Sửa chữa cầu Long Biên: 'Giấc mơ' cầu đi bộ vẫn còn xa

18/07/2015 07:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Dù bước vào đợt sửa chữa lớn nhất trong lịch sử của mình, cầu Long Biên vẫn phải chờ thêm nhiều năm nữa để được "giải phóng" khỏi chức năng của một cây cầu đường sắt và trở thành một không gian văn hóa như mong đợi.

Ở thời điểm hiện tại, việc sửa chữa cây cầu này đã bắt đầu được triển khai và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Trước mắt, vẫn là cầu đường sắt

Trao đổi với PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Nguyễn Quang Long (Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Hải - đơn vị được giao trách nhiệm quản lý cầu Long Biên) cho biết: Đây là dự án được Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 2 (thuộc Tổng công ty Đường sắt VN) thực hiện.

Đây là dự án gắn với mục đích đảm bảo an toàn cho vận tải đường sắt trên cầu Long Biên và được phê duyệt với kinh phí gần 300 tỷ đồng. Nội dung thi công chủ yếu là kiểm tra thay thế hệ thống đinh vít và tà vẹt đã cũ mòn, bổ sung thay thế các rầm thép đỡ dưới mặt cầu, sơn chống rỉ tổng thể... Việc trùng tu cũng được đảm bảo sẽ giữ nguyên kiến trúc hiện có của cầu.

Trước đó, theo báo cáo của TEDI (Tổng Công ty Thiết kế Giao thông Vận tải VN, đơn vị được giao nghiên cứu dự án cải tạo cầu Long Biên), cầu đường sắt Long Biên đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và cần được khẩn trương gia cố để đảm bảo sự vận hành của các tuyến đường sắt đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Và, phải tới năm 2020, khi cầu Long Biên mới (dự kiến nối vào phố Hàng Đậu) và tuyến đường sắt mới Ngọc Hồi – Yên Viên đi vào hoạt động, việc cải tạo cây cầu để phục vụ giao thông đường bộ mới được tính đến.


Cầu Long Biên trước mắt vẫn sẽ phục vụ vận tải đường sắt. Ảnh: Lê Hiếu

Đặc biệt, cũng theo ý kiến của TEDI, nếu đặt ra yêu cầu khôi phục kiến trúc cũ (đủ 18 nhịp) và trùng tu về tổng thể, dự án này trong tương lai sẽ đòi hỏi một khoản kinh phí khổng lồ. Trong trường hợp không thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, việc dùng ngân sách để tôn tạo Long Biên cần được nghiên cứu cẩn thận.

Chưa kể, được xây vào đầu thế kỷ XX, cầu Long Biên nằm khá thấp và không đảm bảo tĩnh không thông thuyền cho các tuyến vận tải đang phát triển trên sông Hồng. Do vậy, việc nâng cầu Long Biên lên cao khoảng 3 mét cũng cần tính tới.

Vẫn chưa được xếp hạng di tích quốc gia

Từ đầu 2014, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc giữ nguyên cầu Long Biên (thay cho các đề xuất di dời hoặc phá bỏ để xây mới cây cầu này), lãnh đạo Hà Nội đã có đề xuất xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia cho cây cầu. Tiếp đó, nhiều chuyên gia bảo tồn đã đề nghị biến Long Biên thành một cây cầu đi bộ qua sông Hồng trong tương lai.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc xếp hạng di tích cho Long Biên chưa thành hiện thực, và cây cầu này vẫn thuộc quản lý của ngành giao thông. Bởi vậy, dù coi dự án của Tổng Công ty Đường sắt VN là một thông tin đáng mừng trong việc gìn giữ cây cầu, việc tiếp tục khai thác đường sắt tại đây lại càng khiến những người yêu di sản thêm... sốt ruột.

"Tương lai, việc chuyển thành cầu đi bộ là cách tiếp cận hợp lý nhất với giá trị lịch sử văn hóa của Long Biên. Tuy nhiên, cái khó hiện nay nằm ở việc cây cầu vẫn đang được khai thác vào chức năng vận tải đường sắt và do ngành giao thông quản lý" – ông Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nhận xét - "Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế như hiện nay, chúng ta vẫn phải hi vọng rằng Long Biên được bảo tồn trước hết từ ý thức về di sản văn hóa Hà Nội của mỗi người – cho dù nó có được xếp hạng hay chưa".

Trao đổi với báo giới, ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội) cũng cho biết: Dù đây là dự án do ngành giao thông thực hiện, cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội cũng sẽ theo dõi và sẵn sàng lên tiếng nếu cầu Long Biên có nguy cơ bị sửa chữa sai lệch so với kiến trúc cũ. Bởi trên thực tế, dù chưa là di tích, cầu Long Biên vẫn nằm trong hạng mục những công trình kiến trúc Pháp cần được bảo vệ tại Hà Nội.

"Chân dung" cầu Long Biên trong tương lai

Do đang được sử dụng vào mục đích giao thông đường sắt, các kế hoạch tôn tạo, khai thác Long Biên trong tương lai hiện vẫn dừng ở tranh luận về ý tưởng. Cơ bản, nhiều ý kiến đề nghị dựng lại 9 nhịp cầu đã bị sập để trả Long Biên về hình dáng cũ - trong khi có phương án đề nghị giữ nguyên hiện trạng để tôn trọng lịch sử và chỉ dựng lại 9 nhịp đã mất này bằng... công nghệ ánh sáng vào ban đêm.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất nên khôi phục hình dáng cũ của Long Biên và bỏ phần đường sắt nhưng vẫn cho phép xe cơ giới lưu thông trên cầu.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm