Tản mạn Cao nguyên đá

27/11/2010 11:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tôi lên Đồng Văn lần đầu vào tháng 9 năm 1973. Những năm ấy Ủy ban huyện đóng ở Phó Bảng. Dưới lòng thung bên đường vào phố huyện có trại nhân  giống su hào, cải bắp.

1. Ở nơi có độ lạnh thứ nhì cao nguyên này su hào và cải bắp mới trổ hoa cho hạt giống. Trong trại còn có cả vườn tam thất. Những luống tam thất chìm trong ánh sáng lờ nhờ do bị lợp kín bằng những chùm lá sa mu. Giám đốc vườn ươm tên là Phú uống rượu như thụi, đãi tôi món thịt bò xào xuyên khung (tên một vị thuốc nam) thơm lừng. Anh bảo: xuyên khung ở đây hợp đất nên tốt lắm, nhưng khốn nỗi nhà nước thu mua bập bõm nên dân chán ngấy. Trước đây mấy năm, đầu mùa vận động trồng, bà con khấp khởi mừng, hối hả chăm bón nhưng rồi cuối mùa xuyên khung tốt nhất cũng không được cửa hàng thu mua chào đón, lại thông báo không có kế hoạch thu mua nữa. Hỏi tại sao thì không ai trả lời, dân Mông nói cán bộ nó gẫy lưỡi rồi nên không nói được nữa, mặc dù cái tài nhất của cán bộ là nói. Năm ấy xuyên khung thồ từ bản lên cửa hàng thu mua huyện không bán được. Cuối cùng biết chờ vô ích, dân ném thối đầy đường. Họ bảo nhau kế hoạch gì thì cũng chẳng thoát khỏi cách dựa vào đá mà kiếm ăn. Vẫn chỉ là cậy kẽ đá thả hạt ngô, hạt đỗ tuơng như bao đời người Mông vẫn làm là chắc nhất.

2. Ông Chu Bá Nam, anh nhà văn Đỗ Chu từng du học ở Đông Âu là kĩ sư hóa. Mấy chục năm trước ông đã lăn lóc trên cao nguyên Đồng văn nghiên cứu việc chiết xuất tinh dầu cây bạc hà, loài cây mọc dại đầy trên cao nguyên. Ông đã thành công. Dự án cấp nhà nước đầu tư cả đống tiền nhưng rồi chẳng ai ngó đến dù công trình được đánh giá cao. Cho dù loại dầu này có giá trị thương phẩm cao cũng chẳng thấy ai màng.



Mới đây gặp ở Đà Lạt, ông Chu Bá Nam vẫn bần thần về cái công trình khoa học có ý nghĩa cho một vùng đất để cải thiện đời sống người dân đã bị vứt bỏ mà chẳng biết trách ai. Giá trị hoa bạc hà trên cao nguyên bây giờ lại ăn ghẹ theo loài ong. Hôm nay lên cao nguyên, mật ong hoa bạc hà được quảng cáo là đặc sản dành cho những toán du lịch nhỏ lẻ.

Chuyện  của ông Nam thực ra không phải là ví dụ đơn lẻ. Người ta có thể bỏ cả mươi triệu đô la cho một cuộc chơi phù phiếm, nhưng chỉ phần nhỏ trong số đó để khai thác kinh tế lại bị thờ ơ. Đó là những câu hỏi mà người cần nghe lại luôn bỏ đi máy trợ thính. Cho nên  cao nguyên mãi chỉ dừng lại ở những tiềm năng.

3. Tôi đã cả chục lần lên cao nguyên, chỉ biết mê mẩn với đá đủ loại. Quẩn quanh chụp ảnh đá, những người chơi non bộ nằm mơ cũng không nghĩ ra vẻ đẹp lạ lùng đến thế.

Trước cửa ngõ Vần Chải, dưới nắng ong vàng và chập trùng đá, trồi lên bơi trong bạt ngàn tím ngát hoa cứt lợn. Chị Bình, con gái cựu đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh bảo dân dã gọi thế, nhưng loài hoa này có cái tên rất hay đấy, nó là “phương thảo”. Tôi giật mình nhớ lại bài thơ tứ tuyệt trên bộ tứ bình phong cảnh: “Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi”. Từ “phương thảo” lâu nay chỉ được giải thích đó là  mùa xuân đi chơi ở vùng cỏ non. Phương thảo là loài dược thảo trên núi, còn sen ở ao - là chỗ trũng, đối nhau chan chát mà không nhận ra. Lại một lần để biết đúng tên một loài cây tôi phải lên đến Đồng Văn.

4. Mùng 4 tháng Mười năm nay, cao nguyên đá Đồng văn – Mèo Vạc (Hà Giang) trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Có ý kiến đóng đinh rằng danh hiệu ấy không chỉ giúp Việt Nam có thêm một di sản mang tầm thế giới mà còn là cơ hội giúp người dân nơi địa đầu Tổ quốc có cơ hội thoát nghèo. Liệu có dễ thế không, chỉ sau một sự công nhận? Lúc nào cũng chỉ là cơ hội. Tôi vẫn nghi ngờ về điều đó.

5. Đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú lộng gió, tôi đọc được dòng ghi chú hình ảnh một côn trùng nhỏ như con muỗi có hình cánh phượng: “Vị trí có hóa thạch bọ ba thùy của công viên địa chất - kiểu di sản cổ sinh - tọa độ….”

Tôi nhìn phiến đá có dấu vết con bọ, đó là những phiến đá nhiều lớp xếp như chồng vở cũ nát chẳng có gì đáng để ý. Thì ra những giá trị của cao nguyên không chỉ nằm ở những khối đá cảnh đẹp tuyệt vời, mà còn ở lớp đá non mỏng manh dễ vỡ. Nếu không có chỉ dẫn của các nhà khoa học thì một lần nữa tôi lại mắc một sai lầm chết người.

Cao nguyên đá quá huyền bí. Đi bao nhiêu lần mà chỉ mới cảm nhận được tí bề ngoài. Còn sau nó, con người cao nguyên và những giá trị thầm kín khác, với tôi vẫn là khoảng trống mênh mông.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm