Vụ kiện tác quyền KB Biệt động Sài Gòn: Về "mo" vì án sơ thẩm bị hủy

03/11/2009 10:52 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Sáng ngày 2/11, Tòa Phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ kiện tác quyền kịch bản phim Biệt động Sài Gòn. Cũng như các phiên tòa trước đó liên quan đến vụ kiện này, các đơn vị xuất bản - được xem là nguyên nhân tạo “ngòi nổ” cho vụ kiện vẫn tiếp tục vắng mặt. Và phán quyết của tòa đã khiến cả nguyên đơn và bị đơn… hụt hẫng.

Vẫn đòi tác quyền hơn 74 tỷ đồng


 Ông Nguyễn Thanh
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Thanh - nguyên đơn vụ kiện tiếp tục bảo lưu số tiền đòi tác quyền là 74.148.000.000 đồng; cũng như đòi ông Lê Phương và các đơn vị liên quan (Hãng phim Truyện VN; báo Sài Gòn Giải phóng; NXB Long An, NXB Thanh Hóa) phải bồi thường danh dự cho cá nhân ông.


Đây là những điều đã được ông Thanh đề cập tại phiên tòa phúc thẩm được mở ngày 2/10 nhưng lại không đưa ra được những chứng cứ gốc, nên phiên tòa phúc thẩm ngày 2/10 đã phải hoãn giữa chừng để nguyên cáo có thời gian tìm kiếm các chứng cứ gốc. Lúc đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng vụ kiện được chuyển hướng về phía các đơn vị xuất bản. Các đơn vị này sẽ phải hầu tòa và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các tác giả nếu không chứng minh được việc đã trả nhuận bút cho ai, bao nhiêu, vào thời gian nào? Trái với suy đoán của mọi người, các đơn vị xuất bản vẫn coi vụ kiện là chuyện riêng của “2 ông già”. Lý do đưa ra là chuyện xảy ra đã quá lâu, các chứng từ liên quan đã được hủy theo Luật Kế toán; những người có trách nhiệm thời đó đều đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác... và không còn nhớ chuyện...

Trong khi đó tại tòa, nguyên đơn cho rằng: “Tôi đưa kịch bản cho ông Phương và chỉ biết có ông Phương mà thôi. Mặt khác, trên genericque phim ghi tên tác giả là Lê Phương - Nguyễn Thanh, nếu bằng con đường nào đó (không phải qua ông Phương) các đơn vị xuất bản có kịch bản này đem in thì họ cũng sẽ ghi tên Lê Phương - Nguyễn Thanh, chứ không phải chỉ ghi tên một mình ông Lê Phương ở những lần xuất bản đầu”. Theo ông Thanh thì đây là sự cố ý chiếm đoạt kịch bản của ông Lê Phương.

Những cáo buộc của ông Nguyễn Thanh đã bị luật sư bảo vệ quyền hợp pháp của ông Lê Phương - bà Đỗ Minh Thủy phản bác cho rằng đó là những suy diễn có tính chất ảo tưởng. Bà Thủy đề nghị tòa bác yêu cầu của ông Nguyễn Thanh vì lý do thời hiệu của vụ kiện không còn. Theo quy định, thời hiệu để kiện tụng chỉ từ 2-3 năm kể từ khi nảy sinh mâu thuẫn.


Ông Lê Phương tại phiên tòa

Vụ kiện về “mo”

Căn cứ vào hồ sơ vụ án; điều tra của tòa và thẩm vấn các bên liên quan trong vụ kiện, cũng như tranh luận tại tòa, hội đồng xét xử cho rằng có căn cứ tạm thời xác định ông Nguyễn Thanh là người đã viết 2 ký sự về Biệt động Sài Gòn (đã được báo Quân đội Nhân dân đăng liên tục 30 kỳ) và Người con gái Sài Gòn (đăng 2 kỳ trên báo Quân đội Nhân dân, sau đó được NXB Thanh Niên in sách Những chiến sĩ biệt động). Tòa cũng xác định ông Lê Phương là người đã được Ban Giám đốc Hãng phim Truyện VN giao nhiệm vụ viết kịch bản phim về biệt động Sài Gòn; ông Lê Phương đã cùng đoàn công tác của Hãng phim Truyện VN vào Sài Gòn để thực hiện việc xây dựng đề cương kịch bản và đưa ra phương án dựng chuyện (xây dựng cốt truyện - PV); xác định việc ông Lê Phương đã gặp ông Nguyễn Thanh mời cộng tác. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra quá lâu, không ai chứng minh được tỷ lệ đóng góp của mình đối với kịch bản là bao nhiêu nên không có cơ sở xác định ông Nguyễn Thanh là tác giả kịch bản duy nhất; đồng thời việc cho rằng 2 ông là đồng tác giả như kết luận của bản án sơ thẩm cũng chưa thuyết phục.

Cũng theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, nếu tạm coi ông Lê Phương và Nguyễn Thanh là đồng tác giả, thì cũng không có chứng cứ xác định ông Lê Phương là người đã gửi kịch bản cho các đơn vị xuất bản và chiếm dụng nhuận bút (ngoại trừ 2.500 đồng nhuận bút của báo Sài Gòn Giải phóng ông Phương đã nhận và đã gọi ông Thanh đến lấy nhưng ông Thanh chưa lấy). Theo đó, khi xét xử vụ kiện này, Tòa Sơ thẩm (ngày 11/5) chưa điều tra kỹ để làm rõ các nội dung cần thiết: Tỷ lệ đóng góp của các tác giả trong kịch bản; ai là người đã cung cấp bản thảo kịch bản cho các đơn vị xuất bản; việc thanh toán nhuận bút đã được thực hiện chưa? Ai lấy? Các chứng từ tại sao bị hủy? Vì chưa làm rõ các vấn đề này nên kết luận của Tòa Sơ thẩm là chưa thỏa đáng và Tòa Phúc thẩm cũng không có cơ sở để xét xử. Vì thế, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bố hủy bản án sơ thẩm. Giao vụ kiện lại cho Tòa Sở thẩm điều tra lại từ đầu.

Gần 3 năm đeo đuổi vụ kiện, giờ trở về “mo”, ông Nguyễn Thanh bước nhanh ra khỏi phòng xử án. Ông Lê Phương bày tỏ sự bức xúc: “Điều tra lại đồng nghĩa với việc phải chờ đợi thêm 1 năm, 2 năm. Mất thời gian, áp lực về tinh thần. Nhưng việc đã vậy, thì phải đợi”. Ông nói thêm: “Tôi nghi ngại, vụ kiện này rồi cũng sẽ lại bế tắc thôi. Bởi các đơn vị liên quan cũng đã tuyên bố không có chứng cứ cụ thể gì liên quan đến vụ kiện này”.

Nguyệt Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm