Ngẫm chuyện “quan võ quan văn” từ scandal thi cử

08/06/2012 12:30 GMT+7

Vụ gian lận trong phòng thi ở Bắc Giang bị phát giác, dư luận tức giận - các quan chức của ngành giáo dục cũng lên tiếng đòi “xử lý nghiêm” - người “xúi” em học sinh quay clip thì hả hê - người tung clip lên mạng là “cựu Người đương thời” Đỗ Việt Khoa cũng như “hồi sinh” lên báo trả lời liên tục!

Chỉ có em học sinh quay clip là ru rú ở nhà vì lo sợ: Sợ bị trả thù và sợ bị đánh trượt tốt nghiệp. Cậu ngồi đành buồn bã “vẽ” ước mơ: “Chắc là em sẽ đi làm phụ xe khách!”

Động cơ của việc tung clip này lúc đầu cứ tưởng là do “chí anh hùng” hoặc trò nghịch ngợm thích thể hiện của một cậu học sinh sau khi thi xong. Ai ngờ, đạo diễn toàn bàn tay người lớn!

Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ động cơ cá nhân của một thầy giáo từng dạy ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô có tên là Đỗ Danh Ngọc. Thầy Ngọc do bất mãn với việc nhà trường từng phủ nhận các cố gắng của mình, đuổi việc không rõ lý do và bị cô lập. Bản thân thầy Ngọc đã nhiều lần tố cáo về những tiêu cực tại nhà trường, của hiệu trưởng – thậm chí đã có lần thầy kiện trường ra tòa án dân sự yêu cầu nhà trường bồi thường, xin lỗi.


Do bức xúc trước nhiều chuyện chướng tai gai mắt ở trường nên thầy Ngọc quyết tâm “làm cho ra nhẽ” và đưa chuyện gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô lên mạng. Thế là thầy liên hệ với thầy Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội và được thầy Khoa hướng dẫn chi tiết các cách thức để quay phim trong phòng thi, vì khoản này thầy Khoa đã có kinh nghiệm từ vài năm trước. Thầy Ngọc còn được thầy Khoa cho mượn bút camera – một thứ “đồ chơi gián điệp” trôi nổi trên thị trường.

Ngoài chiếc bút quay phim mượn của thầy Khoa, thầy Ngọc còn đi mua thêm một chiếc bút quay nữa để thu được nhiều hình ảnh. Tiếp theo đó, thầy  đã thuyết phục được em học sinh S. quay cho thầy làm tư liệu. Sau khi đã có trong tay đoạn phim, thầy Ngọc gửi cho thầy Khoa và clip cứ thế được tung lên mạng hoặc chuyển cho các cơ quan báo chí.

Sau khi vụ việc vỡ lở, cả thầy Ngọc và thầy Khoa đều lên báo bày tỏ những bức xúc, “nỗi lòng” của mình.

Thầy Đỗ Việt Khoa thì có dịp sống dậy khí thế của “Người đương thời” khi liên tục xuất hiện trên báo chí, internet để kể về vai trò “tham mưu” của mình và cũng không quên lên giọng yêu cầu “lãnh đạo Bắc Giang và Bộ hãy giải cho tôi bài luận về sự dối trá này thông qua việc giải quyết tiêu cực xảy ra tại Bắc Giang này”. Đã mấy năm trôi qua, kể từ khi phai nhạt vai trò “Người đương thời”, giờ thầy mới được báo chí quan tâm đến thế!

Ở Bắc Giang: Thầy Ngọc không ngờ hiệu quả việc tố tiêu cực lại lớn đến vậy. Lớn đến mức chủ tịch hội đồng thi bị đình chỉ, cả tỉnh ai cũng phải biết đến thầy, cả trường chắc chắn sẽ hối tiếc vì đã không đối xử tử tế với thầy. Sau một thoáng bất ngờ, chắc chắc thầy cũng vui vì đạt được mục đích của mình: Cho thiên hạ thấy trường mình xấu như thế nào!

Ở Hà Nội: Các quan chức ngành giáo dục cũng lên tiếng một cách không né tránh: Quyết không bao che cho sai phạm nhưng “không thể lấy tiêu cực để chống tiêu cực” và hứa sẽ xử lý nghiêm cả hành vi tiêu cực và cả hành vi quay phim vi phạm quy chế thi.

Tại nhà em S – “người hùng” của scandal lần này: Căn nhà tuyềnh toàng, có 3 chị em, mẹ mất sớm, bố làm nghề thợ xây. Sau một chút sung sướng vì làm một việc được nhiều người chú ý, S. bắt đầu lo lắng cho số phận của mình và bắt đầu ngồi vẽ ước mơ làm phụ xe khách.

Lại nhớ chuyện quan văn quan võ khi xưa: Thằng bé ngồi trên cây thấy ông quan văn đi qua, liền đái vào đầu, ông không đánh mắng mà bảo xuống đây ông cho tiền. Thằng bé thấy bở, lúc thấy quan võ đi qua cũng đái, quan võ tuốt gươm chém chết thằng bé. Thế là bị tước áo mũ và tống vào đại lao. Sau này người đời mới ngẫm ra: Quan văn ghét quan võ, nhưng đâu cần động tay!

Chuyện xưa ngẫm nay, xem chừng các thầy của ta cũng xứng là cao thủ!

Theo Năng lượng mới


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm