TP HCM mở rộng đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội

26/08/2021 22:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu hộ dân nào đã nhận được túi quà an sinh 300.000 đồng thuộc gói “2 triệu túi an sinh chăm lo cho người dân khó khăn vì đại dịch” do Trung tâm An sinh TP HCM vận động được trong thời gian qua sẽ được nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt từ gói hỗ trợ của thành phố, hộ chưa nhận gói hỗ trợ nào sẽ nhận được đủ 1,5 triệu đồng tiền mặt theo quy định mới của UBND TP HCM.

TP.HCM thông qua Nghị quyết về hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

TP.HCM thông qua Nghị quyết về hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 24/8, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 2 (kỳ họp chuyên đề). Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng được hưởng gói an sinh 1,5 triệu đồng/hộ từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”. Đây là thông tin thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chiều  26/8.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết số 09 với gói hỗ trợ 886 tỷ đồng. Sau đó, Chính phủ có Nghị quyết 68 của Chính phủ với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung thực hiện để hai gói hỗ trợ này sớm đến với người dân.

Chú thích ảnh
Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Long chung tay tiêu thụ khoai lang tím Nhật của nông dân huyện Bình Tân. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có điều chỉnh lại một số đối tượng được hỗ trợ cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là điều chỉnh cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Theo ông Phạm Đức Hải, đây là điều chỉnh rất mới, có ý nghĩa quan trọng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 53.000 hộ nghèo và cận nghèo, ước tính khoảng 170.000 người. Sau khi dịch COVID-19 xảy ra, số lượng người không có thu nhập hoặc thu nhập giảm sút tăng lên, đặc biệt là những người trước đây thuộc nhóm có thu nhập ổn định nhưng nay vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà không thể đi làm hoặc phải ngừng công việc sản xuất kinh doanh nên mất thu nhập, trở thành người lao động khó khăn. Ước tính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 3-4 triệu người thuộc nhóm đối tượng này.

Việc thành phố mở rộng đối tượng được hưởng các gói an sinh xã hội sẽ góp phần đảm bảo hỗ trợ đúng, kịp thời đến những người thật sự cần giúp đỡ để vượt qua đại dịch. Theo đó, người dân thuộc nhóm đối tượng mở rộng được hưởng gói an sinh xã hội cũng sẽ nhận mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ. Việc chi này cố gắng hoàn thành trước ngày 30/8.

Ông Phạm Đức Hải cho biết thêm, nếu hộ dân nào đã nhận được túi quà an sinh 300.000 đồng thuộc gói “2 triệu túi an sinh chăm lo cho người dân khó khăn vì đại dịch” do Trung tâm An sinh Thành phố Hồ Chí Minh vận động được trong thời gian qua sẽ được nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt từ gói hỗ trợ của thành phố; đối với hộ chưa nhận gói hỗ trợ nào sẽ nhận được đủ 1,5 triệu đồng tiền mặt theo quy định mới của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Lưu lượng lưu thông giảm 90% 

Về vấn đề lưu thông, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lượng xe lưu thông trên đường phố trong 3 ngày qua đã giảm 90% so với trước đó. Để tạo thuận lợi cho các đơn vị vận tải, ngày 25/8, Sở Giao thông Vận tải thành phố tiếp tục có văn bản số 9438/SGTVT-KT thông tin thêm về công tác cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR, trong đó hướng dẫn cụ thể về các đầu mối để các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ. Sau khi nhận hồ sơ từ các đầu mối, Sở Giao thông Vận tải sẽ giải quyết và trả kết quả trong vòng 24 giờ, phương thức trả qua phần mềm liên thông hoặc phần mềm Zalo để các tổ chức, cá nhân in mã QR nhận diện.

Chú thích ảnh
Lực lượng dân quân tự vệ phường Giáp Bát chuyển lương thực, thực phẩm đến từng hộ gia đình. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc cấp giấy đi đường cho các nhóm thiện nguyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để các nhóm này có thể hỗ trợ cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội. Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động từ thiện là một nhu cầu chính đáng. Thành phố rất trân trọng tấm lòng và nhiệt huyết của các cá nhân, tổ chức đã cùng thành phố chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng, hiện nay mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là kiểm soát được đại dịch, do đó việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó” là rất quan trọng. Hiện nay, giấy đi đường được cấp là để sử dụng trong cả ngày mà với quy mô trao mỗi ngày vài trăm suất ăn, suất quà của các đội nhóm thiện nguyện trên khắp địa bàn, nếu di chuyển sẽ gây nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng và chính những người làm thiện nguyện, cũng như không đáp ứng đúng yêu cầu giãn cách xã hội.

Vì thế, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, để quản lý tốt vấn đề này, quan điểm của Thành phố là không thể cấp giấy đi đường cho các nhóm thiện nguyện tự di chuyển. Thành phố khuyến khích các nhóm thiện nguyện thay vì đến trao quà trực tiếp cho người dân thì nên tổ chức tập trung lại và chuyển các phần quà, phần thực phẩm, thuốc… về tổ công tác đặc biệt ở mỗi địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm an sinh xã hội của thành phố và các quận huyện để các đơn vị này chủ động tiếp nhận phân phối. Các cơ quan, tổ chức trên sau khi kiểm tra thông tin các nhóm có đủ điều kiện có thể sắp xếp thành viên nhóm từ thiện tham gia như một phần tổ công tác, cùng điều phối đi hỗ trợ, trao quà cho người dân.

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường cho các phương tiện vận chuyển thuốc, vật tư y tế và người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19, khám chữa bệnh, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có các văn bản cụ thể cho những trường hợp này.

Theo đó, đối với các phương tiện chở bình oxy, thuốc men, vật tư y tế…, chỉ cần người điều khiển phương tiện có giấy tờ chứng minh như giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ về phòng, chống dịch… thì được phép lưu thông không cần giấy đi đường. Với trường hợp người dân đi tiêm vaccine, tái khám, lấy thuốc…, Công an thành phố quy định rõ người dân chỉ cần mang theo bệnh án, giấy hẹn lấy thuốc, phiếu tái khám hoặc sổ theo dõi sức khỏe thì sẽ được di chuyển, không cần trình giấy đi đường.

Nghiêm cấm việc thu tiền tiêm vaccine

Về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ 25/8, thành phố đã lấy 514.974 mẫu, trong đó có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 479.742 mẫu. Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25/8 là 5.627.728, trong đó có 5.390.903 người đã tiêm mũi 1 và 236.825 người được tiêm mũi 2.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí; nghiêm cấm việc thu tiền tiêm vaccine từ người dân dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định của Bộ Y tế.

“Thành phố đặt mục tiêu phải cơ bản tiêm hết tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15/9. Đây là mốc rất quyết liệt mà để đạt được phải nhanh chóng vận động và tổ chức cho người dân đi tiêm theo tiêu chí "Vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất"”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân được đưa về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Về tình hình xây dựng các trạm y tế lưu động trên địa bàn, ông Tăng Chí Thượng thông tin, toàn thành phố đã thiết lập được 401 trạm y tế lưu động để chăm sóc người dân mắc và nghi mắc COVID-19 tại nhà ở tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Con số này vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu là 400 trạm sau một tuần triển khai. Dự kiến trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh và số ca nhiễm được chăm sóc theo dõi ở nhà, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động nhằm đảm bảo mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 người bệnh.

Theo ông Tăng Chí Thượng, trạm y tế lưu động có 2 chức năng chính là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn) và quản lý các trường hợp người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà. Mô hình này sẽ giúp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại nhà tốt hơn. Mỗi phường, xã đều được yêu cầu lập một trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 người bệnh. Trường hợp số người bệnh tăng mạnh, có thể tăng thêm trạm. Người bệnh cũng được cung cấp số liên lạc của bác sĩ, điều dưỡng và được hỏi thăm sức khỏe, sàng lọc yếu tố nguy cơ thường xuyên, nếu phát hiện bất thường sẽ được đến nhà trực tiếp thăm khám.

Bên cạnh đó, người bệnh khi điều trị tại nhà còn được tặng một túi thuốc chăm sóc sức khỏe gồm thuốc ho, thuốc hạ sốt, vitamin không cần kê toa, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang, máy đo điện tử nồng độ oxy trong máu SpO2, thuốc kháng đông, kháng viêm có kê toa theo chỉ định bác sĩ, dùng trong tình huống khó thở đột ngột khi chưa tiếp cận được bác sĩ. Bác sĩ tại các trạm này sẽ tiếp nhận khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Hồng Giang - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm