21/04/2012 05:55 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - Lần đầu đặt chân đến phố cổ Melaka của Malaysia, tôi ngỡ mình có may mắn được chứng kiến một đám rước dâu lộng lẫy của một thiếu gia nào đó ở đất này. Nhưng tôi đã nhầm. Những chiếc xe hoa di động ấy chỉ là những chiếc xích lô hết sức bình thường đang đón khách - nghề câu cơm của người lao động xứ này. Và nếu như được làm lại phim Xích lô, tôi sẽ không làm sự nghèo khó, khốn cùng, hay sự “không âu lo” về một phương tiện chuyên chở thô sơ giữa phố xá ồn ào. Tôi sẽ làm phim về tình yêu xích lô vô bờ của… những người đạp xích lô.
Cơn mưa duyên hải ào ạt qua nhanh trên những mái phố cổ lô xô có một cái gì đó rất giống với Hội An. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì phố cổ Melaka và Hội An có thể coi là một cặp song sinh. Cả hai đều là những thương cảng cổ nổi tiếng thế giới của vùng Đông Nam Á “hướng ra biến”. Chúng đều được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15, 16 với sự pha trộn giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc ngoại lai do các thương lái phương Đông hoặc phương Tây mang đến. Cả hai đều đã được công nhận là di sản thế giới và đều lưu giữ được, không chỉ những mái nhà cổ, mà cả nhịp sống chậm đặc trưng của thời kỳ tiền công nghiệp. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã từng so sánh 3 đô thị Hội An, Phố Hiến và Melaka về mặt lịch sử và quy hoạch kiến trúc. Nhưng với xích lô thì tôi muốn đưa thêm phố cổ Hà Nội.
Thú thực trước khi tới Melaka, tôi cứ nghĩ xích lô là một phương tiện “thuần chủng” của Việt Nam, làm cho Tây vừa kinh ngạc, thót tim vừa khoái chí khi cưỡi nó lượn vòng vòng quanh bờ Hồ hay chợ Bến Thành. Và hình tượng xích lô trong tôi, cùng với các biến thể của nó là xe lôi, xe ba gác… luôn gắn với sự nghèo khổ, lao động chân tay hay sự thô sơ, cũ kỹ. Kể cả khi xích lô tham gia làm du lịch hay chở trầu cau đi ăn hỏi trước đám cưới thì tôi cũng chỉ nghĩ rằng người ta muốn khai thác sự thô sơ đó giữa cuộc sống hiện đại để được hồi cố.
Nhưng với xích lô Melaka thì không.
Trung tâm phố cổ Melaka cuối tuần đông đúc tựa Hàng Ngang, Hàng Đào. Bất ngờ ô tô, người đi bộ rẽ ra hai bên, trong tiếng chuông reo lanh canh, một đoàn xích lô chở khách chậm rãi tiến đến. Bác đạp xích lô, cũng như ở xứ xở mình, da đen trũi, mặt sạm nắng đẫm mồ hôi đang gò lưng trên yên xe. Còn du khách thì thường ngồi đôi hoặc thậm chí ngồi ba, thêm lóc nhóc mấy đứa trẻ con nữa, cả một gia đình chễm chệ trên thùng xe, ung dung chỉ trỏ ngắm phố phường. Cái sự tương phản ấy bỗng dưng biến mất một cách kỳ lạ khi tôi nhìn thấy trên xe hoặc chỉ có người và phương tiện sắt thép mà là cả một vườn hoa lộng lẫy. Hoa cúc, hoa phong lan, hoa thược dược, hoa bưởi… và nhiều nhất là hoa dâm bụt (quốc hoa của Malaysia) được kết thành vành, thành tràng, thành hình trái tim, hình mái nhà, hình ngôi sao... đặt trên nóc xe, trải trên ghế tựa, treo trên ghi-đông xe, hay bất cứ chỗ nào có thể treo được. Đoàn xích lô biến thành một đám rước trong tiếng nhạc réo rắt phát ra từ hệ thống loa gắn trên xe. Sắt thép của chiếc xích lô biến mất. Sự mệt mỏi cũng biến mất. Đoàn xe như đang cử hành một nghi lễ cổ sơ rộn ràng…
Khi quan sát cách bài trí hoa lá trên những chiếc xích lô ở Melaka, cảm giác rằng chủ nhân của nó, những người lao động Malaysia có một tình yêu và sự dâng hiến cho cái đẹp giống như những tín đồ Hindu giáo mà tôi gặp ở các nhà thờ trên đất nước này. Trước khi vào các ngồi đền Hindu giáo, du khách mua những tràng hoa thơm nức quàng lên cổ mình để hương thơm như một thứ thuốc thanh tẩy cơ thể và tâm hồn để mình có thể dâng hiến niềm tin lên các vị thần mang tên Sáng tạo, Sinh trưởng hay Hủy diệt. Thì đây, bác đạp xích lô già cũng chăm chút cho chiếc xe đón khách của mình bằng tất cả những bông hoa (hoa giả) mà bác ta yêu thích. Không có công thức chung, không có chiếc xích lô hoa nào giống chiếc nào, tất cả đều là sự tự biên tự diễn của các bác. Có khi hoa được kết bên trên để che nắng, có khi chiếc ô biến thành một mái lều hoa, hoặc một mái nhà hình tháp, có khi biến thành một con bướm sặc sỡ, có khi lại là một con bọ cạp đen sì hai càng cắp hai cô gái cùng một chú chim Angry Bird. Hấp dẫn nhất là chiếc xích lô tạo dáng hao hao hình một con thuyền cổ phủ đầy hoa như những con thuyền chở hồ tiêu từng chạy trên dòng sông Melaka…
Xích lô là một từ chung chỉ những phương tiện ba bánh chở hàng hay chở khách. Đó là một thứ phương tiện rất phổ biến trên thế giới, phổ biến như số người nghèo vậy. Và người nghèo thì chẳng bao giờ hết, vì thế từ Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Việt Nam, Malaysia… những chiếc xích lô vẫn cứ tồn tại. Ở Việt Nam, vào thời “người ngựa ngựa người” chiếc xe chỉ có hai bánh và do người kéo, sau đó nó được gắn vào cỗ máy thô sơ nhất do con người sáng tạo ra là bộ xích và líp để người ngồi đằng sau đạp. Hình ảnh chuẩn mực về chiếc xích lô Việt Nam là như thế, mọi sự sáng tạo sau này như “buộc” vào đuôi một chiếc xe gắn máy để nó chạy lồng nhồng trên phố chỉ là một sự biến tướng, lai căng, thiếu an toàn. Chiếc xích lô du lịch hay cưới hỏi với nệm ghế bọc da đỏ, cắm ô bên trên cũng chỉ là thêm thắt vào cho sang trọng hơn chút mà thôi.
Nhưng ở Melaka, chiếc xích lô là một “nhánh tiến hóa” khác, chẳng hạn, người đạp ngồi ngang hàng với khách, lái bằng ghi đông, y hệt như xe xít-đờ-ca. Như thế có cái tiện lợi là người đạp xích lô và khách có thể nhìn thấy mặt nhau khi trò chuyện, và sự hiện diện của người lái ở ngay bên cạnh cũng giúp cho khách cảm thấy yên tâm hơn, không còn rơi vào cảm giác “chơi vơi” như khi phải tênh hênh ngồi trên thùng xe, trong khi chiếc thùng xe chở mình cứ phăm phăm tiến ra giữa phố xá đông đúc.
Không phải du khách nào cũng thích thú khi ngồi ngập lút trong đống hoa giả nóng nực trên chiếc xích lô ở Melaka. Có vị khách Việt Nam còn lắc đầu lè lưỡi vì trông nó giống với… xe đưa ma. Nhưng cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của xích lô Melaka, tự thân nó đã tạo ra không khí lễ hội cho đường phố với những chiếc xe giống như đang diễu hành.
Đường phố Melaka đông đúc không kém gì phố cổ Hà Nội, sao họ vẫn chấp nhận những chiếc xích lô thô sơ, thậm chí còn cho phép chúng kềnh càng ra với biết bao nhiêu là tràng hoa chất lên? Tôi không tin rằng một ngày nào đó người Malaysia sẽ loại bỏ xích lô hoa ra khỏi phố cổ của họ, và thay thế chúng bằng những chiếc xe điện mang đầy tính công nghiệp, mặc dù truyền thống xích lô của họ chắc chắn sẽ không điển hình bằng phố cổ của chúng ta. Và nếu chúng ta chăm chút nhiều hơn cho chiếc xích lô truyền thống của mình, bằng những cách thức sáng tạo, thì chắc chắn chiếc xích lô sẽ tiếp tục hiện diện trong các đô thị của Việt Nam, nhất là những đô thị cổ, đô thị du lịch như một sản phẩm không thể thay thế.
Nguyễn Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất