước những biến thiên của lịch sử, những ngôi đình làng của đất Kẻ Chợ giờ thành: ngân hàng, quán cafe, shop thời trang, nhà nghỉ...
Đó là một trong những nội dung của triển lãm "Đối thoại với đình làng" đang diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42, Yết Kiêu, Hà Nội).
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, tác giả của hơn 70 bức ảnh về hiện trạng 70 ngôi đình thờ tổ nghề xưa của 36 phố phường Hà Nội cho hay: Với dự án cá nhân "Tôi đi tìm ngôi nhà chung", tôi đã lặn lội gần một năm trời, tìm về nét vàng son quá khứ của những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội. Nhưng suốt một năm ấy, những thất vọng lê thê từ ngày này qua ngày khác. Những ngôi đình đã bị lấn chiếm hoặc biến mất hoàn toàn khỏi Thủ đô."
Khi được hỏi căn cứ để xác định địa điểm các ngôi đình xưa, Nguyễn Thế Sơn đáp: "Tôi có đầy đủ tài liệu để xác tín những địa điểm. Trong nhiều tư liệu tôi lục tìm, cuốn sách đem lại nhiều thông tin nhất là cuốn Di tích lịch sử- văn hóa trong khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm của NXB Hà Nội. Ngoài ra, trong quá trình điền giã, tôi cũng tìm gặp nhiều vị thủ từ xưa, nghe họ kể chuyện về từng ngôi đình cổ. Quá trình hình thành và lụi tàn của những ngôi đình ấy trước những đổi thay (cũng có thể gọi là mất chất) của đô thị.
Nguyễn Thế Sơn cũng cho hay: Với dự án này, tôi đã tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu, khảo sát Hà Nội trước khi trở thành một đô thị mang dáng dấp kiến trúc của một thành phố phương Tây hồi đầu thế kỷ. Nơi đây vốn là Kẻ Chợ, nơi tập trung các cư dân từ khắp các làng quê lên đây buôn bán sản xuất. Và cái hồi cốt làng quê vẫn đi theo họ lên kinh thành. Rồi những người nông dân, thợ thủ công... "mang" cả những ngôi đình- nơi gắn bó mật thiết với họ về mặt tinh thần- "đặt" tại đất Kẻ Chợ.
Cũng theo Nguyễn Thế Sơn, những người dân quê này cũng mang theo lên kinh thành những đức tín, tập tục thờ ông tổ nghề. Bởi vậy những người dân quê đã xây dựng lên những ngôi đình - những ngôi nhà chung khắp phố cổ Hà Nội.
"Tôi muốn nghiên cứu, đi, chụp để ghi lại hiện trạng mặt tiền của các ngôi đình làng phổ cổ. Tôi cũng muốn cho mọi người thấy những ngôi đình cổ kính xưa đã biến đổi ra sao qua các bước thăng trầm của lịch sử cũng như qua thái đội đối xử của con người trong cộng đồng với những "Di sản về vật chất và tinh thần" đó. Những bức ảnh ở triển lãm giúp những người đang sống và làm việc ở Hà Thành tìm hiểu lại lịch sử, tìm hiểu những giá trị bị che lấp, quên lãng đồng thời cũng để chúng ta biết thêm về những câu chuyện phía sau cái mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày" - Nguyễn Thế Sơn nói.
Thethaovanhoa.vn trích đăng một vài bức ảnh của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tại triển lãm với những kiến giải theo nghiên cứu, tìm hiểu của anh:
Đình Hàng Quạt, số 4 Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề Quạt. Theo Thế Sơn, trong 70 ngôi đình anh tìm hiểu và chụp lại, ngôi đình này khiến anh sốc nhất. Bởi do biến thiên của lịch sử, phần hậu cung của đình Hàng Quạt thành nhà dân.
"Hơn thế, người dân nơi đây còn dùng mảnh đất ấy để kinh doanh nhà nghỉ. Tất nhiên, những người chủ sở hữu ngôi nhà không đáng trách bởi những lớp lang cuộc sống luôn xếp chồng lên nhau và thế hệ sau không có lỗi. Chỉ trách con tạo xoay vòng thật nghiệt ngã."- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Đình Cổ Tân, 166 Trần Quang Khải giờ không còn dấu vết
Đình Đông Hương, số 82 Hàng Trống
Đình Du Vũ, 42 Hàng Da
Đình Hàng Thiếc, số 2 Hàng Nón, thờ ông tổ nghề Thiếc
Đình Hoa Thị, 90B Hàng Đào, thờ ông tổ nghề nhuộm
Đình Tử Dương, số 8 Hàng Buồm
Ngoài bộ ảnh của Nguyễn Thế Sơn, triển lãm Triển lãm "Đối thoại với đình làng" do giám tuyển – nhà nghiên cứu phê bình lịch sử mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai khởi xướng, còn có sự tham gia của nhiều 11 nghệ sĩ nổi tiếng như:Lê Hậu Anh, Lê Chí Hiếu, Vũ Nhật Tân, Đặng Thị Khuê, Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Đình Tuấn…
Theo thông tin từ BTC, triển lãm "Đối thoại với đình làng" đặt vấn đề trực tiếp về di sản đình làng Bắc Bộ. Tiêu đề mở của triển lãm tạo cơ hội để mỗi nghệ sĩ tiếp cận tùy theo góc độ, cùng suy ngẫm về những giá trị của đình làng và vai trò của di sản trong xã hội đương đại.
Bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau, triển lãm đặt câu hỏi mang tính phản biệt về vấn đề liên quan đến di sản đình làng như sự xuống cấp của di sản, sự cần thiết trong việc bảo vệ di sản, hay tôn vinh những nét đẹp của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại. Các tác phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm, cách nhìn, lối nghĩ của người nghệ sĩ, qua đó tạo những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Triển lãm diễn ra từ ngày 21/9 tới 4/10Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất