Xem phim 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại': Hình tượng trọn vẹn về Đại tướng

07/09/2021 09:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim tài liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện vừa lên sóng VTV1, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam - một vị tướng huyền thoại.

Xây dựng các quân đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Xây dựng các quân đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2021) là danh tướng kiệt xuất thời đại, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Đặc biệt, ở những thời điểm lịch sử quan trọng, Đại tướng thường đưa ra quyết sách đúng đắn, sáng tạo, làm tiền đề giành thắng lợi quyết định.

Phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại có thời lượng 46 phút do NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đảm nhiệm.

Đã có nhiều bộ phim tài liệu hay, xúc động về vị tướng của lòng dân, nhưng bộ phim của Trịnh Quang Tùng thực sự đã lôi cuốn khán giả theo góc nhìn khá mới, tạo điểm nhấn xúc động về cuộc đời Đại tướng gắn với bối cảnh lịch sử của đất nước, dân tộc.

Chú thích ảnh
Phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại”

Là một khán giả, ngay sau khi xem phim, tôi đã gửi lời chúc mừng đến ê-kíp làm phim và được đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ: “Chị là nhà văn, lại giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực điện ảnh sân khấu nên hiểu rất rõ thách thức với bất kỳ ê-kíp sáng tạo nào thực hiện - khi trước đó đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh quá hay, chân thực, xúc động về Đại tướng. Khi được Bộ VH,TT&DL giao trọng trách này, chúng tôi cảm nhận được vinh dự, trách nhiệm lớn lao và cũng không tránh khỏi áp lực. Làm mới là mục tiêu luôn thôi thúc trái tim nghệ sĩ, nhưng không dễ. Biết là khó, nhưng đoàn làm phim xác định phải nỗ lực tìm hướng đi. Độ lùi thời gian lịch sử sẽ giúp mỗi nghệ sĩ có góc nhìn mới khi tiếp cận".

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại”

Anh tâm sự: "Điều quan trọng, chúng tôi muốn gửi đến khán giả hình tượng Đại tướng một cách trọn vẹn nhất từ cuộc đời đến trọng trách với đất nước, đặt trong tiến trình lịch sử. Vì thế, toàn bộ ê-kíp đã bàn bạc kỹ lưỡng, chủ động hướng tiếp cận, tạo điểm nhấn cho bộ phim chính là thiên tài quân sự, tính nhân văn, sự quyết đoán trước những quyết định lớn lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Xác định thông điệp chính, trước khi bắt tay thực hiện những cảnh quay đầu tiên (4/2021), ê-kíp đã dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị tư liệu cho kịch bản từ nhiều nguồn tư liệu. "Trước hết, chúng tôi tìm, khai thác gần 50 cuộn phim nhựa, hàng chục băng tư liệu về Đại tướng trong kho lưu trữ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Sau đó gặp các nhân vật liên quan đến Đại tướng, phỏng vấn các nhà khoa học…” - đạo diễn cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Phỏng vấn cụ Bàn Thị Chủ - người đưa cơm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Cao Bằng. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Là thể loại phim tài liệu, ngoài yếu tố nghệ thuật, bộ phim về nguyên tắc đã đảm bảo tính chân thực, tính chính luận, khách quan; tuân thủ theo đặc trưng phim tài liệu có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa... Ngoài hình ảnh tư liệu khai thác từ Hãng, ê-kíp đã thực hiện những cảnh quay liên quan đến Đại tướng từ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), đến quê hương Quảng Bình (nhà lưu niệm ở Lệ Thủy, khu mộ của Đại tướng…) và các địa phương in dấu ấn cuộc đời vị Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam (Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng…).

***

Bộ phim đã đề cập đến nguồn cội gia đình, truyền thống quê hương, quá trình hoạt động cách mạng, tài năng, tâm tuệ của Đại tướng với vai trò là Tổng Tư lệnh Quân đội, kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đặc biệt, phim đã khắc họa thành công chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phong thái của một vị tướng đức độ và tài năng, khiêm tốn và giản dị, dân chủ và bao dung, mạnh mẽ và quyết đoán. Câu trả lời của Đại tướng với báo chí phương Tây đã toát lên tâm tuệ sáng ngời đó: “Tôi chỉ là một thầy giáo yêu Tổ quốc mình. Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là thầy giáo”.

Chú thích ảnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái

Phim còn đề cập tới mối tình đầu của chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp với cô nữ sinh Trường Đồng Khánh Nguyễn Thị Quang Thái - em gái của nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai. Mới 15 tuổi, chị Quang Thái đã bị thực dân Pháp bắt giam. Trong nhà tù Lao Bảo, những bài thơ yêu nước của cô nữ sinh Quang Thái khiến đồng chí Võ Nguyên Giáp chú ý, cảm kích, mến phục, yêu thương. Sau 2 năm tù đày, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái được trả tự do. Năm 1939, đám cưới của 2 chiến sĩ cách mạng trung kiên được tổ chức giản dị, ấm cúng tại Vinh (Nghệ An). 2 vợ chồng ra Hà Nội và kết quả tình yêu của họ là con gái Võ Hồng Anh ra đời. Hạnh phúc bên nhau không bao lâu và nối dài sự xa cách là sự hy sinh của người vợ trung kiên Nguyễn Thị Quang Thái… Câu nói của con gái về người cha của mình thật cảm động: “Cha tôi mang trong tâm hồn những vết thương mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa được”…

***

Để hoàn thiện chân dung, ê-kíp đã phỏng vấn nhiều nhân vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của vị tướng huyền thoại như: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4); Đại tá Nguyễn Bội Giong (thư ký của Đại tướng); Đại úy Phạm Đức Cư (Tiểu đoàn Pháo cao xạ, trận Điện Biên Phủ 1954)…Vượt qua rất nhiều khó khăn khi thực hiện bộ phim trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, đoàn may mắn đến Cao Bằng phỏng vấn cụ Bàn Thị Chủ - người từng làm liên lạc, đưa cơm cho Đại tướng. Cụ là người dân tộc Dao, đã hơn 96 tuổi, nhưng khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Bàn Thị Chủ vẫn minh mẫn nhắc lại những ký ức năm xưa được đưa cơm phục vụ Đại tướng; dạy tiếng dân tộc thiểu số cho Đại tướng thời kỳ hoạt động ở Cao Bằng và sau này nhận là anh em kết nghĩa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước hòa bình, cụ đã về Hà Nội thăm vị tướng tài năng, nhân hậu đã gắn với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng…

NSƯT Trịnh Quang Tùng không giấu nổi cảm xúc khi bộ phim về Đại tướng nhận được những tình cảm yêu mến của khán giả. Anh xúc động chia sẻ: “Khâu kịch bản, tư liệu đã được chuẩn bị kỹ càng, đến tháng 4 chúng tôi bắt đầu bấm máy những cảnh đầu tiên và ngày 20/8 bộ phim hoàn thành trước thời điểm phát sóng 1 tuần. Chúng tôi triển khai bộ phim trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mặc dù những khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, nhưng toàn bộ ê-kíp đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, đặt mục tiêu cao nhất và quyết tâm cao nhất thực hiện một tác phẩm nghệ thuật để tri ân vị tướng huyền thoại đã đi vào lòng nhân dân”.

Kết lại bài viết, dư âm bộ phim và lời bình cứ da diết đầy cảm xúc tri ân: “Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Việt Nam mà còn là vị tướng huyền thoại khiến thế giới vô cùng kính phục, nể trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng vì hòa bình, vị tướng của nhân dân, thiên tài quân sự lớn của nhân loại... Tài năng xuất chúng, phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi hòa cùng non sông đất nước, viết tiếp những trang sử đầy tự hào, chiếu sáng cho các thế hệ tiếp bước, kế thừa, phát huy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong những chặng đường phía trước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời nhân cách của một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn - NSƯT Trịnh Quang Tùng (thứ hai phải sang)
Chú thích ảnh
Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay ở quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chú thích ảnh
Đoàn làm phim bên tượng Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch Đông Khê (núi Báo Đông, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng)

Phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một huyền thoại”:

Ê-kíp thực hiện bộ phim

- Đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng.

- Kịch bản và lời bình: Đỗ Thị Huyền Trang (Trang Anh).

- Quay phim: Đặng Xuân Trường - Lương Bá Sơn.

- Flycam: Đức Huy - Quốc Khánh.

- Kỹ thuật VTR: Hoàng Quốc Khánh.

- Dựng phim: Dương Thu Thảo - Nguyễn Văn Tùng.

- Âm thanh: Lê Phú Hậu.

- Ánh sáng: Trần Văn Cường.

- Nhạc sĩ: Đặng Thế Chiến.

- Chủ nhiệm: Nguyễn Thị Hiền.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm