Xin đừng lấy đội tuyển nữ để chê U23 Việt Nam

18/12/2013 09:29 GMT+7 | Bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ mỗi khi đội tuyển bóng đá nam thua trận, người hâm mộ lại chỉ trích thậm tệ. Những ý kiến so sánh về mức đầu tư và thành tích tương ứng được đưa ra. Một kết luận quen: Nam mà đá bóng không bằng nữ.

Người hâm mộ bất bình khi các nam cầu thủ nhận lót tay tiền tỉ, lương vài ba chục triệu mỗi tháng mà cứ chỉ quanh quẩn ở “ao làng” và không những thế, thành tích cứ tụt dần ở SEA Games hay AFF Cup.


Đội U23 Việt Nam lại gây thất vọng ở SEA Games - Ảnh Quang Nhựt.


Bóng đá nữ Việt Nam khổ mọi bề, từ điều kiện vật chất đến sự quan tâm của dư luận. Một cầu thủ nữ chỉ nhận lương trung bình 1-2 triệu đồng/tháng.

Chúng ta cứ nói, cứ chỉ trích và rằng, chúng ta yêu, nể phục các cô gái đá bóng. Chúng ta lấy đội tuyển nữ ra làm tấm gương phán xét đội tuyển nam. Nhiều ý kiến cực đoan thậm chí yêu cầu… bỏ bóng đá nam để đầu tư cho bóng đá nữ. Vậy trong số những người nói yêu đội tuyển nữ rất nhiều kia, họ đã thật sự yêu đội tuyển hay chưa?

Ai trong số chúng ta đã từng bỏ một bộ phim trên truyền hình, 2 giờ không lướt facebook, để bật ti vi xem một trận bóng đá nữ trực tiếp trên đài truyền hình Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia có nền bóng đá nữ phát triển cũng đau đáu bài toán phát triển bóng đá nữ, sao cho các cô gái không quá thiệt thòi với nam cầu thủ.

Vô địch cúp thế giới năm 2011, đội tuyển nữ Nhật Bản về nước trên máy bay hạng sang, ngồi ghế ngồi hạng nhất. Thế mà một năm sau, họ phải ngồi ghế hạng bình dân đến London dự Olympic 2012, trong khi đội bóng đá nam, vốn không nhiều cơ hội giành huy chương như bóng đá nữ, được ngồi hạng nhất.

“Chúng tôi hy vọng giành HCV Olympic để lại được ngồi ghế máy bay hạng nhất”, Sawa, cầu thủ nữ xuất sắc nhất năm 2011 của FIFA, chua chát nói trên Telegraph.

Năm 2011, mức thu hút đầu tư từ thể thao nữ nói chung ở Anh chỉ khoảng 0,5% tổng mức đầu tư từ các đài truyền hình từ tháng 1/2010 đến tháng 8/2011, bất chấp thu nhập từ bán vé tăng.

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới ở Đức thu hút 26300 khán giả mỗi trận. Con số này ở World Cup 2006 là hơn 52 nghìn.


Banner của CĐV Việt Nam trên khán đài - Ảnh Quang Nhựt.


Bản chất bóng đá là môn thể thao đối kháng cường độ cao dành cho nam giới. Nên chuyện một trận bóng đá nữ có chất lượng chuyên môn thấp hơn bóng đá nam, ít thu hút sự chú ý của dư luận, được đầu tư ít hơn ở các quốc gia là bình thường.  

Ở Việt Nam, khi chính CĐV, đối tượng duy nhất có khả năng thu hút quảng cáo bằng sự quan tâm thiết thực của họ cho bóng đá nữ nước nhà, chỉ thể hiện tình yêu bằng hô hào thì thật khó thay đổi cán cân vốn quá chênh lệch giữa bóng đá nam chưa từng vô địch SEA Games và tuyển nữ có cơ hội dự World Cup.

Nếu sự xót xa dành cho các cô gái đá bóng dưới trời nắng chang chang hoặc mặt sân lầy lội ở giải VĐQG chưa được thể hiện bằng hành động thì mang đội tuyển nữ ra để chỉ trích đội tuyển nam là việc làm không cần thiết.

Nói yêu không đủ. Các cô gái cần một phần nhỏ hy vọng mà chúng ta đặt vào đội tuyển nam ở các kỳ giải quốc tế, và một phần nhỏ sự quan tâm của người hâm mộ, bằng những động viên cho xứng với chữ YÊU, không chỉ ở đầu môi.

H.Đ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm