14/05/2021 09:11 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Ký ức của Nguyễn Hồng Hưng đang diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội (sẽ kéo dài đến 17/5). Những “cấu trúc nghịch lý” của ông trong triển lãm này gây cho tôi nhiều bất ngờ: Chỉ có người làm điêu khắc mới có thể nghĩ ra và chỉ có người nghiên cứu “design thị giác” mới có thể làm được thế…
1. Khoảng 30 năm trước khi còn ở Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng, bên cạnh những tượng tìm tòi, phá cách về mỹ thuật, còn viết truyện ngắn. Nhiều truyện của ông, in trên tờ Văn nghệ, vẫn còn chập chờn trong trí nhớ tôi về cảnh những cơn mưa Hà Nội, phố lụt như lũ rừng… nhưng lại rất trừu tượng, rất mới. Với người quen với truyện hiện thực như tôi thì đọc không hiểu…Lúc ấy tôi chưa biết viết lách gì, nên không dám hỏi.
Từ rất sớm, Hồng Hưng đã có thói quen không chịu sao chép hiện thực, luôn cựa quậy tìm cho mình một lối đi khác thường, khá ương ngạnh và luôn không bằng lòng với mình trước những gì muốn thể hiện. Bây giờ sau rất nhiều năm làm nghề, tôi hiểu ra rằng ông là người cá tính, khó tính và cô quả trong việc tìm cho mình tiếng nói nói nghệ thuật. Nói chung ông thuộc dạng “ngang cành bứa”, luôn có thói quen của cái đầu nghĩ ngợi, luôn phản biện lại chính mình!
Bẵng mấy chục năm ông mất hút, chẳng biết đi đâu, rồi bất chợt gặp ông trên Facebook. Thấy mái đầu đã bạc! Thì ra ông đã chuyển vào Nam từ bao giờ. Ông đứng trên bục giảng trường đại học, dạy về Nguyên lý thị giác, viết sách Nguyên lý design thị giác và Bố cục thị giác, mỗi cuốn vài trăm trang in tại NXB Đại học quốc gia. Tôi đã đọc và quả thật đọc chậm và rất khó nhằn. Nhưng đó là những trang viết khoa học rất cần cho kỹ năng nghề, những đúc kết không phải ngày một ngày hai có được.
2. Bất ngờ lần này ông ra Hà Nội làm triển lãm hội họa có tiêu đề Ký ức, bày gần 50 tranh. Tôi lướt qua, vẫn thấy một Hồng Hưng dẻo dai với sân chơi độc đáo của riêng mình. Từng ấy tranh thuộc hàng tối giản, có đủ biểu hiện, trừu tượng, hiện thực, tượng trưng…
Ông nói với tôi là chỉ vẽ từ ký ức, kể cả hiện thực, không bao giờ có mẫu mã. Những bố cục chỉ đen trắng, đỏ trắng, vàng đỏ như những tuyên ngôn về một nhận thức thực tại. Ông vẽ ngựa phi thì tôi nhìn ra gió, ra nắng, ra tiếng lục lạc, dù ông bảo với tôi chỉ vẽ chơi. Vâng, sự chơi của các họa sĩ cũng năm, bảy đường. Tôi biết ông đang tìm khoảng đất trống người khác chưa cày xới để gieo hạt mới đấy!
Nhưng ông đã có một của độc là những“cấu trúc nghịch lý” trong triển lãm này,gây cho tôi nhiều bất ngờ: Chỉ có người làm điêu khắc mới có thể nghĩ ra và chỉ có người nghiên cứu “design thị giác” mới có thể làm được thế. Tôi không biết rồi chân trời của nó là đâu, nhưng dường như nó là một gợi ý mở đường cho những tạo hình tương lai. Chưa rõ là cái gì nhưng tôi thấy hay vô cùng.
Hãy nhìn chữ H, chữ B, chữ E, chữ Q…và nhiều chữ khác (trong những bức tranh Cấu trúc nghịch lý). Với cách cấu trúc này thì bản thể 1 con chữ thôi,nội hàm cấu trúc của nó trở nên phong phú lên bội phần vì cái “nghịch lý” này sẽ đẻ ra hàng chục cấu trúc khác trên 1 cá thể, và nó giải phóng cho người tạo hình vô tiền khoáng hậu. Cái nghịch lý trong cái hợp lý thật kỳ diệu. Tôi cảm thấy mình chưa thể nghĩ thấu được điều này nhưng chắc chắn nó là cái hay nhất trong cuộc ra mắt này của Hồng Hưng. Rất lạ là những cạnh bóng của nó, có gì đó khác hẳn với lập thể thời Picasso mà tôi chưa cắt nghĩa ra.
Đã có những nhà điêu khắc làm những đường xoáy lật trên không gian tự do có gì na ná, nhưng trên một con chữ khép kín thì nó thực sự gây ảo giác nghịch lý đến giật mình.
Bên cạnh những tranh vẽ cổ điển như Ký ức phố Lò Đúc, Ký ức đồng quê, thì bức Hoa và chìa khóa như giấc mơ dịu dàng. Bức Mâu thuẫn cho thấy thấy sự hãi hùng của ác mộng. Có bức tranh khái quát mạnh như Bàn đỏ, Ký ức Hà Nội, lại có bức tranh dứt khoát như trắng đen, đỏ vàng, xanh xám đối lập như thái cực của âm dương, mảng màu đối chọi, dứt khoát, khắc nghiệt như tính cách con người ông.
3. Với triển lãm này, có người đánh giá Hồng Hưng là họa sĩ “đa phong cách”. Tôi thì chưa vội vàng nghĩ vậy, vì đa phong cách hay không còn phải cả chặng đường dài trước mặt. Cái hằn lên thành phong cách của một họa sĩ phải được thử lửa và không phải cứ muốn mà được, mà nó là sự đánh giá khách quan của giới phê bình và yêu nghệ thuật. Nhưng việc Hồng Hưng đang trăn trở phản biện lại mình thể hiện ngay ở những tranh mà ông đang tìm hình thức thể hiện cho phù hợp là có thật.
Từ một nhà điêu khắc khá thành công (ông có 3 tác phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), sang sân hội họa, ông lại tạo cho mình một nét riêng đa dạng, góc cạnh và mạnh mẽ. Đó có lẽ cũng là sự phân thân của điêu khắc. Tôi nhận ra điều đó và thật mừng cho bạn mình là đã tạo cho mình một không gian mới phong phú và đa dạng của một tay nghề cứng cỏi. Xin chúc mừng ông ở tuổi 70 mà sức sáng tạo vẫn mạnh mẽ, hào sảng như vậy!
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất