Xóa bỏ bao cấp tại các nhà hát: Cơ chế còn quan trọng hơn tiền

22/11/2014 13:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo lộ trình được các ngành quản lý đưa ra, một loạt nhà hát quốc doanh sẽ từng bước được cắt giảm dần kinh phí đầu tư từ Nhà nước trong vài năm tới, để rồi bước sang giai đoạn... tự hạch toán sau năm 2017. Vài chục năm tồn tại nhờ “bầu sữa” bao cấp ấy, họ sẽ tự... nuôi mình theo cách nào? TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - một trong 5 đơn vị đầu tiên được chọn để xóa bỏ bao cấp) về vấn đề này.

“Trước chúng tôi, một số đơn vị như Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam hay Nhà hát Lớn cũng đã bước hẳn sang giai đoạn tự hạch toán kinh doanh rồi. Nghĩa là, dù không còn bao cấp, nhiều nhà hát vẫn trụ vững nếu có lộ trình phát triển phù hợp và được đầu tư đúng mức trước đó. Điều cần bàn ở đây là sự chuẩn bị cho cuộc “tự bơi” ấy”, ông Trương Nhuận bắt đầu câu chuyện.


Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

* Nhưng trên thực tế, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là đơn vị năng động và hoạt động có hiệu quả nhất trên thị trường sân khấu phía Bắc. Xin hỏi thật, ông có chạnh lòng không, khi mà hình như đó lại là lý do để nhà hát được chọn đi đầu trong lộ trình “ngừng rót tiền”?

- Phần nào, đó cũng là tâm sự trăn trở chung của anh em - khi chúng tôi luôn cố gắng để có một lượng khán giả theo đúng nghĩa. Nhưng ngược lại, việc phải tham gia vào lộ trình xã hội hóa cũng là điều tất yếu phải làm. Những nước phát triển thường có một ngành công nghiệp văn hóa nghệ thuật thật sự và mang lại nguồn thu lớn về kinh tế, chứ không thể rơi vào tình trạng quẩn quanh, lãng phí một lượng lớn tiền đầu tư từ Nhà nước.

Chúng ta vẫn nói vui với nhau rằng thay vì cho cá, hãy sắm cho những người cần hỗ trợ một chiếc cần câu. Nhưng thật lòng, so với các đơn vị bạn trong danh sách, chúng tôi gặp nhiều bất lợi hơn cả.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Nhà hát Nghệ thuật đương đại của NSND Trần Bình có thế mạnh tuyệt đối khi nằm cạnh hồ Gươm. Tương tự, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có rạp Âu Cơ rất hiện đại; Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Công viên Thống Nhất; Nhà hát Múa rối Việt Nam tại đường Trường Chinh - đều có mặt bằng diện tích ổn định. Bởi vậy, các đơn vị này vẫn đều đặn khai thác quỹ mặt bằng nhằm tăng nguồn thu, hỗ trợ việc biểu diễn. Chuỗi quán bar, cà phê, khu ẩm thực, phòng trưng bày... có tên “Không gian văn hóa Việt” tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại là điển hình.


Nếu hoạt động theo hướng xã hội hóa đơn thuần, Nhà hát Tuổi trẻ có thường xuyên dàn dựng những vở kinh điển như Vòng phấn Kavkaz?

Ngược lại, Nhà hát Tuổi trẻ tại con ngõ nhỏ 11 phố Ngô Thì Nhậm có mặt bằng diện tích rất hẹp, thậm chí gần như hoàn toàn không có bãi để xe. Với 4 đoàn nghệ thuật hơn một trăm nghệ sĩ, chúng tôi chỉ có thể khai thác rạp để tập luyện và biểu diễn đơn thuần. Đó là chưa nói tới chuyện khai thác thêm, bản thân tần suất diễn trung bình 4 tối/tuần cho mỗi đoàn đã là minh chứng cho sự quá tải về rạp diễn.

* Nhưng chẳng lẽ, cái “cần câu cơm” cần có cho các nhà hát khi xã hội hóa chỉ đơn thuần là một địa điểm biểu diễn đẹp để khai thác kinh doanh? Tôi cũng đã nghe một số lãnh đạo ngành văn hóa thắc mắc rằng là đơn vị nghệ thuật thì cứ lo biểu diễn cho tốt, cho hay đi đã....

- Không, điều chúng tôi băn khoăn nhất ở đây là cơ chế sau khi xã hội hóa. Chẳng lẽ, để tự tồn tại, Nhà hát Tuổi trẻ khi ấy sẽ chỉ quanh năm diễn hài kịch? Trong khi, mọi đơn vị sân khấu đều cần duy trì mảng chính kịch, thậm chí là những tác phẩm kinh điển của sân khấu. Đó không chỉ là nhu cầu tự thân của người làm nghệ thuật, mà còn là chức năng định hướng về thẩm mỹ cho công chúng. Chưa kể tới những chuyến lưu diễn dài ngày phục vụ chính trị tại vùng xa hay biên giới hải đảo, tới chức năng đặc thù biểu diễn hàng trăm buổi mỗi năm để phục vụ trẻ em của chúng tôi nữa.

Trong bối cảnh bây giờ, dàn dựng những vở diễn ấy thì bán vé ở đâu? Tôi cũng có nghe tới cơ chế đặt hàng, nghĩa là các nhà hát sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và đầu ra cho những vở diễn cần thiết. Nhưng thú thật chưa có gì đảm bảo rằng kế hoạch đặt hàng ấy sẽ có lộ trình, có yêu cầu cụ thể trong tương lai. Hiện, Nhà hát Tuổi trẻ mỗi năm được Nhà nước đầu tư kinh phí tổng cộng hơn chục tỷ đồng, trong đó trung bình mỗi vở dàn dựng được đầu tư tầm vài trăm triệu. Chỉ so sánh đơn thuần, bao nhiêu vở diễn được đặt hàng mới đủ bù cho con số trước đây? (Cười).


Xóm hóng - một trong những chương trình dàn dựng theo hình thức xã hội hóa của Nhà hát Tuổi trẻ

* Vậy, nếu có thể, phía Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ đề xuất lên ngành quản lý những yêu cầu gì khi bước sang giai đoạn xã hội hóa tới đây?

- Sự thật, trong những năm qua, chúng tôi đã phần nào hoạt động theo hướng xã hội hóa rồi. Hầu hết các chương ăn khách từ đầu năm nay đến giờ đều dàn dựng từ nguồn vốn xã hội hóa. Rồi chúng tôi hợp tác, kêu gọi nguồn vốn ODA không hoàn lại từ Nhật Bản để nâng cao các thiết bị âm thanh ánh sáng, gửi 15 nghệ sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo tu nghiệp miễn phí về nghề tại Nhật Bản. Gần đây nhất là dự án Chắp cánh niềm tin, chúng tôi hợp tác với Ngân hàng SHB, Bảo hiểm BHS để có kinh phí diễn 100 suất kịch Lưu Quang Vũ miễn phí cho sinh viên, học sinh ở 109 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Nhưng, những ràng buộc theo quy định về lương, bồi dưỡng hay chế độ chính sách của nghệ sĩ thì sao? Theo định mức bây giờ, thù lao một đêm diễn của những NSND như Lê Khanh, Lan Hương hay NSƯT như Chí Trung, Minh Hằng... chỉ cao hơn vài chục ngàn so với những diễn viên trẻ mới vào nghề. Rồi bây giờ, nhà hát có tới 105 người trong biên chế, cho dù rất nhiều người trong số đó ở vào giai đoạn lớn tuổi, đau ốm, gần như không biểu diễn được nữa nhưng lại chưa đến tuổi về hưu. Trong khi đó, khoảng hơn 80 em diễn viên trẻ được ký hợp đồng và là lực lượng chính để mang lại sự tươi mới cho nhà hát. Nhưng cứ chiếu theo quy định, họ chỉ có cách tiếp tục kiên nhẫn và chờ dăm bảy năm sau để hy vọng… tới lượt mình, mỗi khi có suất vào biên chế.

Hàng loạt câu hỏi về cơ chế hoạt động và giải quyết sự tồn đọng nhân lực dôi dư như vậy cần được ngành quản lý hỗ trợ để giải quyết và chuẩn bị trong 3 năm tới. Thậm chí, trong trường hợp mọi việc chưa thuận lợi và quá khó để giải quyết dứt điểm, có lẽ chúng tôi nên được tạo điều kiện để kéo dài giai đoạn chuẩn bị thêm một vài năm. Bởi, để một nhà hát tự kiếm sống thì không quá khó. Nhưng để một nhà hát giữ đúng vai trò, chức năng về định hướng nghệ thuật và sáng tạo của mình thì lại luôn cần tới những chính sách và cơ chế phù hợp.

* Xin cảm ơn ông.

Theo lộ trình đã được Bộ VH,TT&DL phê duyệt, kể từ năm 2015 trở đi, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn tự thu chi. 4 đơn vị khác là Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh sẽ từng bước mỗi năm giảm 1/3 mức kinh phí bao cấp, để rồi hoàn toàn chấm dứt sau năm 2017.

Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm