Thư Trường Sa: Chuyện cha con chiến sỹ đảo Trường Sa

25/05/2014 08:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, đảo chìm Đá Lớn B hiện dần. Mặt trời nhô lên, mặt biển bừng sáng, cũng là lúc tàu HQ 517 thả neo, khẩu hiệu “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” vang vọng.

Mọi người trên tàu nhanh chóng lên boong, nhìn về đảo nhỏ như một chấm sáng trên biển mênh mông, bốn bề sóng nước....

Yêu biển đảo từ bố

Bước chân lên đảo chìm Đá Lớn B chỉ hai tiếng đồng hồ, nhưng nhiều người trong đoàn công tác đều không khỏi cảm thán trước sự chịu đựng của các cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Dù đã được quan tâm về nhiều mặt, nhưng đời sống của họ vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng bằng các cách thức sáng tạo, họ đã tiết kiệm được nước ngọt và tích cực trồng rau xanh. Đến nay, nguồn nước ngọt và rau xanh cơ bản đủ cho sinh hoạt.

Trên đảo nhỏ này, chúng tôi gặp thiếu úy Bùi Trọng Luật (sinh năm 1983, xã Nam Hà, Tiền Hải, Thái Bình) đã 10 năm gắn bó với Trường Sa. Anh xúc động kể chuyện về người bố của mình - trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca: “Bố tôi nhận nhiệm vụ công tác ra đảo từ khi tôi chưa ra đời. Đến năm 2 tuổi, tôi mới lần đầu tiên gặp bố. Kể từ đó, tôi biết tự tính một năm có một lần bố về. Đợi hoài một năm mà bố chưa về thì có nghĩa là năm đó, 18 tháng bố tôi mới được nghỉ phép. Dù gặp nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều, nhưng mỗi lần về, bố lại kéo tôi vào lòng và kể chuyện về biển. Những câu chuyện ấy khiến tôi yêu biển từ lúc nào không biết...”


Thiếu úy Bùi Trong Luật trò chuyện với phóng viên

Học hết cấp 3, Bùi Trọng Luật quyết định xin gia nhập lực lượng Hải quân để theo nghiệp bố. Lúc đó, bố hỏi anh: “Làm lính tâm phải vững, lòng phải trong, phải kiên trì vượt qua gian khổ, con có đủ tự tin không?”

Và đêm đó, Luật đã thức trắng đêm suy nghĩ. Sáng hôm sau, Luật nói với nói với bố về quyết định sẽ tiếp nối nghiệp bố để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

“Dù còn nhiều gian khó, nhưng có hề chi, bố tôi đã làm được, tôi cũng đang cố gắng rèn luyện. Lớp lớp người Việt mình sẽ cùng nhau tiếp nối truyền thống giữ gìn biển đảo của quê hương” – anh nói.

Tiếp bước cha anh...

Trong câu chuyện với chúng tôi, thiếu úy Bùi Trọng Luật kể rằng: Năm 2004, ba ngày sau khi nhận quyết định đi Trường Sa, Luật lên tàu đến đảo Phan Vinh (điểm  B), cách nơi bố đóng quân (đảo Phan Vinh, điểm A) hơn ba hải lý (khoảng 6 km). Ngày đó, thông tin liên lạc còn hạn chế, nên khi anh đến nơi bố anh cũng mới kịp biết tin. Khi xuồng vừa vào đảo, Luật đã nhận ra cha nhưng không thể hét lớn thành lời. Trong lúc bố anh đi bắt tay chào chiến sĩ mới đến đảo, khi ngước mắt lên nhìn, ông không khỏi ngỡ ngàng khi trước mặt mình là... cậu con trai cao lớn, rắn rỏi đã trưởng thành. Bất ngờ, hai cha con ôm chặt, vỡ òa...

Từ đó, 2 bố con nhiều lần hội ngộ ở Trường Sa. Gia đình có hai cha con thì cả hai cùng đi đảo. Mẹ, vợ và đứa con gái hơn 2 tuổi của anh Luật ở nhà, nương tựa lẫn nhau. Ở hai đảo khác nhau, nhưng hai bố con anh vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại để tâm sự và chia sẻ công việc. “Tôi và bố cũng thường xuyên điện thoại về nhà động viên vợ con, bà cháu ở nhà cố gắng bảo ban, chăm sóc nhau để bố con chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ” – anh Luật kể.


Và cha anh, trung tá Bùi Xuân Lệ, bên bờ biển đảo Sơn Ca

Rời Đá Lớn B, sáng hôm sau, tàu HQ 571 tới đảo Sơn Ca, chúng tôi đã nhận ra ngay trung tá Bùi Xuân Lệ. Gặp Luật, giờ gặp bố anh, thấy hai cha con giống nhau y đúc, từ khuôn mặt đến dáng đi, từ màu áo đến màu da nắng sạm...

Là chính trị viên đảo Sơn Ca, trung tá Bùi Xuân Lệ luôn bận rộn đón đoàn, gặp gỡ với các thủ trưởng trong đoàn công tác. Thành ra, phải đến khi gần rời đảo, chúng tôi mới được trò chuyện cùng ông. Trong câu chuyện với chúng tôi, trung tá Bùi Xuân Lệ nói rằng: “20 năm qua, dấu chân tôi đã in khắp 21 đảo và 33 điểm đảo trong quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đến sang năm 2015 là tôi đến tuổi nghỉ hưu, về với gia đình, nhưng tùy theo nhiệm vụ, nếu được yêu cầu, tôi vẫn sẽ tiếp tục ở lại cùng con trai gắn bó với Trường Sa, với biển quê hương”

Câu chuyện của cha con người lính đảo cứ theo tôi suốt trên những con sóng bồng bềnh trở về đất liền. Cầm trên tay chiếc huy hiệu chiến sĩ Trường Sa tôi cảm thấy mình như mắc nợ các chiến sĩ, một món nợ của tình yêu Tổ quốc. Mong rằng, tôi sẽ về lại Trường Sa để được gặp lại những tấm gương bình dị mà cao quý, kiên trung.

Những cái bắt tay thật chặt ở Trường Sa


Có lẽ chẳng nơi đâu như ở Trường Sa, khi gặp nhau, những người đàn ông luôn bắt tay nhau, cầm tay nhau thật chặt và trò chuyện không ngừng. Khi chụp ảnh, khi ngồi xuống hàn huyên, họ cũng liên tục xin bắt tay nhau. Rồi khi chia tay nhau, họ cũng bắt tay, ôm nhau xúc động khi xuồng rời đảo...


Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm