24/06/2021 17:29 GMT+7 | Ký sự Euro
(Thethaovanhoa.vn) - Samer Tannous, một giảng viên ở đại học thủ đô Damascus Syria tới Đức sinh sống cùng vợ và hai con gái từ tháng 12/2015. Trong những nỗ lực tìm hiểu phong tục tập quán của ngôi nhà mới, Tannous đã nhờ tới bóng đá, đặc biệt là kỳ EURO này để truyền tải một thông điệp tình yêu cùng cô con gái lên 9 của mình.
Tình yêu với quê hương thứ hai đang cưu mang họ trong những năm tháng mà quê nhà Syria phải oằn mình gánh chịu khó khăn từ chiến tranh.
Thần tượng Cristiano Ronaldo
Christina - con gái của Tannous là một fan hâm mộ của Cristiano Ronaldo. Cô bé rất thích bóng đá và thường hay chơi cùng các bạn ở trường và kì EURO này có thể ngồi xem cùng bố. Trước mỗi trận đấu của đội tuyển Đức, cả gia đình Tannous đều yên vị trước màn hình từ khi các cầu thủ hát quốc ca. Anh hỏi con gái có hiểu những gì mà những người đàn ông kia đang hát hay không. Christina đương nhiên còn khá nhỏ để thấy hết ý nghĩa sâu xa trong những lời ca đó. Tannous không hối ép mà chờ đợi một cơ hội thích hợp hơn để giải thích cho con.
Vì là fan của Ronaldo nên trong trận Đức gặp Bồ Đào Nha, gia đình Syria này tạm “mất đoàn kết”. Christina đã hào hứng khi Ronaldo mở tỉ số trận đấu và đã mơ về một trận thắng cho thần tượng của mình. Rồi cô bé thất vọng với kết quả cuối cùng còn bố của cô thì có được cơ hội vàng để đưa ra một thông điệp quan trọng. “Con có thấy rằng một siêu sao là không đủ để tạo nên một tập thể không? Ngay cả cỡ Ronaldo cũng không có cơ hội gì trước một đội bóng chơi như một tập thể thực sự. Đó là sức mạnh của tình đoàn kết”.
Và đó cũng là một trong những ý nghĩa sau cùng của quốc ca nước Cộng hòa liên bang Đức. “Hãy cùng nhau phấn đấu như anh em một nhà bằng cả trái tim và tay nắm lấy tay” (Brüderlich mit Herz und Hand). Tannous bảo rằng quốc ca của nước Đức còn phản ánh cả hình ảnh nước Đức trong mắt anh và những người tị nạn, nhập cư khác trên đất nước này, với câu “Thống nhất, và bình đẳng, và tự do” (Enigkeit und Recht und Freiheit). Phải rồi, những con người không chung sắc tộc, màu da đã cưu mang những kẻ yếu thế, khó khăn hơn mình ở mảnh đất tự do và bình đẳng này. Số người nhập cư tới từ Syria ở Đức vẫn tăng đều trong suốt 10 năm qua. Bắt đầu bằng con số hơn 30 ngàn người vào năm 2010, đến năm 2020 đã là hơn 818 ngàn người.
Sức mạnh từ những người nhập cư
Bài quốc ca và chiến thắng trước Bồ Đào Nha đã khơi dậy niềm hứng khởi trong Christina theo lời bố của cô bé. “Được, giờ con sẽ ủng hộ đội tuyển Đức. Nhưng Cristiano vẫn sẽ là cầu thủ yêu thích của con!”, cô bé nói. Và thế là Tannous có thể hài lòng. Anh không chỉ yêu đất nước đang cưu mang cả gia đình mình, mà còn muốn truyền cả nhiệt huyết ấy cho thế hệ sau. Cô bé Christina, và em ruột mình sẽ lớn lên đầy đủ, bình thường như bao trẻ em Đức bình thường khác. Chỉ khác rằng trong cô bé là một thứ DNA mãnh liệt hơn, thứ tình cảm bao hàm cả lòng biết ơn được truyền từ bố của mình. Cô bé sẽ nhớ mãi về kỳ EURO 2020, khi chính thức trở thành fan của đội tuyển Đức, khi bắt đầu hiểu bài quốc ca và tinh thần Đức trong bóng đá.
Năm 2015, cái năm mà gia đình Tannous được Đức tiếp nhận từ Syria, bà Angela Merkel đã được tạp chí Time và hãng tin AFP bầu chọn là nhân vật của năm với những nỗ lực đưa người tị nạn vào Đức nói riêng, châu Âu nói chung. Tuy nhiên, bà cũng hứng chịu một làn sóng chỉ trích từ chính một bộ phận người dân của mình và chính trị gia các nước trong liên minh EU. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, giờ đây nước Đức vẫn ổn, không bị chia rẽ hay xuống dốc vì 1 triệu người nhập cư năm xưa, câu chuyện đã gây ra không biết bao tranh cãi, mâu thuẫn nội bộ và quốc tế. Bà Merkel đã không sai.
Nhất là với những người nhập cư đang ngày ngày đóng góp sức lao động và tình yêu nước Đức như Tannous. Anh đang là giáo viên tiếng Pháp ở trường học và cùng một người bạn của mình nghiên cứu, viết lách nhiều về văn hóa, con người Đức.
Ở kỳ EURO này, Đức cũng là nước hăng hái nhất trong việc thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt bất kì thành phần xã hội nào. Bằng chứng là ở chiếc băng đội trưởng cầu vồng của Manuel Neuer và thỉnh nguyện được thắp sáng sân Allianz bằng sắc màu ấy của thành phố Munich để ủng hộ cộng đồng người đồng tính trong Tháng cầu vồng (Pride month). UEFA đã từ chối mong muốn này nhưng điều ấy cũng không dập tắt được quan điệp mà nước Đức đã truyền đi khắp thế giới ở kỳ EURO này. Họ không ồn ào, không đao to búa lớn, chỉ lẳng lặng đưa cầu vồng ấy lên cánh tay của Neuer.
Như cách họ liên tiếp đón nhận người nhập cư trong suốt thập kỷ qua. Và bản thân đội tuyển Đức cũng là một tập thể dần đa sắc hơn với nhiều cầu thủ có gốc gác từ nơi khác. Ví dụ như mẹ của Serge Gnabry là một người nhập cư Bờ Biển Nga, mẹ Antonio Rüdiger tới từ Sierra Leone, Leroy Sane có bố là người Senegal, đều là hai quốc gia ở Tây Phi, Emre Can, Ikay Gündogan đều có gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nên, rất có thể trong một tương lai không xa, người ta sẽ thấy những cầu thủ mang gốc gác Trung Đông, đặc biệt là Syria ở đội tuyển Đức. Đó là những cậu bé đã an toàn đặt chân được lên mảnh đất bình yên này sau nhiều tháng ngày lênh đênh trên biển cũng gia đình mình trong những năm 2010. Hoặc là những cậu bé được sinh ra trên đất Đức vì cha hay mẹ mình đã vượt bao đầy ải khó khăn để có một cuộc sống bình thường, yên ổn ở đây.
Và nước Đức, đội tuyển Đức sẽ vẫn ngày một lớn mạnh cùng tình yêu của người nhập cư.
Yến Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất