(TT&VH) - Ngày 24/9, Tòa án nhân dân TP.HCM đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM đã đề mỗi bị cáo lãnh mức án 5 - 6 năm tù.
Sau cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phiên toà tiếp tục phần xét hỏi hai bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả (nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM). Khi xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu hỏi bị cáo Lê Quả: “Bị cáo có thẩm quyền khai thác căn nhà này không?”, Lê Quả đã không trả lời được câu hỏi. Lê Quả khai không nhớ cụ thể số tiền mà Cty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) trả hàng tháng cho Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP. HCM là bao nhiêu; bản thân chỉ đóng vai trò là Phó Giám đốc giúp việc cho ông Sĩ; trên cơ sở ông Sĩ đồng ý thì mới dám quyết định cho Cty PCI thuê nhà làm trụ sở. Bị cáo thừa nhận đã ký toàn bộ việc nhận tiền của Cty PCI dưới danh nghĩa trả tiền thuê nhà và khẳng định, số tiền này không hề liên quan đến tiền ODA của Nhật Bản.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ cũng đã không trả lời được câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc lời khai của một nhân chứng nói rằng, trong các cuộc họp giao ban của BQL Dự án, Sĩ đã biết việc Cty PCI thuê nhà nhưng vẫn chỉ đạo cho Quả tiến hành tiếp nhưng phải tiến hành một cách chặt chẽ, tránh phiền hà về sau.
Cả hai bị cáo Sĩ và Quả đều cho rằng, mục đích đưa ra quyết định cho Cty PCI thuê nhà là muốn nhân viên BQL Dự án học hỏi kinh nghiệm, ngoại ngữ, nâng cao năng lực quản lý, để dễ quản lý hơn tiến độ thực hiện Dự án và đặc biệt là tạo khoản “bồi dưỡng” cho nhân viên (trong đó có bản thân hai ông). Cả hai bị cáo đều thừa nhận sai phạm, riêng Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng, bản thân chỉ phạm tội “thiếu tinh thần trách nhiệm” chứ không thể “lợi dụng chức vụ quyền hạn” như VKSND truy tố. Thậm chí Sĩ còn nại rằng, nếu biết được việc Cty PCI thuê nhà sẽ “chỉ đạo khác”!
Đại diện VKSND đã bác các lập luận nêu trên của hai bị cáo Sĩ và Quả, cho rằng, trên cương vị Giám đốc và Phó Giám đốc của BQL Dự án, hai người này biết rõ hơn ai hết nguồn tiền có được do đâu ra, sẽ được chi vào các khoản nào. Riêng với bị cáo Huỳnh Ngọc sĩ, trong tổng số 42 lần nhận tiền theo bảng danh sách mà bà Chu Thị Mai (nhân viên BQL Dự án) lập (10 lần do người khác nhận hộ) kéo dài trong vòng 16 tháng thì không thể có chuyện thiếu tinh thần trách nhiệm, sai sót. Hành vi phạm tội của Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đã gây thiệt hại cho Nhà nước 1,2 tỷ đồng, làm mất uy tín của UBND TP.HCM, uy tín của các cơ quan nhà nước và ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại quốc gia (trong đó có quan hệ thương mại Việt - Nhật).
Trong phần bào chữa của mình, các luật sư đều tập trung làm rõ vấn đề không có thiệt hại vật chất đối với Cty quản lý kinh doanh nhà thành phố, BQL Dự án; làm rõ động cơ mà hai bị cáo Sĩ và Quả cho Cty PCI thuê nhà là nhằm nâng cao năng lực quản lý và tạo nguồn thu nhập cho cán bộ, nhân viên.
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Sĩ cho rằng, trong hợp đồng cho thuê nhà giữa Cty quản lý kinh doanh nhà thành phố với BQL Dự án không có quy định nào về việc nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị đưa ra tòa và bị truy tố hình sự. Với việc đại diện Cty này, bà Ngô Thị Ngọc Thanh và ông Lê Hữu Dũng, đại diện BQL Dự án thừa nhận không có thiệt hại về vật chất, nguồn thu bất chính 1,2 tỷ đồng đã được các bị cáo nộp khắc phục vào ngân sách nhà nước, nên mức án mà đại diện VKSND đề nghị theo khoản 3 điều 281 Bộ Luật Hình sự là không thực.
Hôm nay 25/9, Tòa tiếp tục với phần tranh luận còn lại của hai luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Quả và dự kiến sau đó, Tòa sẽ tuyên án.
H.T