Xây cầu Phú Mỹ, cảng biển kêu trời

15/08/2008 09:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ ngày 26/9/2008 đến 31/7/2009,  1/3 lượng tàu đến TP.HCM sẽ không cập được các cảng trong nội địa thành phố do vướng công trình thi công cầu Phú Mỹ.

Thông tin trên đã gây xôn xao dư luận, bởi nếu muốn xây được cầu Phú Mỹ phải ngừng lưu thông tàu thuyền vào cảng và ngược lại. Hôm qua 14/8, tất cả các đơn vị liên quan đã cùng ngồi họp với nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề trên, nhưng hầu như chưa có kết quả.



Thiệt hại khó có thể tưởng tượng

Theo thiết kế, cầu Phú Mỹ có chiều cao tĩnh không thông thuyền là 45m và chiều dài nhịp dây văng vượt sông Sài Gòn là 705 mét, trong đó khoảng cách giữa hai trụ tháp là 380 mét. Từ ngày 26/9/2008 đến ngày 31/7/2009,  do phải bắc giàn giáo bên dưới khi thi công nhịp dây văng, nên độ cao thông thuyền trong thời gian nói trên sẽ bị khống chế xuống còn 37,5 m. Tuy nhiên, sau khi tính toán, về phía đơn vị thi công cho rằng, không hẳn cấm toàn bộ tàu thuyền lưu thông qua lại trong suốt hơn 10 tháng, mà chỉ cấm trong  khoảng từ 3 đến 5 tháng.

Trước thông tin này, ông Hồ Kim Lân, Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn “Qua trình bày của đơn vị thi công thì thời gian các tàu có độ cao hơn 37m không được lưu thông rút ngắn còn 5 tháng so với thông tin mà Phó Cục trưởng Cục Hàng hải đã thông báo chiều 13/8. Tuy nhiên, theo tôi, đừng nói là 5 tháng, cho dù là 1 tuần thì tình hình cũng rất gay go. Đa số cảng biển đều ký hợp đồng từ trước với các hãng tàu, kế hoạch và lịch trình của họ đã lên trước cả năm, không thể nào thay đổi được. Sẽ thiệt hại rất nhiều về hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố”. Ông Lê Công Minh – TGĐ Cảng Sài Gòn lo ngại, đa số tàu ra vào cảng Sài Gòn đều có chiều cao trung bình từ 40 - 45 mét. Hiện, cảng có rất nhiều hợp đồng đã được ký kết, nếu thay đổi, chắc chắn cảng sẽ bị phạt nặng, thiệt hại là không thể tưởng tượng được!

Theo ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho biết, khi cảng bị tắc nghẽn, các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là doanh nghiệp giao nhận và chủ hàng vì phải đóng thêm các khoản phí cho cảng và hãng tàu. Loại phí này đánh vào các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam chúng ta bị thiệt hại rất lớn.

Giám đốc một công ty chuyên gia công hàng may mặc cũng  than trời trước thông tin này. Theo ông, tháng 3 là giai đoạn lượng hàng xuất khẩu của công ty đạt mức cao nhất. Trong tháng 1 và tháng 2/2009, nếu tàu không cập được cảng thì sẽ không có hàng làm gia công, xem như Cty ông sẽ mất đứt hợp đồng trị giá gần cả triệu USD, chưa kể là mất uy tín với đối tác nước ngoài.


Giải pháp nào?

Trước tình hình trên, một số giải pháp cũng được các bên đưa ra. Trong đó, ý kiến cho tàu cập vào cảng Cát Lái được đánh giá là không khả thi, vì hiện nay, cảng Cát Lái cũng đang trong tình trạng quá tải.

Theo chủ đầu tư, thiết kế và lịch trình thi công cầu Phú Mỹ là không thể thay đổi và xê xích dù chỉ một ngày. Vì vậy, TGĐ cảng Sài Gòn Lê Công Minh đề nghị, trong thời gian thi công từ mép trụ tháp ra giữa sông (theo hướng từ quận 7 sang quận 2), nên tính toán đầu tư nạo vét một đoạn luồng sông phía quận 7 để có thể lưu thông tạm thời. Cũng dựa trên quan điểm “còn nước còn tát”, GĐ cảng Bến Nghé Nguyễn Trọng Cừu đưa ra phương án thay vì lưu thông cả ngày, trong giai đoạn này chỉ nên cho lưu thông vào ban ngày. Tuy nhiên, ông Quách Đình Hồng, PGĐ Công ty Hoa tiêu TP cảnh báo, khu vực thi công cầu Phú Mỹ là khúc cua nên phải rất cẩn trọng, phải tính toán tất cả các yếu tố liên quan như độ rộng luồng, dòng chảy, gió, mật độ giao thông, ngày – đêm, kinh nghiệm của người điều khiển phương tiện… Ông Hồng nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm và có ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa của 5 cảng, nên phải có nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo ông Hoàng Tất Thắng, Phó Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, đây là vấn đề hết sức cấp bách và quan trọng vì hiện nay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, gần 35% lượng  tàu vận tải hàng hóa ra vào các cảng Sài Gòn, Bến Nghé, VICT và Tân Thuận Đông đều có tĩnh không thông thuyền trên 37 mét. Dù thời gian cấm tàu giảm từ 10 tháng xuống còn 5 tháng thì cũng còn tới 500 - 600 lượt tàu bị chặn tại khu vực này.

Với tình hình này, chỉ có cảng Cát Lái là không bị ảnh hưởng, còn lại các cảng khác đều bị vướng bởi thông báo này. Trong khi cảng Cát Lái chỉ đảm nhận được khoảng 44% lượng hàng container và hiện đang quá tải. Ông Hồ Kim Lân phản ứng, con số 35% là số lượng tàu chứ không phải lượng hàng hóa, nếu quy ra lượng hàng vận chuyển, sẽ có khoảng 60 - 70% khối lượng hàng hóa bị ảnh hưởng, tương đương 40 triệu tấn hàng, đó là mới chỉ tính trong năm nay, còn qua năm 2009 thì chưa biết sao. Với độ cao hạn chế như trên, không có một tàu du lịch nước ngoài nào vào được, tàu vận chuyển đi lọt thì khối lượng chở không bao nhiêu. Tình hình đang rất căng, giải pháp chuyển cảng rất khó thực hiện".

Theo ông Hoàng Tất Thắng, trong thời gian ngắn nhất, Cục sẽ tiếp tục chủ trì và mời 5 đơn vị (đơn vị thi công, đơn vị tư vấn, Cảng vụ hàng hải TP.HCM, Cty Bảo đảm an toàn hàng hải II và Cty hoa tiêu) cùng bàn bạc để tìm ra phương án tối ưu nhất giải quyết vấn đề trên. Trong tất cả các phương án, lựa chọn phương án gây thiệt hại ít nhất, đồng thời chủ đầu tư có những điều chỉnh thích hợp trên cơ sở phải đảm bảo luồng tàu, hành lang an toàn thi công.

Quang Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm